| Hotline: 0983.970.780

Giảm độ trễ trong xây dựng chính sách nông nghiệp

Thứ Tư 10/01/2024 , 18:58 (GMT+7)

Các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT cần đánh giá rõ thách thức, xây dựng lộ trình cụ thể, từ đó ban hành các nghị định, thông tư đúng tiến độ.

Hội nghị 'Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ pháp chế năm 2024' chiều 10/1 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ pháp chế năm 2024” chiều 10/1 tại Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Nhiều điểm sáng trong xây dựng chính sách nông nghiệp

Chiều 10/1, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ pháp chế năm 2024”.

Ngành NN-PTNT bước vào năm thứ 4 thực hiện chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Theo đó, công tác pháp chế của Bộ được triển khai thực hiện trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. Thế giới xuất hiện nhiều vấn đề mới, phức tạp, khó lường tác động trực tiếp đến phát triển thị trường nông sản, tổ chức sản xuất nông nghiệp. 

Đến ngày 1/1/2024, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Bộ chủ trì soạn thảo đã ban hành là 433 văn bản; còn 13 dự thảo văn bản đã trình Chính phủ chưa ban hành. Bộ NN-PTNT cũng đã hoàn thành 11 văn bản hợp nhất trong các lĩnh vực: chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp.

Báo cáo tổng kết công tác pháp chế năm 2023, bà Ngô Thị Tuyết, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế điểm qua một số điểm sáng, đề cao các đơn vị trình và ban hành văn bản đúng tiến độ. Trong đó, Cục Lâm nghiệp có 5 thông tư; Cục Kiểm lâm có 2 nghị định, 2 thông tư; Cục Bảo vệ thực vật hoàn thành trước tiến độ 2 thông tư. 

Điển hình, Cục Lâm nghiệp đã ban hành các quy định về giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất, đảm bảo rừng có chủ. Đồng thời, các chính sách về lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; chính sách hưởng lợi từ khai thác lâm sản trong rừng; chính sách đầu tư trong lâm nghiệp… đảm bảo chủ rừng yên tâm đầu tư bảo vệ và phát triển rừng, có thu nhập, không để hoang hóa, gây lãng phí tài nguyên đất.

Cục Lâm nghiệp ban hành nhiều quy định về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Ảnh: TL.

Cục Lâm nghiệp ban hành nhiều quy định về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng. Ảnh: TL.

Lãnh đạo các đơn vị của Bộ đều đánh giá cao sự phối hợp tích cực, liên ngành trong công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; rà soát, kiểm tra, theo dõi thi hành pháp luật; các nội dung có liên quan theo yêu cầu, kế hoạch của các đoàn kiểm tra, giám sát.

Theo đó, các cơ quan đều chủ động tham mưu cho Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ chuẩn bị nội dung các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội. Các đơn vị chuyên môn tích cực tham gia quá trình xây dựng một số dự án luật, như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)... 

Xây dựng chính sách trong bối cảnh nông nghiệp chuyển đổi 

Về công tác kiểm tra tình hình thi hành pháp luật, xử lý vi phạm hành chính, các đơn vị đều quan tâm, thực hiện nghiêm túc các quy định về lập biên bản và ra quyết định xử phạt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực kiểm lâm, việc tổ chức thi hành quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả chưa triệt để.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT vẫn chậm tiến độ một số văn bản. Nhiều thông tư dồn vào 2 tháng cuối năm để thẩm định, trình ban hành. Đại diện Vụ Pháp chế cho biết "Chính phủ nhắc nhở Bộ rút kinh nghiệm, tránh tình trạng xin lùi, xin điều chỉnh tiến độ nhiều lần".

Cục Chăn nuôi sẽ soạn thảo thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý vật nuôi ngoài gia súc, gia cầm. Ảnh: TL.

Cục Chăn nuôi sẽ soạn thảo thông tư liên quan đến lĩnh vực quản lý vật nuôi ngoài gia súc, gia cầm. Ảnh: TL.

Về công tác truyền thông văn bản QPPL, ông Vũ Minh Việt, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, năm qua, Báo đã phối hợp với Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, Văn phòng SPS… phổ biến quy trình xuất khẩu các loại nông sản, thực phẩm tới đông đảo nông dân, doanh nghiệp. 

“Nhiều diễn đàn nông sản do Báo tổ chức được đông đảo bà con đón nhận. Báo cũng đã phối hợp với các cơ quan để làm rõ quy trình xuất khẩu tổ yến thông qua trang điện tử, radio hay truyền hình, có đồ họa dễ hiểu, dễ tiếp cận”, ông Việt thông tin.

Do quyết định pháp chế của Bộ trực tiếp tác động tới đời sống của nông dân và doanh nghiệp, đại diện Báo mong muốn phối hợp với các cơ quan chuyên môn, xây dựng kế hoạch truyền thông xuyên suốt, chi tiết, ‘làm mềm’ các văn bản pháp luật.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: 'Quan trọng là giảm độ trễ trong ban hành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật'. Ảnh: Quỳnh Chi.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp: "Quan trọng là giảm độ trễ trong ban hành, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật". Ảnh: Quỳnh Chi.

Đáp lại đề xuất của Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ NN-PTNT phải có cách làm mới để phổ biến thông tin, hướng tới đối tượng cụ thể. Theo đó, kênh truyền thông đa phương tiện của Báo sẽ là nền tảng thiết thực, hiệu quả, giúp trực quan hóa các văn bản pháp luật cho bà con.

Thứ trưởng nhắc nhở thêm: “Văn bản QPPL ít nhiều luôn đi chậm so với thực tiễn, nhưng quan trọng là làm thế nào để giảm độ trễ. Ví dụ, Bộ đã 2 lần có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự thảo Nghị định kinh tế trang trại. Tuy được Chính phủ đồng ý lùi thời hạn, nhưng độ trễ trong xây dựng văn bản vẫn ảnh hưởng tới công tác quản lý”.

Theo đó, ông Hiệp đề nghị các đơn vị cần hạn chế điều chỉnh kế hoạch, chủ động đánh giá các thách thức, tránh tình trạng không hoàn thành văn bản đã đăng ký với Bộ.

Thứ trưởng cũng hoan nghênh, cảm ơn Vụ Pháp chế đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn, nhìn nhận trung thực về các khuyết điểm. “Chỉ khi chúng ta có trách nhiệm, trăn trở với công việc thì mới có thể vượt qua được các hạn chế. Đề nghị các đơn vị tích cực rà soát, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của ban cán sự, dứt khoát không xin lùi kế hoạch như trong năm 2023”, Thứ trưởng Hiệp chỉ đạo.

Các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong năm 2023 nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Các cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trong năm 2023 nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT. Ảnh: Quỳnh Chi.

Để khắc phục tình trạng này, Vụ Pháp chế sẽ tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các giám định viên, người giám định tư pháp theo vụ việc. Các đơn vị đều hưởng ứng, nhất trí cao, mong muốn năng lực đội ngũ giám định viên tư pháp được nâng cao.

Bên cạnh đó, Vụ sẽ thống kê định kỳ, đánh giá nguồn nhân lực trong đội ngũ giám định viên tư pháp và người giám định tư pháp theo vụ việc. Tổ chức rà soát, lựa chọn và đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp, công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đảm bảo đủ về số lượng, giỏi về chuyên môn, vững về nghiệp vụ, có bản lĩnh, đạo đức công vụ.

Ngay trong tháng 01/2024, Vụ Pháp chế phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Bộ trưởng ban hành Thông tư thay thế Thông tư 11 để đồng bộ về mã HS với Danh mục hàng hoá xuất nhập khẩu Việt Nam và cắt giảm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. 

Trong thời gian 90 ngày kể từ ngày Thông tư thay thế Thông tư 11 được ban hành: Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và đơn vị liên quan rà soát, đề xuất, thực hiện và hoàn thành việc sửa đổi các văn bản QPPL liên quan, bảo đảm đồng bộ, có hiệu lực thi hành đồng thời với hiệu lực thi hành của Thông tư thay thế Thông tư 11.

Xem thêm
Vĩnh Phúc giảm 10 tổ chức Đảng, 1 Ban Đảng và 8 Sở...

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc cho biết sẽ sớm ban hành chính sách với những trường hợp 'hy sinh' vì lợi ích chung, thôi làm việc trong cơ quan hưởng lương từ ngân sách.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Xóm chài Xuân Lam tìm đường đến khu tái định cư

Sống giữa vùng đất thấp trũng, quanh năm vật lộn với thiên tai là nỗi lo chung của người dân Xuân Lam, riêng 8 hộ xóm chài cơ cực hơn cả.