| Hotline: 0983.970.780

Kiểm tra công tác lấy nước gieo cấy vụ đông xuân

Thứ Ba 14/01/2025 , 18:23 (GMT+7)

Ngày 14/1, Cục Thủy lợi kiểm tra tình hình vận hành hệ thống công trình thủy lợi lấy nước đợt 1 phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2024 - 2025 tại Hà Nam và Nam Định.  

Công tác lấy nước gặp bất lợi

Đoàn công tác đã kiểm tra thực tế tình hình vận hành các tổ máy tại trạm bơm Như Trác, Cốc Thành… do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Nam Hà (Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà) quản lý.

Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình vận hành các trạm bơm do Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý. Ảnh: Trung Quân.

Đoàn công tác đã kiểm tra tình hình vận hành các trạm bơm do Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà quản lý. Ảnh: Trung Quân.

Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty Thủy lợi Bắc Nam Hà thông tin, từ tháng 10 đến nay, trên toàn hệ thống công trình thủy lợi do công ty quản lý không có mưa, đây là yếu tố bất lợi cho công tác lấy nước phục vụ gieo cấy vụ đông xuân 2024 - 2025.

Trước tình hình đó, công ty đã chỉ đạo các trạm bơm từ ngày 25/12 tận dụng các con triều, tổ chức bơm và tích trữ nước tối đa vào hệ thống. Theo kết quả thống kê, lượng nước tích trữ được vào hệ thống đạt 77 triệu m3. Bên cạnh đó, tổ chức vận hành sớm trạm bơm Như Trác từ ngày 8/1 để kịp thời phục vụ nước cho 2 huyện Lý Nhân và Bình Lục với diện tích trên 7.000ha. Các trạm bơm Cốc Thành, Hữu Bị, Nhâm Tràng cũng vận hành sớm hơn dự kiến (từ ngày 10/1).

Từ ngày 12/1 đến nay, khi các hồ chứa thủy điện thượng nguồn xả nước, mực nước thực đo tại bể hút trạm bơm Như Trác đạt trên 1,7m. Với tình hình nguồn nước như hiện tại, dự kiến hết đợt 1 lấy nước, đơn vị sẽ cung cấp đủ nước cho 60 - 70% diện tích. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ tiến hành cấp nước đợt 2; phấn đấu đến 15 - 20/2 sẽ cấp đủ nước cho toàn bộ diện tích gieo cấy.

Tổng lượng nước xả tăng cường dự báo tăng cao hơn

Tại tỉnh Nam Định, ông Trần Đức Việt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin với đoàn công tác, vụ đông xuân 2024 - 2025, tổng diện tích gieo cấy lúa toàn tỉnh hơn 73.000ha. Trên cơ sở đánh giá tình hình nguồn nước của Cục Thủy lợi và các đơn vị chuyên môn, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi, tổ chức thủy lợi cơ sở từ sớm tiến hành nạo vét hệ thống kênh mương nội đồng, sẵn sàng đưa nước vào tận ruộng.

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị bám sát triều cường, chủ động nhập nước khi điều kiện cho phép vào hệ thống kênh chìm để tích trữ. Đến hết ngày 13/1, một số huyện diện tích có nước đạt tỷ lệ cao như Hải Hậu, Xuân Trường (trên 60% diện tích). Với tiến độ như hiện tại, dự kiến kết thúc đợt 1, 50% diện tích toàn tỉnh sẽ có đủ nước.

Công nhân tại các trạm bơm phân ca, kíp liên tục túc trực vận hành tối đa công suất để đưa nước từ kênh chính vào đồng ruộng. Ảnh: Trung Quân.

Công nhân tại các trạm bơm phân ca, kíp liên tục túc trực vận hành tối đa công suất để đưa nước từ kênh chính vào đồng ruộng. Ảnh: Trung Quân.

Sau khi kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi đánh giá, các tháng cuối năm 2024, thời tiết không có mưa trái mùa, hanh khô kéo dài khiến việc lấy nước của các địa phương gặp nhiều khó khăn và lượng nước tiêu tốn dự báo sẽ cao hơn so với trung bình nhiều năm.

Bên cạnh đó, hiện tượng biến đổi lòng dẫn vẫn diễn ra phức tạp. Mực nước nền trên hệ thống sông Hồng trước khi các nhà máy thủy điện điều tiết nước thấp hơn so với mọi năm nên tổng lượng nước xả dự báo sẽ tăng cao hơn.

Tính đến 16 giờ ngày 14/1, tổng diện tích có nước của 11 tỉnh, thành phố hơn 119.000 ha, đạt 24,4% (tăng 5,9% so với ngày 13/1). Cụ thể, Phú Thọ 71,7%, Nam Định 46,6%, Ninh Bình 32,4%, Vĩnh Phúc 25,3%, Hà Nam 21,4%, Hà Nội 14,4%, Thái Bình 14,8%, Hưng Yên 9,8%, Hải Dương 9,6%, Hải Phòng 8,9%, Bắc Ninh 6,6%.  

Trên khắp các cánh đồng của tỉnh Nam Định, người dân tranh thủ nguồn nước được bổ sung tích cực làm đất, sẵn sàng gieo cấy theo khung thời vụ. Ảnh: Trung Quân.

Trên khắp các cánh đồng của tỉnh Nam Định, người dân tranh thủ nguồn nước được bổ sung tích cực làm đất, sẵn sàng gieo cấy theo khung thời vụ. Ảnh: Trung Quân.

Ông Nguyễn Hồng Khanh lưu ý, các tỉnh/thành phố Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hưng Yên… đến hiện tại công tác lấy nước diễn ra tương đối thuận lợi do hệ thống các trạm bơm mới, dã chiến được đưa vào vận hành hiệu quả. Tuy nhiên, cần tiếp tục bám sát diễn biến thực tế và chủ động xây dựng mọi phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ để đảm bảo hoàn thành kế hoạch đặt ra. Đối với các tỉnh ven biển, cần bám sát diễn biến của đỉnh triều, mặn để lấy nước hiệu quả.

Đặc biệt, thời gian giữa 2 đợt lấy nước cách nhau khá xa (22 ngày). Tuy nhiên, giữa hai đợt dự báo có 1 đợt triều cường vào thời gian Tết Nguyên đán. Do đó, các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi cần bố trí hợp lý nhân lực, trang thiết bị tranh thủ thời điểm phù hợp tích cực lấy nước vào đồng ruộng.

Xem thêm
Các nhà báo đã chung tay lan tỏa 'câu chuyện Việt Nam'

Gặp gỡ báo giới đầu năm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng các nhà báo đã cùng nhau kể 'câu chuyện Việt Nam', đẹp và đáng tự hào.

Cống âu Rạch Mọp cán đích trước tháng 3/2025

Sóc Trăng Cống âu Rạch Mọp đang bước vào giai đoạn nước rút, các kỹ sư, công nhân quyết tâm thi công xuyên Tết, phấn đấu đưa công trình vào vận hành trước tháng 3/2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Cây mai vàng 60 năm tuổi được rao bán gần 6 tỷ đồng

An Giang Cây mai vàng có tuổi đời hơn 60 năm, với các thông số ấn tượng: Hoành thân 2,5m, tán rộng 5m và chiều cao lên đến 3,5m, được rao bán gần 6 tỷ đồng.