| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế biển - không gian phát triển mới của Đồng bằng sông Cửu Long

Thứ Năm 28/01/2021 , 16:41 (GMT+7)

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi cho rằng, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển.

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Ông Phan Văn Mãi - Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

Tại phiên làm việc ngày 28/1 của Đại hội XIII, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, chia sẻ, ĐBSCL là một châu thổ trẻ, rất mẫn cảm trước tác động mang tính toàn cầu của biến đổi khí hậu, dẫn đến những ưu thế về điều kiện tự nhiên cho sự phát triển trước đây và hiện nay của vùng sẽ phải thay đổi.

Điều dễ nhận thấy nhất là sự suy giảm về tài nguyên nước và phù sa, tình trạng mặn xâm nhập sâu và hạn hán kéo dài (năm 2016 năm 2019 - 2020), nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến tài nguyên đất và hệ sinh thái, môi trường...

Cũng theo ông Mãi, trong giai đoạn phát triển 2021-2030 và các thời kỳ tiếp theo, ĐBSCL phát triển dựa trên khai thác tiềm năng, thế mạnh của kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển theo hướng đổi mới mạnh mẽ tư duy và cách tiếp cận hiện đại, phù hợp với thực tiễn, lấy tri thức khoa học - công nghệ làm nền tảng.

Theo đó, cần xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững của vùng ĐBSCL được đặt trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Sự phát triển nông nghiệp sẽ tận dụng được tài nguyên sẵn có, đồng thời chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu qua việc kiểm soát nguồn nước ngọt, kiểm soát lũ.

Nền nông nghiệp của vùng hiện vẫn đang nắm giữ rất nhiều sản phẩm ưa chuộng của thị trường thế giới với nhu cầu ngày càng tăng, đủ sức đáp ứng nhu cầu sản phẩm nông nghiệp giá trị cao trong nước và thế giới.

Chuyển đổi sang nền kinh tế nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến có thể được xem là giải pháp khả thi và bền vững trong dài hạn.

Ngoài ra, phát triển kinh tế nông nghiệp sẽ được hỗ trợ bởi các ngành kinh tế khác phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng đồng bằng, như phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái, trải nghiệm…

Cùng với xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, ĐBSCL cần tập trung phát triển kinh tế biển, từ kinh tế thuỷ sản (nuôi trồng, đánh bắt, chế biến) đến phát triển năng lượng sạch, công nghiệp, vận tải, du lịch, thương mại - dịch vụ, đô thị... trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Trong bối cảnh đó, định hướng phát triển năng lượng tái tạo ở vùng ĐBSCL có thể xem là một chiến lược biến “nguy cơ, thách thức” của biến đổi khí hậu thành cơ hội phát triển bền vững. Đây là một không gian phát triển mới của ĐBSCL cần được quan tâm đầu tư để ĐBSCL thật sự hướng ra biển và giàu lên từ biển.

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng BĐSCL, ứng với biến đổi khí hậu, xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại và kinh tế biển phát triển bền vững, ông Phan Văn Mãi cho rằng “cần phải quan tâm đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông, cả đường thủy và đường bộ”.

Dù phân chia theo địa giới hành chính, song cần xem đây là một khu vực có cấu trúc tương đồng để hoạch định chính sách chung về đầu tư phát triển cho đồng bộ, nhắm đến lợi ích của toàn vùng.

Thực tế những năm qua, nhiều công trình lớn hoàn thành và đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng.

Đồng thời, khi hệ thống hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu, đa chức năng cùng với các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối thông suốt hệ thống các trung tâm nông nghiệp và công nghiệp, hình thành nên chuỗi các đô thị, tạo diều kiện phát triển các dịch vụ, tạo sự liên kết chặt chẽ trong nội tại của vùng, với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam bộ...

Từ đó, mở ra những cơ hội lớn trong thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư, “tháo gỡ” được một trong những “nút thắt” cản trở sự phát triển của ĐBSCL trong thời gian qua.

Theo ông Mãi, khi xây dựng thành công nền nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển phát triển bền vững, hoàn thiện hệ thống hạ tầng, giao thông thuận lợi sẽ góp phần tạo thêm việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang lao động kỹ thuật có tay nghề cao, dịch vụ, thương mại.

Đó cũng là nền tảng cần thiết cho giáo dục phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo thêm việc làm, khắc phục hiệu quả tình trạng di dân đang diễn ra khá nghiêm trọng.

Xem thêm
Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.

Trường Sơn: Hương tóc, hương rừng

Những ngày cuối năm, đồng bào PaKô, Vân Kiều thôn Trăng – Tà Puồng, mang a chói (gùi) sau lưng, lũ lượt vào rừng hái bồ kết đem về phơi khô, bán cho thương lái...