| Hotline: 0983.970.780

Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV: Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định

Thứ Hai 23/05/2022 , 18:08 (GMT+7)

Sáng 23/5, Quốc hội khóa XV khai mạc Kỳ họp thứ 3, trong đó xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia, kinh tế, xã hội, ngân sách nhà nước…

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/5. Ảnh: Quốc hội.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/5. Ảnh: Quốc hội.

Phát biểu khai mai kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV diễn ra sau thành công tốt đẹp của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII với nhiều quyết sách quan trọng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, thời kỳ phát triển mới của đất nước.

Tại phiên họp trù bị, 100% đại biểu đã nhất trí thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, trong 19 ngày làm việc (từ ngày 23/5 đến ngày 16/6/2022).

Đánh giá khách quan, toàn diện về kinh tế, xã hội

Theo ông Vương Đình Huệ, về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất về các báo cáo, tờ trình của Chính phủ. Đối với đánh giá bổ sung năm 2021, cần tập trung vào những vấn đề lớn, có thay đổi so với báo cáo Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, qua đó đánh giá chất lượng và những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành, nhất là công tác dự báo, dự toán ngân sách Nhà nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự phiên khai mạc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quốc hội.

Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch COVID-19 năm 2022, về các kế hoạch 5 năm 2021-2025, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…

Chủ tịch Quốc hội đề nghị lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, khu vực; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản ở trong và ngoài nước để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, chỉ rõ những khó khăn, thách thức phải vượt qua.

Từ đó, hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc kỳ họp. Ảnh: Quốc hội.

Xem xét, quyết định những vấn đề quan trọng

Về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 Dự án hạ tầng giao thông quan trọng: Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; đường bộ cao tốc Biên Hòa -Vũng Tàu; đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Đây là các dự án quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng đa dạng các nguồn vốn (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vốn đầu tư thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn và gói kích thích kinh tế,...).

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến về sự cần thiết, cấp bách của các dự án; phân kỳ đầu tư; tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống quy hoạch của quốc gia, của địa phương; hình thức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn đầu tư, khả năng hấp thụ vốn.

Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về năng lực của địa phương, các cơ chế chính sách đặc thù triển khai dự án, tiến độ hoàn thành; trách nhiệm tổ chức thực hiện của Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương có dự án đi qua... nhằm bảo đảm tính khả thi về cân đối nguồn vốn và tổ chức triển khai dự án, khắc phục tình trạng quyết định đầu tư nhanh nhưng quá trình triển khai chậm, kéo dài, gây lãng phí, phân tán, dàn trải nguồn lực.

Dành 2,5 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn

Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đúng và trúng vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm.

Ông cũng yêu cầu tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ vấn đề, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri, nhân dân cả nước.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định

Sáng 23/5, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho biết có 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 2,1%. Thị trường tiền tệ, tỉ giá, lãi suất ổn định; dư nợ tín dụng đến cuối tháng 4 tăng 7,18% so với cuối năm 2021. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 657,4 nghìn tỷ đồng, bằng 46,6% dự toán, tăng 15,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, tăng 16,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 119,8 tỷ USD, tăng 15,7%; xuất siêu trên 2,5 tỷ USD. Tăng trưởng kinh tế (GDP) quý I đạt 5,03% cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 và 2021.

Trong 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, sản lượng lúa ước đạt 10,8 triệu tấn; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,5%. Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi nhanh. Hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất kinh doanh cơ bản được bảo đảm.

Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I đạt 562,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,9%. Đến ngày 15/5/2022, giải ngân vốn đầu tư công đạt 20,27% kế hoạch; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 5 tháng ước đạt trên 7,71 tỷ USD, tăng 7,8%.

Bên cạnh đó, nhiều nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đã được Chính phủ triển khai kịp thời, như chính sách hỗ trợ lãi suất, miễn giảm thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hỗ trợ thuê nhà cho người lao động; các công trình giao thông trọng điểm quốc gia được khẩn trương triển khai, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung tổ chức thực hiện theo đúng kế hoạch tiến độ.

Xem thêm
Việt Nam cam kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất lúa gạo hỗ trợ Ma Rốc

Cần Thơ Ma Rốc đang nỗ lực cải thiện sản xuất lúa gạo trong nước, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cam kết chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật cho nước bạn.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hà Nam đứng đầu toàn quốc về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình

Hà Nam là địa phương đứng đầu cả nước trong công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông về tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình năm 2024.

Giảng viên đại học và hành trình theo đuổi đam mê khảo kiểm nghiệm phân bón

Khi đang là giảng viên một trường đại học danh tiếng tại TP.HCM, anh Trần Văn Thanh quyết định bỏ nghề để xin việc tại Trung tâm Khảo kiểm nghiệm phân bón Quốc gia.

Bình luận mới nhất