![110225anhbithudangxuanphong-134742_613.jpg Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: VP.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/110225anhbithudangxuanphong-134742_613-141332.jpg)
Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc. Ảnh: VP.
Sáng 11/2, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức gặp mặt kỷ niệm 75 năm ngày thành lập tỉnh Vĩnh Phúc (12/2/1950 - 12/2/2025).
Tỉnh Vĩnh Phúc được thành lập ngày 12/2/1950 trên cơ sở hợp nhất tỉnh Vĩnh Yên và tỉnh Phúc Yên. Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504 về hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc và tỉnh Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú.
Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Theo đó, tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 1/1/1997 với diện tích hơn 1,3 km2; dân số 1,1 triệu người.
Trải qua 75 năm hình thành và phát triển, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, chủ động vượt khó được lan tỏa từ tinh thần của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc đã thấm sâu vào trái tim, khối óc của các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân, tỉnh Vĩnh Phúc từng bước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, với tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh qua các giai đoạn luôn đạt ở mức cao, có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 - 2021, GRDP đạt 13,42%/năm; năm 2024 đạt 7,52%, cao hơn tốc độ tăng bình quân chung của cả nước.
Quy mô GRDP ước đạt 173.140 tỷ đồng, tăng 15,66 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2023, đưa giá trị GRDP bình quân đầu người ước đạt 141,3 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế Vĩnh Phúc chuyển dịch theo hướng tích cực, năm 2024 ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 62,37%; ngành dịch vụ chiếm 30,88%; ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6,75%.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong nhấn mạnh: Vĩnh Phúc là vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, yêu nước và cách mạng. Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, từ đầu công nguyên cho đến thời đại Hồ Chí Minh, thời kỳ nào Vĩnh Phúc cũng có những đóng góp to lớn, góp phần làm rạng danh trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Để đưa kinh tế, xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc ngày càng phát triển, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng lòng, chung sức, với quyết tâm chính trị cao xây dựng quê hương ngày càng phồn vinh, hạnh phúc. Trước mắt là, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Cùng với đó, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phấn đấu đến năm 2030 thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước về GRDP bình quân đầu người; có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ bản đáp ứng các tiêu chí của đô thị loại I, làm tiền để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, phát triển bền vững; là hạt nhân thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại trong vùng đồng bằng sông Hồng; người dân có cuộc sống chất lượng cao, ấm no, hạnh phúc; có nền văn hóa tiên tiến, giàu bản sắc, xã hội phát triển hài hòa, môi trường sinh thái trong lành, đáng sống.
Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Thực hiện tốt công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.