Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của tỉnh ước đạt 7,52%, vượt mục tiêu đề ra và cao hơn mức trung bình của cả nước. Quy mô GRDP đạt khoảng 173,14 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023; GRDP bình quân đầu người đạt 141,3 triệu đồng/người/năm, tăng 8,7%.
Ngành công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc dẫn đầu về tăng trưởng với chỉ số sản xuất tăng 11,43%, trong khi ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản được duy trì ổn định, dịch bệnh được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 đạt 31.486,9 tỷ, chỉ tăng 4,1%, trong đó thu nội địa chỉ tăng 1,6%, thấp hơn so với năm 2023.
Năm 2025, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8 đến 9%. Tổng thu ngân sách phấn đấu đạt 27.026 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 22.026 tỷ đồng. Thu hút đầu tư đạt 600 triệu USD vốn FDI và 3.000 tỷ đồng vốn DDI. Tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 0,3%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo phấn đấu đạt 82%.
Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm như: Giữ vững sự ổn định và thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhất là sản xuất công nghiệp, chống thất thu ngân sách; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công làm động lực thu hút nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, đặc biệt các dự án công nghệ “xanh”, thân thiện với môi trường, ứng dụng nền tảng số, ít phát sinh khí thải nhà kính, có giá trị gia tăng cao, có khả năng cạnh tranh, tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; rà soát điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo tính đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Bên cạnh phát triển kinh tế, tỉnh Vĩnh Phúc còn tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực xã hội như: Xây dựng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao; tu bổ, phục hồi di tích, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic; cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; phát triển kỹ thuật chuyên môn, giảm tỷ lệ chuyển tuyến Trung ương.
Tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết hiệu quả các khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội. Tuyển chọn, phê duyệt các nhiệm vụ khoa học có tính ứng dụng cao, xuất phát từ thực tiễn. Tăng cường quản lý nhà nước về đầu tư, chuyển giao, mua bán công nghệ. Thúc đẩy phát triển hoạt động ứng dụng và đổi mới sáng tạo; nghiên cứu các giải pháp để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.
Về sắp xếp các đơn vị hành chính, thông tin tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Phan Thế Huy cho biết, tỉnh sẽ sắp xếp 28 đơn vị cấp xã. Sau sắp xếp, Vĩnh Phúc sẽ giảm từ 136 xuống còn 121 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 15 đơn vị) trong đó có 88 xã, 15 phường và 18 thị trấn.
Cũng tại buổi họp báo, đại diện các Sở, Ban, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã trả lời các câu hỏi của đại diện các cơ quan báo chí và người dân quan tâm như: Thời điểm ban hành khung giá đất của tỉnh; thời điểm triển khai xây dựng Trung tâm triển lãm thành tựu kinh tế của tỉnh; các vấn đề về sáp nhập các đơn vị hành chính; vấn đề đấu giá các mỏ đất phục vụ thi công các dự án san mặt bằng; đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư công; kết quả đánh giá của cơ quan chuyên môn về nguyên nhân gây ra hư hỏng tại một số hạng mục của dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt; vấn đề khai thác khu thiết chế văn hóa, thể thao của các Làng văn hóa kiểu mẫu…