Thủy điện 'nuốt' rừng, dân nghèo 'chờ' hệ lụy
Sau những sự cố đau lòng tại các công trình thủy điện ở miền Trung trong đợt mưa lũ vừa qua, vấn đề cấp phép các dự án thủy điện những ngày này đang nóng tại nghị trường Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV. Không thể phủ nhận những lợi ích về mặt kinh tế từ các dự án thủy điện đem lại, tuy nhiên, việc phát triển ồ ạt đã xẩy ra nhiều mối lo ngại về những hệ lụy của mạng lưới thủy điện dày đặc. Tỉnh Lai Châu là một ví dụ.
Theo thống kê của Sở Công thương tỉnh Lai Châu, tính đến thời điểm này trên địa bàn tỉnh có 137 dự án thủy điện đã được Bộ Công thương phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 3.974,8 MW. Đã có 21 dự án hoàn thành phát điện kinh doanh, 28 dự án đã thi công có khối lượng trong số 95 dự án đã được UBND tỉnh Lai Châu cấp chủ trương đầu tư. Các dự án còn lại đang làm thủ tục giao đất giao rừng, đánh giá tác động môi trường…
Ông Nguyễn Sỹ Chín Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lai Châu cũng thừa nhận một diện tích rừng khá lớn trên địa bàn tỉnh phải chuyển đổi mục đích sử dụng để nhường chỗ cho các nhà máy thủy điện mọc lên.
Trong số này có những dự án ảnh hưởng trực tiếp đến rừng tự nhiên như dự án Thủy điện Nậm Cấu Thượng (xã Bum Tở, huyện Mường Tè) có công suất lắp máy 20 MW do Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển An Việt Lai Châu đầu tư. Dự án thủy điện Nậm Ma tại xã Mù Cả (huyện Mường Tè) công suất 4 MW do Công ty cổ phần thủy điện Pắc Ma đầu tư. Dự án thủy điện Nậm Củm 6 có công suất 7 MW của Công ty Cổ phần phát triển điện Mường Tè tại xã Pa Ủ. Dự án Thủy điện Nậm Xí Lùng 1A tại xã Pa Vệ Sử, công suất 7,8 MW và Thủy điện Nậm Bụm 1A, công suất 6,6 MW tại xã Hua Bum của Công ty TNHH MTV Thảo Hiền. Dự án thủy điện Ma Nọi tại xã Pa Ủ, công suất 5 MW và thủy điện Nậm Ngà, 16,5 MW tại xã Nậm Chà của Công ty TNHH MTV Hoàng Nhâm…
Nhan nhản hệ lụy nhưng vẫn sẽ tiếp tục đầu tư thủy điện
Kể từ năm 2004 đến nay, với chính sách phát triển thủy điện của tỉnh Lai Châu, số lượng các dự án được đưa vào quy hoạch, cấp phép và xây dựng trên địa bàn tỉnh này tăng chóng mặt. Những hệ lụy là điều không thể tránh khỏi.
Trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam, các cơ quan chức năng ở tỉnh Lai Châu khẳng định, hàng năm, UBND tỉnh đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm các sở, ban ngành, UBND các huyện thực hiện kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện chấp hành các quy định của pháp luật nhằm đạt được các mục tiêu và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Đã có những vi phạm của các doanh nghiệp bị phát hiện, tuy nhiên việc xử lý dường như vẫn còn chưa thực sự thỏa đáng.
Đơn cử như Dự án thủy điện Mường Kim II (xã Mường Kim huyện Than Uyên) được Công ty cổ phần Thủy điện Than Uyên mua lại từ chủ đầu tư khác và bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2018 đã tự ý khoan, đào hầm dẫn nước xuyên qua Quốc lộ 32, xây dựng một số hạng mục trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ
Tại dự án Nhà máy Thủy điện Chu Va 2 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long làm chủ đầu tư, theo dự kiến sẽ hoàn thành vào quý II năm 2019, tuy nhiên, thời điểm chúng tôi có mặt tại khu vực này vẫn đang còn là bãi xây dựng ngổn ngang. Cả công trường vắng tanh vắng ngắt, không biết đến bao giờ mới có thể “về đích” được. Những người dân xã Sơn Bình cho biết, quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đền bù đất quá rẻ nên nhiều hộ dân không bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Thăng Long cũng đã vướng hàng loạt vi phạm về xây dựng, tận thu khoáng sản…
Mặc dù các dự án thủy điện gây ra nhiều hệ lụy, tuy nhiên, theo ông Chín, trong thời gian tới Lai Châu sẽ tiếp tục phát triển thủy điện. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lai Châu lần thứ XIV đã xác định: "Đẩy nhanh phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ, đưa vào sử dụng hầu hết các dự án đã được quy hoạch và cấp chủ trương đầu tư, phấn đấu nâng tổng công suất lắp máy các dự án điện đạt trên 3.200MW".