| Hotline: 0983.970.780

Làm gì để học sinh không phải quỳ khi đến lớp?

Chủ Nhật 18/03/2018 , 14:35 (GMT+7)

PGS. TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, bản chất của giáo dục không chỉ cung cấp tri thức mà còn hình thành nhân cách...

Vụ việc học sinh lẫn giáo viên phải quỳ ở Trường tiểu học Bình Chánh (xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An) gây ồn ào dư luận gần đây. Vậy, làm gì để học sinh đến lớp không bị bắt quỳ để rồi xảy ra những câu chuyện đau lòng như vậy?

PGS. TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, bản chất của giáo dục không chỉ cung cấp tri thức mà còn hình thành nhân cách và phát triển nhân cách. Vì thế bên cạnh việc truyền đạt tri thức thì giáo viên phải hỗ trợ cho học sinh để các em hình thành giá trị tích cực, đó mới là vấn đề cốt lõi.

13-50-37_pgs-phm-mnh-h
PGS. TS Phạm Mạnh Hà

“Vì vậy giáo viên giảng dạy không bao giờ được dùng các biện pháp bạo lực. Ngày xưa, giáo viên là người cung cấp kiến thức, tri thức nên học sinh buộc phải học và biện pháp đòn roi là biện pháp trừng phạt nhưng bây giờ bản chất của giáo dục là hướng đến yếu tố tích cực do đó sẽ không có chỗ cho những biện pháp tiêu cực”, PGS Phạm Mạnh Hà khẳng định.

Trở lại câu chuyện gây xôn xao dư luận những ngày gần đây khi một cô giáo bị bắt quỳ, PGS. TS Phạm Mạnh Hà cho rằng có nhiều nguyên nhân: Liên quan đến phương pháp giảng dạy của giáo viên. Trước đây giáo viên học trong trường sư phạm sẽ được học các bộ môn như tâm lý lứa tuổi, các tình huống sư phạm hay giao tiếp sư phạm… nhưng phân môn đạo đức nghề nghiệp thì đang thiếu vắng để giúp giáo sinh có hành vi, có chuẩn mực mô phạm.

Hoặc kỹ năng giải quyết tình huống của phương pháp giáo dục tích cực cũng không được chú trọng trong trường sư phạm. Bởi phương pháp giáo dục tích cực hướng đến tính chủ động, tính tự giác phát huy được năng lực của học sinh. Như vậy giáo viên không phải là người truyền đạt tri thức mà là người tổ chức cho các em học sinh để chiếm lĩnh tri thức. Do đó, “giáo viên không cần biện pháp mạnh nữa”.

“Khi giáo viên là người truyền đạt tri thức thì giáo viên phải bằng cách này cách kia bắt học sinh phải tiếp nhận tri thức đó mà không cần biết năng lực của các em như thế nào. Ngược lại nếu đổi phương pháp hướng đến việc học sinh tự chiếm lĩnh, tự giải quyết và chủ động, hứng thú… giáo viên đỡ vất vả hơn”, PGS. TS Phạm Mạnh Hà nói.

Vị giảng viên Học viện Thanh thiếu niên cũng cho rằng còn một nguyên nhân khác có câu chuyện của những vấn đề mang tính khách quan. Giáo viên chịu quá nhiều áp lực (từ cuộc sống mưu sinh với tiền lương, phụ cấp như hiện nay không đáp ứng được cuộc sống tối thiểu buộc họ phải phân phối thời gian sang công việc khác; giáo viên cũng chịu áp lực từ phía nhà trường, phòng giáo dục đặt ra (tỷ lệ học sinh lên lớp, tỷ lệ học sinh khá giỏi hay áp lực từ chính phụ huynh học sinh… Những áp lực từ nhiều phía này đôi khi làm giáo viên quá tải, stress và để đạt được những yêu cầu này đôi lúc họ buộc phải sử dụng những phương pháp mạnh.

Để học sinh “mỗi ngày đến lớp là một ngày vui” mà không cần bất cứ một phương pháp đòn roi, trừng phạt nào. PGS. TS Phạm Mạnh Hà nhấn mạnh, cần giải quyết được việc giảm tải và căn bệnh thành tích. “Chúng ta phải chấp nhận có học sinh ở lại lớp học lại, đừng đánh giá học dốt là kém mà có thể do điều kiện hoàn cảnh nào đó. Chứ không thể nào có chuyện học sinh toàn khá giỏi. Điều đó là không nên và không thực tế”.

hoc-sinh-1141931914
Hãy để học sinh mỗi ngày đến lớp là một ngày vui (Ảnh minh họa)

Yếu tố nữa liên quan đến hoàn cảnh. Hầu như sĩ số các lớp học đều vượt chuẩn quy định “30 cháu”. Rõ ràng lao động của giáo viên quả tải rất nhiều trong khi cá tính của học sinh mỗi em một khác. Chưa kể học sinh cũng bị học nhiều quá, không có thời gian chơi. Thử hỏi mỗi ngày, mỗi em có bao nhiêu phút được ra chơi? Bao nhiêu phút giành cho các hoạt động ngoại khóa? Hiện mấy trường có bể bơi, có khu vui chơi cho các em? Hay hầu hết thời gian ở trong lớp cả sáng, cả chiều? Rõ ràng với khoảng thời gian bị ở trong lớp dài như vậy chuyện học trò quậy, phá, không kiểm soát được là đương nhiên.

Tất cả những yếu tố đó làm cho mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường trở nên gần như đối đầu. Một bên mong muốn những tri thức tốt đẹp, mong muốn phải tốt phải được khen, một bên thì căng thẳng dồn nén và xảy ra xung đột là điều không tránh khỏi.

Một lần nữa, PGS Phạm Mạnh Hà khẳng định để không còn những “hình phạt” ở trong trường học thì tất cả những yếu tố trên phải được giải quyết triệt để. Trong đó, điều đầu tiên là giảm tải cho học trò, cũng như giáo viên. Không thể nào một lớp đến 50-60 cháu. “Cứ nói thiếu giáo viên nhưng thực tế giáo viên thừa rất nhiều. Chúng ta biết cân đối thừa sức giải quyết sĩ số của lớp học”.

Cuối cùng là việc giảm bớt đánh giá (hiện quá nặng nề). Việc đánh giá bằng điểm số không phản ánh được lao động, nỗ lực của học sinh. Điều này vô tình tạo ra mâu thuẫn bên trong các em.

“Thực tế, những em học giỏi hay được phát biểu, những em học kém cô giáo gọi lên không phát biểu được thì gây ức chế. Và thực tế cho thấy những em ngoan học giỏi thường là đối tượng để những em dốt bắt nạt, tấn công”, PGS Mạnh Hà nhấn mạnh.

(Kiến thức gia đình số 11)

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.