Hội đồng bảo an Liên hợp quốc là gì?
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (LHQ) - United Nations Security Council (UNSC) là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ.
Cơ quan này có quyền thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết.
Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của UNSC có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Có thể nói, UNSC là cơ quan có quyền lực cao nhất của LHQ.
UNSC có 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực.
10 ủy viên không thường trực được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ hai năm xen kẽ nhau, mỗi năm sẽ có 5 thành viên hết nhiệm kỳ và các thành viên sẽ bỏ phiếu bầu mới 5 thành viên mới vào.
Các thành viên không thường trực được phân bổ cho các khu vực trên thế giới: 5 ghế từ châu Phi và châu Á; 1 ghế cho Đông Âu; 2 ghế từ Mỹ Latinh và Caribe; 2 ghế đại diện Tây Âu và các nước khác.
Bên trong trụ sở của UNSC. |
Tiêu chuẩn trở thành ủy viên không thường trực UNSC
Các vị trí ủy viên không thường trực của UNSC được lựa chọn bằng phương pháp bỏ phiếu, thành viên không thường trực phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng. Thành viên vừa mãn nhiệm không được bầu lại tại nhiệm kỳ liền sau đó.
Năm nay, Đại hội đồng bầu lại 5 ủy viên không thường trực. Kết quả: Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi, Việt Nam thay Kuwait tại châu Á, Grenadines thay Peru tại Mỹ Latin và Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu.
Các ủy viên thường trực UNSC đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của LHQ. Trong khi đó, ủy viên không thường trực UNSC không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết.
Việc tham gia UNSC là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.
Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vị trí ủy viên không thường trực của UNSC, sau khi trúng cử nhiệm kỳ 2008-2009. Việt Nam và các nước nêu trên dự kiến bắt đầu nhiệm kỳ từ ngày 1/1/2020.