| Hotline: 0983.970.780

Lam Sơn tái cơ cấu bằng công nghệ cao

Thứ Hai 24/08/2015 , 19:52 (GMT+7)

Khi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay tìm hướng đi sau khi được tỉnh Thanh Hóa “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư thì Lasuco đã tiên phong đi tắt, đón đầu.

Để hoàn thành đề án tái cơ cấu sản xuất vùng mía đường Lam Sơn gắn với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, vừa qua, Cty CP mía đường Lam Sơn (Lasuco) và Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS), đã ký kết hợp tác khoa học công nghệ nghiên cứu và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao theo quy mô công nghiệp.

Đây được đánh giá là một bước đi quan trọng, góp phần xây dựng Lasuco thành “người khổng lồ”.

Hơn 5 năm lại nay, khi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa đang loay hoay tìm hướng đi sau khi được tỉnh Thanh Hóa “trải thảm đỏ” kêu gọi đầu tư thì Lasuco đã tiên phong đi tắt, đón đầu thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao (CNC).

Sự nhạy bén, quyết liệt của Lasuco đã mang đến “làn gió mới” cho ngành sản xuất mía đường xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân trên chính đồng đất của mình.

Đề án tái cơ cấu được Cty đưa vào triển khai từ năm 2013. Sau gần 3 năm thực hiện, đến thời điểm này Lasuco cơ bản “xanh hóa” được diện tích đất trống, đồi núi trọc trên địa bàn các huyện miền núi như Thọ Xuân, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Bá Thước, Quan Sơn, Cẩm Thủy… bằng các giống mía chất lượng cao, cây ăn quả đặc sản. Đặc biệt, sau khi được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các viện, trường đại học, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích đã tăng lên rõ rệt.

Điển hình như, Học viện Nông nghiệp VN chuyển giao kỹ thuật trồng mía bầu, che phủ nilon đã đưa năng suất mía trong vùng tăng từ 45 tấn/ha lên 70 tấn/ha, cá biệt một số mô hình đạt 120 – 130 tấn/ha; phối hợp Viện Di truyền NN chuyển giao kỹ thuật sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu, tạo thêm nghề phụ, công ăn việc làm cho người dân vùng nguyên liệu mía Lam Sơn (bình quân lợi nhuận trên 5 triệu đồng/tấn nguyên liệu); phối hợp Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm xây dựng mô hình, chuyển giao kỹ thuật trồng dưa vàng Kim hoàng hậu theo hướng CNC mang lại lợi nhuật 25 triệu đồng/1.000m2/vụ cho nông dân…

18-26-42_dscf6113
Ký kết hợp tác giữa Lasuco và VAAS

“Từ năm 2011 đến nay, các đơn vị trực thuộc Viện Khoa học NN Việt Nam đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều trong việc khảo nghiệm bộ giống mía, giống cam mới. Bên cạnh đó, phối hợp đào tạo, chuyển giao công nghệ nhân giống mía bằng kỹ thuật nuôi cấy mô, góp phần nâng bộ giống mía của Cty tăng lên trên dưới 100 giống, phục vụ Lasuco làm mới toàn diện lại cây mía, hạt đường Lam Sơn”, ông Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Lasuco nói.

Cũng theo ông Tam, nhờ sự đổi mới toàn diện trong khâu giống, làm đất, chăm sóc, thu hoạch mía nên thay vì quay lưng lại với cây mía như năm ngoái thì năm nay nông dân đã đăng ký với Cty trồng mới thêm gần 10.000 ha theo mô hình CNC. “Muốn làm nông nghiệp CNC không thể thiếu các nhà khoa học. Họ chính là một mắt xích trong mối liên kết chặt chẽ “4 nhà”. Chính vì thế, chúng tôi đề cao chương trình ký kết hợp tác với VAAS”, ông Tam cho hay.

Theo đó, thời gian tới Lasuco và VAAS xây dựng kế hoạch hợp tác trên một số nội dung chính như: Xây dựng quy trình kỹ thuật canh tác, cụ thể hóa bằng việc vừa tuyên truyền vừa giám sát thực hiện các mô hình nhằm nâng cao kiến thức cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là người dân về nền nông nghiệp hữu cơ và sản xuất mía bền vững.

Nghiên cứu giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và phù hợp từng vùng đất trên địa bàn Thanh Hóa.

Nghiên cứu giải pháp KHKT phát triển cây đậu tương, đậu xanh, lạc trồng xen canh, luân canh với cây mía nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Ứng dụng bã thải mía, lá mía sản xuất than sinh học và viên nén nhiên liệu chất lượng cao phục vụ thị trường phân bón và chất đốt. Đánh giá thực trạng đất để điều chỉnh kỹ thuật canh tác mía thích hợp. Hoàn thiện công nghệ xử lý chất thải sau chế biến mía đường bằng công nghệ sinh thái, chế phẩm sinh vật hữu ích…

Từ nay đến 2025, Lasuco đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân đạt từ 20%/năm trở lên. Rêng năm 2015, phấn đấu đạt doanh thu 2 nghìn tỷ đồng, đến 2020 đạt 10 nghìn tỷ và 2025 là 20 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận đạt ít nhất 10 – 15% trên tổng doanh thu.

Ông Trịnh Khắc Quang, quyền Viện trưởng VASS nhấn mạnh: “Viện đã ký kết hợp tác với 6 tỉnh, thành trên cả nước nhưng đây là lần đầu tiên ký hợp tác với một doanh nghiệp. Trong điều kiện một số Cty mía đường làm ăn khó khăn nhưng Lasuco vẫn phát triển không ngừng, luôn quan tâm đến nông dân, đầu tư cho công tác KHKT, thậm chí xây dựng một số mô hình mà ngay như Viện cũng chưa làm được. Chúng tôi đánh giá cao Lasuco và hi vọng quá trình hợp tác sẽ thành công, tạo đà cho ngành mía đường cả nước nói chung, khu vực Bắc Trung bộ nói tiêng phát triển mạnh mẽ”.

Cũng theo ông Quang, Lasuco còn là một Cty nhạy bén trong việc đa dạng hóa hình thức sản xuất, họ không phải chỉ làm ra một kg đường rồi bán 10.000đ, mà còn tận dụng phế phẩm từ bã mía, lá mía sản xuất cồn, điện, phân bón…, góp phần tăng lợi nhuận, bảo vệ môi trường sống.

18-26-42_3
Dưa Kim hoàng hậu được phát triển theo mô hình CNC

Được biết, giai đoạn 2015 – 2016 ngoài nâng cao chất lượng, hiệu quả sản phẩm truyền thống như mía, đường, cồn, điện, Lasuco tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng bền vững, có khả năng cạnh tranh cao.

Hiện Cty đang hợp tác với Israel nhận thầu 20 ha đất xây dựng mô hình nhà kính nhà lưới trồng rau, hoa, củ quả; tổ chức đào tạo công nhân, chuyển giao công nghệ và bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Sau 3 năm Israel sẽ bàn giao lại dự án cho Lasuco phát triển, nhân rộng. Bên cạnh đó, Cty ứng dụng KHCN phát triển bền vững sản phẩm tre, luồng – một cây trồng chủ lực khu vực miền núi xứ Thanh.

Tại lễ ký kết hợp tác, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao những kết quả mà VAAS và Lasuco đạt được trong thời gian qua. Đồng thời cho biết, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng, triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong đó, trọng tâm là kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; áp dụng KHCN vào sản xuất… Tỉnh cũng đang quy hoạch khoảng 1.000 ha đất từ Lam Sơn – Sao Vàng đến huyện Triệu Sơn xây dựng vùng trọng điểm nông nghiệp CNC, từng bước tạo ra sản phảm hàng hóa phục vụ xuất khẩu.

Xem thêm
Giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh

Do nguồn cung khan hiếm vì cuối vụ chong đèn, cộng với thị trường Trung Quốc tiêu thụ ổn định nên giá thanh long Bình Thuận tăng mạnh.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

Tập đoàn PAN đặt doanh thu 14.700 tỷ năm 2024 với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên

Trước lo ngại về biến đổi khí hậu, khó khăn chung của bối cảnh kinh tế, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu doanh thu thận trọng tăng 12% với các giải pháp nông nghiệp thuận thiên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm