Nông nghiệp quy mô lớn, tạo giá trị khác biệt
Năm 2021, sản xuất nông, lâm, thủy sản của Hải Dương đứng thứ 2 toàn quốc về giá trị, giữ vững vị thế trọng điểm nông nghiệp tại khu vực phía Bắc. Đánh giá về thành tựu nông nghiệp Hải Dương, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trong bài viết “Câu chuyện Hải Dương” đánh giá tỉnh “đã có bước tiến dài trong nông nghiệp”. Hải Dương đã có những chiến lược phát triển nông nghiệp thế nào để có những bước tiến dài, dấu ấn đậm nét và khác biệt đó, thưa ông?
Hải Dương là tỉnh thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, với điều kiện đất đai, thủy văn đặc biệt đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều đặc sản nổi tiếng, đặc biệt là sản phẩm vải thiều, ổi, nếp quýt, rươi, cáy, cà rốt, hành, tỏi… Để có được những kết quả trong phát triển sản xuất nông nghiệp như ngày hôm nay, tỉnh đã có chiến lược, định hướng phát triển nông nghiệp cụ thể.
Trong 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh gần đây, tỉnh đều nhất quán với tinh thần phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, dựa trên lợi thế của từng địa phương để tạo ra sự khác biệt về giá trị.
Chú trọng công tác quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh để làm định hướng đầu tư hỗ trợ phát triển; trong quy hoạch đặc biệt quan tâm đến việc khoanh định để bảo vệ nghiêm ngặt các khu đất nông nghiệp có giá trị kinh tế cao, khu trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực, khu vực trồng cây rau màu chuyên canh, trái cây... Trên cơ sở định hướng quy hoạch, tỉnh có những cơ chế chính sách để hỗ trợ các vùng sản xuất chuyên canh như: xây dựng hệ thống tưới tiên tiến tiết kiệm; xây dựng hạ tầng (giao thông, điện, thủy lợi...)...
Đổi mới tổ chức sản xuất, gắn sản xuất với thị trường trên cơ sở tích tụ đất đai, thu hút các doanh nghiệp đầu tư hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái. Quan tâm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế nhằm nâng cao giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản.
Phát huy tiềm năng của các sản phẩm truyền thống, sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh gắn với quy trình tiêu chuẩn hóa sản phẩm theo tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, tạo nhiều giá trị khác biệt
Ban hành nhiều chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng thương hiệu nông sản, với phương châm “Tăng trưởng xanh và chuyển đổi số”. Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng tập trung, chú trọng công tác nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu nông sản thông qua các đề án: Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hải Dương giai đoạn 2017-2020; Đề án OCOP; Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 - 2025, định hướng năm 2030; Chính sách hỗ trợ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản tỉnh Hải Dương...
Hiện nay, toàn tỉnh có 25 sản phẩm nông nghiệp và làng nghề được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và 01 nhãn hiệu được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, 25 sản phẩm cấp mã QR code, 128 sản phẩm OCOP… nông sản của Hải Dương đã có mặt ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có một số thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Australia... Đây có thể xem như bước đột phá lớn, góp phần nâng tầm giá trị sản phẩm truyền thống, nông sản Hải Dương trên thị trường.
Bí quyết để nông sản dư thừa, ùn ứ
Hải Dương xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế. Nền tảng ấy đóng góp như thế nào trên con đường đưa Hải Dương phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững? Vì sao, Hải Dương lại chọn nông nghiệp là trụ cột?
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Ngay sau khi giành độc lập, trong Thư gửi điền chủ nông gia Việt Nam ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết “Việt Nam là một nước sống về nông nghiệp” và “nông dân giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh”. Tại Đại hội lần thứ XVII của tỉnh đã xác định “Nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ” là 1 trong 4 trụ cột của nền kinh tế.
Dù quy mô và giá trị sản xuất của nông nghiệp tỉnh không lớn (khoảng 8,5%) nhưng sức lan tỏa lại rất lớn, ảnh hưởng đến hàng chục nghìn hộ nông dân. Nông nghiệp không những cung cấp lương thực, thực phẩm với số lượng và chất lượng ngày càng tăng cho tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu. Đồng thời, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và sản phẩm đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp như dệt may, hóa chất… Nông nghiệp ngày càng phát triển, nhu cầu cơ giới hóa, hiện đại hóa ngày càng tăng sẽ là thị trường tiêu thụ hàng hóa của các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp…
Sản xuất nông nghiệp cũng đang tham gia vào một số ngành kinh tế khác, trong đó có du lịch (hiện nay tỉnh cũng đang đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển một số vùng nông nghiệp kết hợp với khai thác du lịch như: khu du lịch sinh thái sông Hương, huyện Thanh Hà; khu nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy và du lịch trải nghiệm tại An Thanh, Tứ Kỳ…). Điều này có nghĩa là tăng trưởng ngành nông nghiệp giúp kéo theo tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, nông nghiệp đang trở thành “trụ đỡ”, là “cứu cánh” cho nền kinh tế trong những thời điểm khó khăn. Điều đó thể hiện rõ nét nhất trong thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội.
Ngoài ra, nông nghiệp còn gắn liền với nông thôn, một địa bàn rộng lớn của tỉnh (trên 60% dân cư sống ở nông thôn). Ở đó ngoài sản xuất nông nghiệp còn bao trùm nhiều lĩnh vực quan trọng như văn hóa, môi trường, an ninh, quốc phòng... ảnh hưởng to lớn đến sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Hải Dương.
Trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 7/6/2022, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đánh giá rất cao mô hình nông nghiệp của Hải Dương, cũng như việc lãnh đạo chủ chốt của tỉnh tích cực tiếp thị, quảng bá nông sản trong nước và thế giới? Ông đánh giá thế nào về vai trò của người đứng đầu địa phương trong việc trực tiếp quảng bá, lan tỏa nông sản?
Ở nước ta, nông nghiệp có những đặc điểm riêng biệt so với các lĩnh vực kinh tế khác. Ngoài những tiềm năng, thế mạnh thì có những khó khăn mang tính khách quan, đặc trưng của ngành, đó là: Sản xuất chịu nhiều rủi ro, dễ bị tổn thương do điều kiện thời tiết, biến động của thị trường; trình độ sản xuất chưa cao, sản xuất còn manh mún; chủ thể phần lớn là nông dân, còn nhiều hạn chế trong tư duy và điều kiện sản xuất. Vì vậy, đa phần sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều bất lợi trong xây dựng thương hiệu, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ so với các sản phẩm khác.
Vậy nên, lãnh đạo chủ chốt địa phương nào không quan tâm trong chỉ đạo, sâu sát với thực tế, không kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thì sản xuất nông nghiệp sẽ khó mà vượt lên những khó khăn nêu trên, nhất là việc xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm.
Thực tiễn ở Hải Dương trong những năm qua đã minh chứng rõ nét những vấn đề trên. Đó là, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh với tinh thần quyết liệt, “5 rõ”, “ thích ứng linh hoạt” trong chỉ đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ngoài việc chỉ đạo thông qua Nghị quyết, Chỉ thị, cho chủ trương xây dựng các chương trình, đề án thì lãnh đạo tỉnh Hải Dương luôn sâu sát, trực tiếp tham dự và chỉ đạo nhất là các sự kiện truyền thông về xúc tiến, tiêu thụ nông sản, như Hội nghị xúc tiến thương mại nông sản tiêu biểu và sản phẩm OCOP, Lễ Hội trải nghiệm thu hoạch cà rốt; Chương trình khai hội và mở vườn vải xuất khẩu, Lễ hội lúa - rươi hữu cơ… qua đó tạo sự lan tỏa trong truyền thông về nông sản, thêm sự quan tâm, thu hút các doanh nghiệp, đặc biệt là truyền cảm hứng, nhiệt huyết cho cán bộ ngành nông nghiệp và bà con nông dân.
Chính vì vậy mà những năm qua, tuy sản lượng rất lớn (khoảng 1 triệu tấn rau, củ; 300.000 tấn hoa quả; hơn 15 triệu con gà; hơn 100.000 tấn thủy sản...) nhưng việc tiêu thụ nông sản của Hải Dương trong những năm qua rất thuận lợi, kể cả thời điểm khó khăn do bùng phát dịch Covid-19, không có hiện tượng dư thừa, ùn ứ nông sản hoặc phải quay đầu tại các cửa khẩu.
"5 rõ" để hút doanh nghiệp
Tại bảng xếp hạng PCI 2021, Hải Dương tăng 34 bậc, và vươn lên vị trí thứ 13. Nguyên nhân nào giúp tỉnh có bước đột phá về xúc tiến đầu tư như vậy? Trong đó, tỉnh thu hút được nhiều doanh nghiệp nông nghiệp. Hải Dương có những cơ chế như thế nào để thu hút các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp?
Để cải thiện mạnh mẽ chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sự đổi mới phải đến từ những người đứng đầu và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, từ đó mới tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Quyết tâm cải cách của lãnh đạo tỉnh đã lan tỏa xuống các sở, ban, ngành, các địa phương, tạo thành một làn sóng mạnh mẽ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Những cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài được thực hiện thường xuyên với sự tham gia của người đứng đầu tỉnh với các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, châu Âu… Sau các cuộc xúc tiến đều có bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Hải Dương.
Bên cạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, Hải Dương coi công tác quy hoạch là chìa khoá thu hút và quản lý đầu tư hiệu quả, bền vững. Tỉnh đã và đang đẩy nhanh việc rà soát, điều chỉnh, lập quy hoạch xây dựng các ngành, lĩnh vực. Các quy hoạch được công khai, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất và triển khai đầu tư. Tỉnh còn thành lập tổ công tác để tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, doanh nghiệp luôn có sự đồng hành của cơ quan chuyên môn trong quá trình tìm hiểu, thu hút đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính đã đạt được những thành tựu nổi bật trong năm 2021. Đăng ký thành lập doanh nghiệp đã giảm từ 3 ngày xuống 2 ngày, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày. Giảm thời gian giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với doanh nghiệp mới thành lập chuyển từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ từ 30 ngày xuống còn không quá 10 ngày. Thủ tục thẩm định đánh giá tác động môi trường từ 30 ngày còn 20 ngày...
Tỉnh còn tập trung đẩy mạnh thực hiện dịch vụ hành chính công mức độ 3 và 4 để vừa hiện đại hoá công tác quản lý, vừa bảo đảm chính xác, kịp thời trong quá trình giải quyết thủ tục phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, Hải Dương cũng ban hành quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện các quy trình, thủ tục hành chính theo nguyên tắc “5 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả và rõ trách nhiệm.
Trong những năm qua, ngoài những giải pháp như trên nhằm cải thiện môi trường đầu tư, thu hút doanh nghiệp thì riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021- 2025, định hướng năm 2030.
Trong đó có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp như chính sách hỗ trợ thuê đất sản xuất hàng hóa quy mô lớn; Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ và bảo vệ môi trường; Hỗ trợ vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp phát triển du lịch; Hỗ trợ nông nghiệp thông minh gắn với chuyển đổi số; Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản…
Chính phủ và Bộ NN-PTNT đang đặc biệt quan tâm đến chuyển đổi số. Với điều kiện thực tế của Hải Dương, chuyển đổi số có ý nghĩa và vai trò như thế nào trong công tác phân tích, dự báo thị trường, giúp người dân tránh rơi vào cảnh “được mùa mất giá”?
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XVII, Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh ủy Hải Dương đã ban hành Nghị quyết về Chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Với quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững theo hướng tăng trưởng xanh và chuyển đổi số là chiến lược phát triển xuyên suốt, bao trùm của tỉnh”. Cùng với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, có thể khẳng định chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp là động lực quan trọng, quyết định đến việc đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của ngành, nâng cao giá trị và hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời chuyển đổi số là công cụ, là quá trình đi tắt đón đầu để nông nghiệp, nông dân, nông thôn không bị tụt lại phía sau trong tổng thể kinh tế - xã hội ở nước ta. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản sẽ kết nối linh hoạt giữa các thị trường, nhằm hạn chế cảnh “được mùa mất giá”.
Để có thể chuyển dịch từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, vai trò của người đứng đầu đặc biệt quan trọng. Xin ông chia sẻ một số định hướng cụ thể trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ này?
Để có thể chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, việc quan trọng hàng đầu cần tổ chức lại sản xuất, sau đó mới là áp dụng các quy trình kỹ thuật, công nghệ, xây dựng thương hiệu nông sản, nghiên cứu thị trường mới:
Trong tổ chức sản xuất cần đặc biệt quan tâm đến các mối quan hệ liên kết giữa các chủ thể doanh nghiệp, HTX nông nghiệp, nông dân. Trong đó đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào sản xuất, bảo quản, chế biến và xuất khẩu.
Tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ trong nông nghiệp từ “tìm kiếm thị trường” sang “nghiên cứu thị trường” để hướng tới “nông nghiệp đặt hàng”. Để làm được điều này, việc “tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nông sản” gắn với từng thị trường tiêu thụ phải được đi trước một bước. Cùng với đó là xây dựng thương hiệu, xây dựng niềm tin người tiêu dùng…