Một đập nước của Lào trên sông Mekong. Ảnh: Nikkei
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hôm 23/3 cho biết nước này sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng khoảng 1.136 m3/s. Hoạt động diễn ra từ ngày 23/3 đến cuối tháng 5.
Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam là khoảng 3.611 m3/s. Dự kiến lượng nước này tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào tuần đầu tháng 4.
Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố xả nước tại một đập thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.Lãnh đạo Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á hôm 23/3 tham gia hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất, tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Tại hội nghị, các lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.
Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70 - 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống dân sinh tại khu vực.
Các con đập đã hoàn thành, đang xây và dự kiến xây trên sông Mekong. Đồ họa: Michael Buckley