Lễ hội Áo dài đã trở thành một sự kiện văn hóa thường niên của đô thị lớn nhất phương Nam suốt nhiều năm qua.
Cứ đúng dịp tháng 3, muôn vẻ áo dài truyền thống Việt Nam không chỉ khoe sắc tại phố đi bộ Nguyễn Huệ mà còn được lan tỏa ở trung tâm văn hóa khắp các quận, huyện.
Năm nay, trước sự đe dọa của virus corona, đơn vị đăng cai Lễ hội Áo dài là Sở Du lịch TPHCM đã kiến nghị UBND TP.HCM cho dời sang tháng 4.
Cụ thể, Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 7 dự kiến tổ chức từ ngày 17/4 đến ngày 28/4 tại các địa điểm như Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Áo dài, Thư viện Khoa học tổng hợp, Bưu điện trung tâm, chợ Bến Thành, sân bay Tân Sơn Nhất.
Ngoài ra, còn có những hội thảo và tọa đàm về sức sống của áo dài trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thế nhưng, giới thiết kế lại e ngại rằng sân chơi được chờ đợi này chưa chắc đúng hẹn, vì tâm lý lo lắng Covid-19 vẫn còn nhiều phập phồng.
Do vậy, nhiều bộ sưu tập áo dài mới dù đã hình thành, song không thương hiệu nào dám ký hợp đồng trước với người mẫu. Với vài nhà thiết kế chủ động hơn như Việt Hùng thì vẫn tranh thủ chụp ảnh các bộ sưu tập mới để công bố trên mạng xã hội, và tạm gọi là “Lễ hội Áo dài online”.
Lễ hội Áo dài TP.HCM được hình thành từ đề xuất mạnh dạn của những nhân vật gắn bó chiếc áo dài mang phong cách dân tộc như Sỹ Hoàng, Minh Hạnh, Liên Hương.
Sau 6 lần tổ chức, Lễ hội Áo dài TP.HCM đã thực sự trở thành cuộc gặp gỡ giữa văn hóa và du lịch, góp phần làm sôi động thị trường may mặc cũng như đa dạng các sản phẩm tham quan, mua sắm.
Sức ảnh hưởng của Lễ hội Áo dài TP.HCM còn thúc đẩy nhiều cơ quan và đoàn thể phát động “Tháng 3 áo dài” để cổ vũ phụ nữ đi làm và dạo phố với trang phục nền nã và duyên dáng đậm chất Việt Nam.
Thành công của Lễ hội Áo dài TP.HCM cũng kích hoạt nhiều tỉnh khác xây dựng chương trình riêng nhằm tôn vinh áo dài.