| Hotline: 0983.970.780

Áo dài Việt Nam đang cần một hành lang an toàn

Thứ Bảy 30/11/2019 , 07:10 (GMT+7)

Họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã công bố bản vẽ chiếc áo dài đầu tiên trên báo Phong Hóa số 90, ra ngày 23/3/1934. 

Sau khi kết hôn với bà Nguyễn Thị Nội vào năm 1936, vợ chồng họa sĩ Nguyễn Cát Tường đã mở hiệu may áo dài Lemur tại Hà Nội.

08-25-15_nm_phuong_hong_hu_mc_o_di
Nam Phương hoàng hậu trong trang phục áo dài Lemur!

Ngay lập tức áo dài Lemur trở thành một cơn sốt độc đáo. Từ cửa hiệu nhỏ của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Cát Tường tại Hà Nội, chiếc áo dài đã bay khắp Việt Nam, len từ khu phố bình dân đến cung đình. Hoàng hậu Nam Phương cũng sắm hàng chục chiếc áo dài để chưng diện thường xuyên.

Chiếc áo dài được xem là một cuộc cách tân lớn cho trang phục phụ nữ Việt Nam. Trên báo Phong Hóa số ra ngày 30/1/1935, nhà văn Thạch Lam viết: “Y phục mới bây giờ hơn y phục xưa ở vẻ dịu dàng và tươi vui. Ngày trước cốt che khuất thân thể, che khuất cái dáng tự nhiên của thân thể, thay vào là cái dáng của quần áo lụng thụng. Bây giờ cốt làm cho cái dáng điệu thân thể tự nhiên phô bày, hay chữa cái dáng ấy cho được uyển chuyển hơn”.

Còn trên báo Ngày Nay số ra ngày 20/3/1935, ký giả Phan Thị Nga viết: “Phong trào sửa đổi y phục tiêu biểu cho hình thức đã rõ rệt. Vì sao phong trào ấy mới sôi nổi mà đã có sức tràn chóng thế? Cũng bởi người ta sinh ra dù mọi rợ đến đâu đi nữa cũng có bản năng chuộng cái hoàn mỹ. Kiểu áo dài Cát Tường đã làm cho chị em thêm vẻ diễm lệ ở nét mặt, thêm phần thướt tha, đầy đặn ở hình vóc, thêm bề yểu điệu và uyển chuyển cho dáng đi”.

Chiếc áo dài vượt qua ý nghĩa trang phục, để lan tỏa vào đời sống tinh thần người Việt Nam như một biểu tượng thẩm mỹ. Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã cảm tác: “Tháng giêng em áo dài trang nhã/ Tỉnh lỵ còn nguyên nét Việt Nam/ Đài các chân ngà ai bước khẽ/ Quyện theo tà lụa cả phương Đông”.

Còn thi sĩ Nguyên Sa đã run rẩy: “Có phải em mang trong áo bay/ Hai phần gió nổi một phần mây/ Hay là em gói mây trong áo/ Rồi thở cho làn sương trắng bay”. Là một người đam mê áo dài đến mức đứng ra thành lập Bảo tàng Áo dài, nhà tạo mẫu Sĩ Hoàng chia sẻ về nguy cơ Trung Quốc có khả năng sở hữu chiếc áo dài của nước ta: “Bởi Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó có dân tộc Hoa, Trung Quốc có 56 dân tộc, trong đó có dân tộc Việt. Vậy thì họ có lý do để cho rằng áo dài là của người Trung Quốc!

Ngày 22/1/2014 trong buổi lễ Khánh thành Bảo tàng Áo dài sau 12 năm xây dựng, phát biểu được vài câu thì tôi đã khóc như một đứa trẻ trước hàng trăm quan khách tham dự. Nước mắt của một người vượt qua giới hạn bản thân để thân một mình cùng gia đình trải qua bao sóng gió, kịp ra được một Bảo tàng Áo dài cho người Việt. Dù không ai bảo tôi làm điều đó. Dù phải trả lãi hàng tháng bung đầu đến độ chủ nợ thuê giang hồ đòi giết tôi bằng cách dọa gây tai nạn trên đường đi.

Dù được nhận email khuyên: "Sao không dùng tiền ấy mà xây bệnh viện, được mau thu hồi vốn mà lời to khi Việt Nam bệnh nhân nhiều lắm!". Bây giờ, tôi thực sự hoang mang khi chiếc áo dài Việt Nam đứng trước đe dọa mất bản quyền”.

Xung quanh sự kiện áo dài Việt Nam do nhà tạo mẫu Trung Quốc đưa vào bộ sưu tập thời trang với sự úp mở “phong cách Trung Quốc”, nhiều nhân vật công chúng đã lên tiếng.

Nhà tạo mẫu Việt Hùng quan niệm: “Khi muốn đưa một sự việc nào đó ra ánh sáng, chúng ta phải nói có sách, mách có chứng rõ ràng. Nhưng hiện tại, áo dài vẫn chưa được công nhận trên mặt giấy tờ. Hiện tại, chúng chỉ là trang phục mang tính đại chúng, được người Việt Nam mặc nhiều nhất. Vì thế, tôi nghĩ công nhận áo dài là quốc phục của người Việt Nam là việc rất cần thiết. Khi chưa công nhận áo dài là quốc phục trên giấy tờ thì những tranh cãi sẽ còn kéo dài. Cuộc chiến văn hoá trong thời kỳ tranh sáng, tranh tối này quả thật sẽ rất khó khăn”.

Giới thiệu áo dài Lemur tại Lễ thành lập Viện nghiên cứu Trang phục Việt tại Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Vietnam+.

Tương tự, Hoa hậu Ngọc Hân bày tỏ: “Dù người dân trong nước, cộng đồng kiều bào hay quốc tế có thừa nhận áo dài của người Việt cũng chỉ là truyền miệng với nhau. Vì vậy, điều quan trọng nhất cần làm là Nhà nước nên có một động thái, văn bản mang tính pháp lý để làm cơ sở bảo vệ chủ quyền văn hóa với áo dài tại đất nước mình và trên toàn thế giới”.

Với tư cách Đại biểu Quốc hội, ông Dương Trung Quốc khảng khái: “Dù chưa có gì chính thức nhưng lâu nay trang phục áo dài rất quen thuộc với phụ nữ Việt Nam và được xem như quốc phục của Việt Nam. Hình ảnh áo dài của Việt Nam xuất hiện khắp nơi trên thế giới. Việc trang phục truyền thống của người Việt Nam được các nước khác tiếp nhận là điều tốt.

Tuy nhiên, nếu tiếp nhận trên tinh thần biến trang phục này thành phong cách văn hóa của nước họ là phản văn hóa, không chấp nhận được. Vì vậy, chúng ta phải củng cố hơn di sản áo dài. Các cơ quan chức năng cần tính đến việc tổng hợp hồ sơ trình các tổ chức quốc tế xem xét, công nhận trang phục áo dài của Việt Nam là di sản văn hóa”.

(Kiến thức gia đình số 48)

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.