| Hotline: 0983.970.780

Liên tục bám sát nguy cơ sâu bệnh lúa đông xuân

Thứ Ba 05/05/2020 , 12:53 (GMT+7)

Lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSH hiện đang bắt đầu trỗ tập trung, rất mẫn cảm với các đối tượng sâu hại, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, đạo ôn cổ bông...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh vừa kiểm tra tình hình sản xuất lúa đông xuân tại các tỉnh ĐBSH nhằm đôn đốc các địa phương quyết liệt bám sát đồng ruộng, không để các sâu bệnh phát sinh gây hại nhằm đảm bảo thắng lợi vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh phía Bắc.

Kiểm tra và làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Việc đảm bảo an ninh lương thực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu lúa gạo của nước ta năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bên trái) cùng lãnh đạo tỉnh Thái Bình kiểm tra tình hình sâu bệnh trên lúa. Ảnh: Lê Bền.

Trong đó đến nay, vụ đông xuân 2020 tại các tỉnh phía Nam, bao gồm cả ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đều đã thắng lợi lớn, được mùa, được giá. Tại các tỉnh phía Bắc, khu vực Bắc Trung Bộ hiện lúa đông xuân cũng đã căn bản trỗ xong, vào chắc, đỏ đuôi và có thể khẳng định thắng lợi. Vì vậy, chỉ còn các tỉnh ĐBSH và Trung du Miền núi phía Bắc hiện lúa đang bắt đầu bước vào giai đoạn trỗ tập trung (từ ngày 5-15/5). Thắng lợi của vụ đông xuân 2020 sẽ phụ thuộc vào giai đoạn quyết định trong vòng 10-15 ngày tới.

Qua kiểm tra tại các tỉnh ĐBSH, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá đến thời điểm này, các địa phương đều đã tuân thủ chặt chẽ chỉ đạo của Bộ NN-PTNT và hướng dẫn của cơ quan bảo vệ thực vật trong việc triển khai phòng chống sâu bệnh hại trên lúa đông xuân. Vì vậy năm nay, mặc dù vụ đông xuân phía Bắc diễn biến bất thuận, thời tiết âm u, rét muộn kéo dài..., tuy nhiên đến thời điểm này, cơ bản lúa đang bước vào trỗ rộ và sạch sâu bệnh, chưa phát sinh các diện tích nhiễm nghiêm trọng.

Tuy nhiên trong thời gian tới, đang là giai đoạn hết sức mẫn cảm của cây lúa, dễ bị các loại sâu bệnh bùng phát gây hại. Vì vậy, các địa phương cần hết sức quyết liệt chỉ đạo cơ quan chuyên môn và nông dân bám sát đồng ruộng, chủ động ứng phó phòng ngừa sớm đối với các loại sâu bệnh, nhất là đạo ôn cổ bông, rầy nâu cuối vụ, sâu cuốn lá nhỏ.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đặc biệt lưu ý các vùng lúa tập trung tại các tỉnh ven biển như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng. Bởi các vùng ven biển thường có đặc thù gieo cấy trà muộn, lúa sinh trưởng phát triển và trỗ muộn hơn. Vì vậy, nguy cơ các loại sâu bệnh sẽ nguy hiểm hơn, nhất là đối với các vùng lúa chất lượng cao, trên các giống nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Nga, PGĐ Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình cho biết đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hoàn thành việc phun phòng trừ một cách có hiệu quả đối với các đối tượng sâu bệnh như đạo ôn lá, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ. Đặc biệt vụ đông xuân năm nay, mặc dù nguy cơ bệnh đạo ôn lá rất cao, tuy nhiên đến thời điểm này, Thái Bình đã quyết liệt chỉ đạo phòng trừ nên đến thời điểm này lúa toàn tỉnh đã thoát được bệnh đạo ôn lá.

Tại TP Hải Phòng, hệ thống cơ quan chuyên môn được yêu cầu trực ban, điều tra giám sát sâu bệnh trong cả dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: Lê Bền.

Tại TP Hải Phòng, hệ thống cơ quan chuyên môn được yêu cầu trực ban, điều tra giám sát sâu bệnh trong cả dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: Lê Bền.

Dự báo, thời gian tới phía Bắc sẽ có nắng nóng kéo dài, có nguy cơ ảnh hưởng tới việc trỗ đòng của lúa trong giai đoạn tập trung. Nắng nóng có thể giảm nguy cơ bệnh đạo ôn cổ bông nhưng lại tạo điều kiện cho các đối tượng sâu bệnh khác như rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Thái Bình, sâu cuốn lá nhỏ vụ đông xuân năm nay có chiều hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trước tình hình này, tỉnh Thái Bình đã triển khai phun trừ đợt 1 (từ ngày 23-27/4). Đồng thời, đang triển khai phun trừ sâu cuốn lá nhỏ lần 2, tập trung từ ngày 5/5. Bên cạnh đó, chỉ đạo hệ thống BVTV liên tục bám sát, phát hiện để kịp thời phun phòng trừ nguy cơ đối với rầy nâu, đạo ôn cổ bông từ nay đến giai đoạn sau khi lúa trỗ...

Tại TP Hải Phòng, mặc dù diện tích lúa không lớn, tuy nhiên rút kinh nghiệm từ những thiệt hại những năm trước, vụ đông xuân 2020, Hải Phòng đã liên tục có những chỉ thị quyết liệt triển khai phòng chống dịch bệnh trên lúa đông xuân. Đến thời điểm này, các vùng lúa trọng điểm như Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão... đều đang giai đoạn trỗ đòng tập trung và cơ bản sạch sâu bệnh.

Đặc biệt trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, Hải Phòng đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn duy trì việc kiểm tra đồng ruộng cũng như chế độ trực ban nhằm theo dõi chặt chẽ để chỉ đạo phun phòng trừ khi có nguy cơ. Hiện tại, TP Hải Phòng đang triển khai phun phòng trừ đối với sâu cuốn lá nhỏ lứa hai.

Nở rộ mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả

Kiểm tra tại TP Hải Phòng, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá cao các mô hình tái cơ cấu, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có giá trị cao một cách linh hoạt của ngành nông nghiệp Hải Phòng trong vụ đông xuân 2020.

Đối với sản xuất lúa, hiện Hải Phòng đã tuyên truyền, định hướng cho nông dân chuyển sang các vùng lúa chất lượng cao, gắn với cơ giới hóa đồng bộ và liên kết giữa nông dân với HTX và các doanh nghiệp chế biến lúa gạo.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ phải sang) đánh giá cao sự linh hoạt trong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (thứ 3 từ phải sang) đánh giá cao sự linh hoạt trong chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao tại Hải Phòng. Ảnh: Lê Bền.

Tại xã Vinh Quang (huyện Vĩnh Bảo), đến vụ đông xuân năm nay, toàn xã đã chuyển đổi cơ cấu giống lúa sang trên 60% diện tích đất lúa (khoảng 300 ha) là lúa nếp thơm phục vụ các doanh nghiệp thu mua chế biến. Năm nay, nhờ chủ động phòng trừ tốt sâu bệnh, hiện lúa nếp tại xã Vinh Quang đã trỗ xong, dự báo được mùa với năng suất có thể đạt bình quân 150 kg/sào.

So với lúa thường, lúa nếp dễ tiêu thụ, được doanh nghiệp bao tiêu thu mua lúa tươi ngay tại ruộng với giá cao, dễ bán. Đặc biệt, lúa nếp ít nhiễm hơn đối với nhiều loại sâu bệnh như bạc lá, đạo ôn nên giảm đáng kể chi phí thuốc BVTV...

Bên cạnh chuyển đổi cơ cấu giống lúa, Hải Phòng cũng đã thu hút đầu tư của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nông sản, triển khai liên kết với các HTX và nông dân để chuyển đổi các diện tích lúa kém hiệu quả, chân đất vàn - vàn cao sang cây màu giá trị cao.

Điển hình tại vùng liên xã Đồng Minh – Thanh Lương (huyện Vĩnh Bảo), đến vụ đông xuân năm nay, đã có gần 100 ha đất lúa được chuyển đổi sang chuyên màu như đậu Nhật và khoai sọ, cho giá trị cao gấp 3-4 lần so với lúa. Tại đây, trong vòng 2-3 năm qua, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hiền Lê đã liên kết với các HTX và nông dân để trồng 2 vụ đậu Nhật/năm. Các khâu từ làm đất, gieo, phun thuốc BVTV, thu hoạch đều do HTX đảm nhiệm bằng cơ giới hóa.

Mô hình chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sọ xuất khẩu tại xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo). Ảnh: Lê Bền.

Mô hình chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sọ xuất khẩu tại xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo). Ảnh: Lê Bền.

Đậu Nhật cho năng suất trung bình 1 tấn/sào chỉ sau 75-80 ngày trồng, được doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá thu mua cho nông dân bình quân 10.000 đ/kg. Bên cạnh giá trị kinh tế, luân canh trồng đậu Nhật cũng đã giúp cải tạo đất, cải thiện môi trường rất tốt cho các địa phương tham gia chuyển đổi.

Tương tự, mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai sọ xuất khẩu tại xã Đồng Minh (huyện Vĩnh Bảo) với diện tích gần 20ha cũng cho hiệu quả và tốn ít công lao động hơn nhiều lần so với trồng lúa.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm