| Hotline: 0983.970.780

'Luồng xanh' vào Thủ đô: Nhiều tài xế xe nông sản rơi nước mắt, quay đầu

Thứ Hai 26/07/2021 , 18:28 (GMT+7)

Cách hiểu không giống nhau ở các chốt khiến nhiều tài xế chở nông sản phải rơi lệ quay xe, than thở: Như này rồi biết bỏ hàng đâu, chẳng lẽ đổ đi?

Xe container, xe tải chở hàng nối đuôi nhau tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe container, xe tải chở hàng nối đuôi nhau tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Linh động cho xe không dừng đỗ tại Hà Nội

Sáng 26/7, hàng trăm xe tải, xe gia đình, xe máy xếp hàng tại chốt kiểm dịch ở điểm cầu Phù Đổng, nơi các xe hàng hướng Lạng Sơn, Bắc Giang phải qua trước khi vào nội đô.

Tài xế Nguyễn Thành Trung, chở 19 tấn hoa quả trên xe tải BKS 76C-13061, đứng phân trần với lực lượng CSGT về việc chưa có "luồng xanh": “Công ty em người ta đăng ký rồi, nhưng trên Sở Giao thông đang duyệt, chưa có luồng xanh. Các anh xem tạo điều kiện giúp”.

Với sự chỉ dẫn của CSGT tại chốt, nam tài xế quê huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi chạy vội về xe, lấy ra tờ giấy xé từ vở học trò, viết cam kết chỉ đi qua Hà Nội để tiếp tục đưa hàng vào trả tại Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột, sau đó quay về nhà.

Kém may mắn hơn Trung, một tài xế khác chở hành, tỏi, mặt tái nhợt đi khi cảnh sát trật tự và nhân viên y tế bảo nhau từ chối cho qua. Giấy chứng nhận xét nghiệm nhanh âm tính với Covid-19, hóa đơn chứng từ bỗng rung bần bật trên đôi tay đen sạm của tài xế. 

Trước đó, Đội phó phụ trách chốt, Thiếu tá Nguyễn Thế An, quyết định cho tài xế này qua vì xe chở nông sản, và là xe "nóng" (không có máy làm lạnh). Tài xế quay ra nói với chúng tôi: “Mấy anh trong chốt nói là lúc nãy tôi trả lời phỏng vấn của báo chí các anh, nên họ không cho qua”.

Đến khi thiếu tá An xuất hiện, tài xế mới được qua, cũng viết cam kết giống đồng nghiệp Trung. Tại chốt của thiếu tá An làm chỉ huy, nhiều xe nông sản cũng được giải quyết tương tự nếu chưa có "luồng xanh" do Sở GTVT địa phương cấp.

Xe chở hàng ùn ứ hàng km tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe chở hàng ùn ứ hàng km tại chốt kiểm dịch cầu Phù Đổng sáng 26/7. Ảnh: Tùng Đinh.

Các xe container, xe tải chở những mặt hàng không thiết yếu, đều không được vào Thủ đô nếu không có "luồng xanh". Xe gia đình, phải có giấy xét nghiệm âm tính Covid còn thời hạn, nếu không cũng phải quay đầu, dù mang biển 29 hoặc 30.

“Xe chở nông sản khó để được lâu. Nếu họ chỉ đi qua mà không dừng đỗ tại Hà Nội thì chúng tôi giải quyết theo hướng để họ viết cam kết rồi tiếp tục hành trình”, Thiếu tá An cho biết.

Rơi nước mắt, quay đầu xe

Cách chốt tại cầu Phù Đổngchưa tới 10km, tại chốt lập trên QL.5, tất cả xe không có "luồng xanh" đều phải quay đầu, cho dù đó là xe chở lợn, chở rau quả, hay bất cứ mặt hàng gì.

Chúng tôi chứng kiến một số tài xế mắt rớm lệ, cố vớt vát nói rằng họ “chỉ đi qua, không giao trả hàng trong nội đô”, song không ai được linh động.

Việc phải đi vòng vèo, sẽ khiến xe tốn xăng, tài xế mất nhiều thời gian, và chắc chắn còn tiếp tục đẩy giá nông sản lên cao.

Cách hiểu không thống nhất về Chỉ thị 17 của Hà Nội khiến cánh tài xế chở nông sản “dở khóc, dở cười”.

Ngay như tại chốt ở cầu Phù Đổng và chốt ở QL.5, tình hình hoàn toàn tương phản. Rất nhiều lái xe trên QL.5 sáng 26/7, đều mang ánh mắt mong ngóng hướng về chốt. Họ là những người chưa được cấp "luồng xanh".

Ánh mắt mang hy vọng về việc qua chốt, song đa phần trong số họ có lẽ không có may mắn như các đồng nghiệp đi từ hướng Bắc Giang vào Thủ đô.

Xe không có 'luồng xanh' đều phải quay đầu khi gặp chốt kiểm dịch trên QL.5. Ảnh: Tùng Đinh.

Xe không có 'luồng xanh' đều phải quay đầu khi gặp chốt kiểm dịch trên QL.5. Ảnh: Tùng Đinh.

Một cán bộ CSGT tại chốt này cho biết: “Chỉ thị nêu rõ rồi, xe không có "luồng xanh" thì không được vào nội đô. Chúng tôi đã hướng dẫn các tài xế chở nông sản, nếu họ đi đến các tỉnh phía Nam thì vòng lại, đi qua Hưng Yên. Còn đi Bắc Ninh, Bắc Giang thì theo QL. 38”.

Tại chốt Pháp Vân - Cầu Giẽ, tình trạng ùn ứ do lượng xe quá đông đã không còn. Tuy nhiên, một số chủ hàng đưa nông sản ra siêu thị ở Hà Nội còn chưa hiểu rõ quy trình nên chưa hoàn thiện được giấy phép “luồng xanh”.

“Hôm nay mình sẽ làm việc với siêu thị để có hướng dẫn mới nhất cho bên mình để đăng ký lại. Hôm trước các bạn ý có gửi cho mình số và mình có gửi biểu mẫu cho họ rồi. Số đấy là khi bên siêu thị họ kiểm tra thì họ thấy bên mình có đăng ký với Sở Công thương rồi. Khi đi thì có thể trình bày các vấn đề đó với các anh ý, ngoài ra làm thêm cái QR code trên xe để thuận tiện hơn”, chị Đỗ Thị Hương, chủ một xe hàng rau quả chuyên bán cho các siêu thị ở Hà Nội, chia sẻ.

Do chở hàng thiết yếu, và do cách hiểu Chỉ thị 17 của chỉ huy tại chốt này, nên xe của chị Hương cuối cùng vẫn được vào Hà Nội. Nét vui mừng lộ rõ trên khuôn mặt chủ hàng và tài xế.

Tại chốt này, Trung tá Nguyễn Như Quyết đi lại như con thoi, do chốt lập ra kiểm soát cả hai chiều ra, vào Hà Nội. Vị chỉ huy chốt đã 2 ngày nay chưa về nhà. Lý do là lịch trực dày đặc. Nhiều cấp dưới của ông Quyết cũng như vậy.

Mỗi tuần, họ chỉ có vài tiếng tranh thủ. Không chỉ có lực lượng công an, mà cả cán bộ y tế, thanh tra giao thông, dân quân tự vệ, tất cả đều đang phải căng mình theo đúng nghĩa đen để chống dịch.

Luồng xanh

Ngày 18/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản về hướng dẫn xây dựng "luồng xanh" vận tải ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, vận chuyển công nhân, chuyên gia được lưu thông thông suốt 24/24h tại các địa phương thực hiện áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 23/7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục có văn bản giải thích khái niệm. Theo đó, "luồng xanh" vận tải quốc gia là "luồng xanh" vận tải được tổ chức trên các tuyến đường kết nối từ 2 địa phương trở lên và do Tổng cục Đường bộ Việt Nam công bố.

"Luồng xanh" vận tải nội tỉnh, thành phố là "luồng xanh" vận tải được tổ chức trên các tuyến đường trong phạm vi nội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và có kết nối với "luồng xanh" vận tải quốc gia để đảm bảo hoạt động vận tải được lưu thông thông suốt. “Luồng xanh” vận tải nội tỉnh, thành phố do Sở GTVT địa phương công bố.

Về Giấy (Thẻ) nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode ưu tiên hoạt động trên "luồng xanh" vận tải. Giấy (Thẻ) nhận diện phương tiện kèm theo mã QRCode dán trên phương tiện là loại giấy cấp cho phương tiện được gắn trên kính trước và trên kính hai bên thành xe giúp các lực lượng chức năng làm công tác kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhận biết và ưu tiên cho phương tiện thông qua nhanh chóng trong quá trình vận chuyển người, hàng hoá trên các "luồng xanh" vận tải đã công bố.

Phương tiện được cấp Giấy nhận diện kèm theo mã QRCode sẽ được các lực lượng chức năng trên đường hoặc tại các chốt kiểm soát dịch bệnh kiểm tra nhanh thông qua quét mã QRCode hoặc xem xét miễn kiểm tra hoặc chỉ kiểm tra xác xuất để đảm bảo lưu thông thông suốt, giảm ùn tắc giao thông, ùn ứ hàng hoá khi phương tiện vận chuyển đi, đến hoặc đi qua các chốt kiểm soát ra/vào khu vực đang áp dụng Chỉ thị 16 hoặc các chốt kiểm soát ra/vào khu vực áp dụng các cấp độ kiểm soát dịch Covid19 khác nhau.

Đơn vị vận tải, lái xe và người đi cùng theo xe đăng ký tham gia hoạt động trên "luồng xanh" vận tải phải thực hiện nghiêm, đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và đơn vị có liên quan; phải có phương án tổ chức lao động và sinh hoạt đảm bảo thực hiện nghiêm 5K, hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc với người khác trước, trong và sau quá trình vận chuyển. Cam kết và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về vêc thực hiện vận chuyển đúng mục đích, loại hàng hoá và tổ chức vận chuyển an toàn và đảm bảo phòng, chống dịch bệnh.

Xem thêm
Báo chí phải phản ánh hào khí và sức vươn lên của dân tộc

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu nhiệm vụ mới, cao hơn đối với báo chí cách mạng, đòi hỏi báo chí cũng phải phát triển tương xứng, vươn mình cùng dân tộc, xứng tầm nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đề xuất mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng là 500.000 đồng

Bộ LĐ-TB-XH đề xuất kể từ ngày 1/7, mức trợ cấp hưu trí xã hội là 500.000 đồng cho người từ đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu.