| Hotline: 0983.970.780

Mía đường Tuyên Quang còn những mối lo

Thứ Năm 14/01/2021 , 10:27 (GMT+7)

Nợ đọng trong dân đã được trả hết, giá thu mua mía nguyên liệu đạt 900 đồng/kg, đó là tín hiệu tích cực của ngành mía đường Tuyên Quang, nhưng vẫn còn những mối lo.

Vụ ép năm nay, Công ty cổ phần mía đường Tuyên Quang thu mua 900 đồng/kg mía nguyên liệu là tín hiệu đáng mừng của ngành mía đường Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Vụ ép năm nay, Công ty cổ phần mía đường Tuyên Quang thu mua 900 đồng/kg mía nguyên liệu là tín hiệu đáng mừng của ngành mía đường Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Đảm bảo thu mua 900 đồng/kg

Những ngày đầu năm 2021, ngành mía đường của tỉnh Tuyên Quang chính thức vào vụ ép mới. Tín hiệu vui đối với ngành mía đường cũng như người trồng mía là năm nay, Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương thực hiện cam kết sẽ thu mua với giá 900 đồng/kg với vùng nguyên liệu có cự ly từ 30 km trở xuống và 850 đồng/kg với vùng nguyên liệu còn lại (so với vụ ép năm 2019-2020 tăng 500 đồng/kg).

Chuẩn bị tốt các điều kiện cho vụ ép, công ty đã tiến hành xây dựng xong kế hoạch đốn chặt, vận chuyển chi tiết đến từng địa bàn. Công ty sẽ ưu tiên thu mua tại các điểm vận chuyển khó khăn, vùng thiếu lao động thu mua trước, đảm bảo thuận lợi cho hộ trồng mía và kết thúc thời vụ đúng kế hoạch.

Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã chủ động xây dựng phương án cơ cấu lại tổ chức sản xuất kinh doanh mía đường giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, trong thời gian gần đây, Chính phủ và các bộ ngành đấu tranh phòng vệ thương mại để đối phó quyết liệt đường Thái Lan bán phá giá, nhập lậu và gian lận thương mại vào thị trường Việt Nam. Nhờ đó, tình hình thị trường đường trong nước có chuyển biến tích cực, giá đường tăng lên, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành mía đường phục hồi trở lại.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thu mua được hơn 400 ha mía nguyên liệu. Ảnh: Đào Thanh.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh Tuyên Quang đã thu mua được hơn 400 ha mía nguyên liệu. Ảnh: Đào Thanh.

Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương cho biết, đến thời điểm này, công ty đã thu mua được hơn 400 ha diện tích mía nguyên liệu. Công suất ép đạt 2.100 tấn/ngày. Để khôi phục lại ngành mía đường và lấy lại lòng tin của người trồng mía, vụ năm nay công ty cam kết sẽ thu mua hết mía nguyên liệu cho bà con theo lịch chặt đã được định trước đồng thời trả tiền cho bà con trong thời gian sớm nhất, không để tình trạng nợ tiền nguyên liệu kéo dài như những năm trước.

Mía đường Tuyên Quang khó trở lại thời hoàng kim

Dù đã có những tín hiệu mừng, song ở thời điểm này để ngành mía đường của Tuyên Quang quay trở lại thời kỳ đỉnh cao thực sự là bài toán khó. Hiện nay diện tích vùng mía nguyên liệu của toàn tỉnh là 2.600 ha, bằng 1/4 so với thời kỳ hoàng kim. Đặc biệt 2 năm trở lại đây, giá thu mua thấp, nợ đọng kéo dài khiến người dân quay lưng lại với cây mía.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương thừa nhận rằng, hiện nay ngành mía đường của Tuyên Quang đang gặp khó khăn chồng lên khó khăn. Ngoài khó khăn về tài chính, về vùng nguyên liệu bị giảm sút do mấy vụ ép liên tiếp bị thua lỗ thì ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp càng kiệt quệ.

Có một lượng không nhỏ cán bộ, công nhân viên tại Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã xin nghỉ việc là những khó khăn nhất định khi ngành mía đường Tuyên Quang ổn định lại sản xuất như thời kỳ hoàng kim. Ảnh: Đào Thanh.

Có một lượng không nhỏ cán bộ, công nhân viên tại Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đã xin nghỉ việc là những khó khăn nhất định khi ngành mía đường Tuyên Quang ổn định lại sản xuất như thời kỳ hoàng kim. Ảnh: Đào Thanh.

Một giả thiết khả quan rằng trong những năm tiếp theo, ngành mía đường sẽ tăng giá và thu mua ổn định với giá 900 đồng/kg và có thể cao hơn nữa, nhưng đó sẽ chưa phải là cái gốc để giải quyết vấn đề. Bởi hiện nay vùng nguyên liệu còn quá ít. Với diện tích hơn 2.000 ha mía, chỉ đáp ứng cho việc sản xuất trong thời gian hơn 2 tháng cho 1 nhà máy hoạt động. Trong khi đó, những vụ ép 2014-2015, 2015-2016 thời gian sản xuất của vụ ép kéo dài tương tự nhưng cả 2 nhà máy đều hoạt động.

Để phục hồi lại vùng nguyên liệu đạt hơn 10.000 ha như thời hoàng kim, ngành mía đường Tuyên Quang đang vấp phải những rào càn nhất định. Đó là lòng tin của nhân dân về tính ổn định trong việc thu mua và trả tiền đúng hẹn của công ty. Đó là việc không ít người dân đã phá bỏ diện tích mía để trồng cây ăn quả, trồng rừng… mà giờ đây khôi phục lại diện tích này là quá khó khăn.

Ông Trần Xuân Hạnh, Trưởng thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa, huyện Hàm Yên cho biết, trước đây toàn thôn có 20 ha mía nay chỉ còn 6 ha. Diện tích còn lại bà con chuyển sang trồng ngô, trồng keo. Năm nay giá mía đạt 900 đồng/kg thì người trồng mía sẽ có lãi. Tuy nhiên, việc khôi phục lại diện tích mía như ban đầu sẽ là khó khăn. Bởi với những diện tích trồng ngô và cây ngắn ngày thì vụ sau có thể chuyển sang trồng mía. Nhưng với diện tích trồng rừng, cây lâu năm thì rất khó.

Tái cơ cấu lại sản xuất, lấy lại lòng tin của người trồng mía... là những vấn đề đang được lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đặt ra và tập trung giải quyết. Ảnh: Đào Thanh.

Tái cơ cấu lại sản xuất, lấy lại lòng tin của người trồng mía... là những vấn đề đang được lãnh đạo Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đặt ra và tập trung giải quyết. Ảnh: Đào Thanh.

Cùng với đó, ngay nội tại của công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Khi công ty gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không ít bộ phận đã xin nghỉ việc, xin nghỉ chế độ và tìm công việc mới. Trong số đó có không ít những người có chuyên môn, tay nghề cao. Đến thời điểm này, lực lượng cán bộ, công nhân viên chỉ còn gần 300 người, số lượng chưa bằng 1/2 so với giai đoạn 2014-2015. Lực lượng lao động này chỉ đảm bảo đáp ứng sản xuất cho một nhà máy, còn Nhà máy mía đường Sơn Dương tạm thời dừng hoạt động. Như vậy, để khôi phục lại được sản xuất như giai đoạn đỉnh cao, lượng lao động hiện nay đang thâm hụt khá lớn.

Ví dụ điển hình là tại vụ ép năm nay, khi vào vụ thu hoạch việc vận chuyển là một trong những khó khăn, do nhiều chủ xe là đối tác quen thuộc lâu năm của công ty đã bán xe. Hiện tại, tổng nhu cầu xe để vận chuyển của công ty là 200 xe thì mới chỉ hợp đồng được 60 xe, còn thiếu 140 xe.

Trả lời câu hỏi: Liệu ngành mía đường Tuyên Quang có thể vượt qua sóng gió và hồi phục thành công không? Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương Nguyễn Văn Hội cho biết, vấn đề cốt lõi mà ngành mía đường cả nước đang gặp phải là thị trường.

Vì vậy, rất cần vai trò của Nhà nước và các bộ ngành quyết liêt và triển khai các chế tài trong việc chống bán phá giá của đường ngoại, nhất là đường Thái Lan. Như vậy mới hi vọng giá đường trong nước có thể nhích lên và ngành đường trong nước mới hi vọng vực dậy.

Những vấn đề như diện tích thâm hụt, lượng cán bộ công nhân viên giảm sút, lòng tin của người trồng mía với công ty suy giảm… cũng là những vấn đề lớn. Để giải bài toán đó, trong chiến lược phát triển ngắn hạn và dài hạn, công ty đã và đang thực hiện tái cơ cấu sản xuất, nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.