Chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với đoàn đại biểu Nhật Bản do ông Nikai Toshihiro, Nghị sỹ Hạ viện, Chủ tịch Liên minh Hữu nghị Nhật - Việt dẫn đầu.
Xuất phát từ câu chuyện giao thương trong lịch sử người Nhật đến Hội An cách đây mấy trăm năm, cho đến ngày nay mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản dựa trên tinh thần tình cảm, tin cậy sẽ là động lực để hai bên có mối quan hệ hợp tác bền chặt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ tin tưởng.
Bộ trưởng đề xuất phía Nhật Bản tiếp tục tạo điều kiện mở cửa thị trường nông sản của nhau theo lộ trình cụ thể. Sau cặp sản phẩm nho - bưởi, Bộ NN-PTNT đề xuất hai nước tiếp tục mở cửa thị trường với cặp sản phẩm tiếp theo là đào của Nhật Bản và chôm chôm của Việt Nam; tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và xem xét mở cửa thị trường thịt lợn của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó tập trung vào giới trẻ (học sinh cấp 3 nông nghiệp; đưa giáo viên dạy nông nghiệp và chế biến nông sản, thực phẩm tại các trường cấp 3 của Nhật Bản sang giúp đỡ phía Việt Nam) để phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam trong giai đoạn tới cũng như có nguồn nhân lực chất lượng cao hỗ trợ Nhật Bản.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ NN-PTNT còn đề nghị phía Nhật Bản cải thiện tiếp nhận người lao động Việt Nam với tư cách “công nhân lao động”; đồng thời cải thiện điều kiện sinh hoạt và điều kiện lao động cho người lao động Việt Nam.
Về vấn đề ODA, phía Bộ NN-PTNT đề nghị Nhật Bản hỗ trợ ngành nông nghiệp triển khai các nội dung trong hợp tác giữa hai nước.
Hơn nữa, hai bên cần phối hợp để giải quyết các thách thức toàn cầu mà cả hai nước cùng quan tâm như an ninh lương thực, ứng phó thiên tai trong điều kiện biến đổi khí hậu, chuyển đổi số...
Về phía đoàn công tác của Nhật Bản, ông Moriyama Hiroshi, Trưởng Ban bầu cử, Đảng Dân chủ Tự do chia sẻ, mối quan hệ hợp tác và thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản rất tốt đẹp. Trong khi đó, đối với ngành nông nghiệp, xuất nhập khẩu hoa quả giữa hai nước diễn ra rất sôi nổi.
Sau thành công của quýt Unshu, phía Nhật mong muốn xuất khẩu nho vào thị trường Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam có thể xuất khẩu bưởi sang thị trường Nhật Bản.
Ông Hiroshi cho biết, quýt Unshu, đặc sản nổi tiếng của tỉnh Wakayama, Nhật Bản được hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu vào Việt Nam từ tháng từ tháng 10/2021. Hơn 1 năm sau, Nhật Bản công bố mở cửa cho quả nhãn tươi của Việt Nam. Phía Nhật Bản mong muốn Việt Nam đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự thảo báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại để sớm mở cửa cho quả nho.
Ngoài ra, ông Hiroshi cho biết hai bên có thể thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh lương thực khi tình hình an ninh lương thực thế giới đang chịu ảnh hưởng của nhiều biến động.
Bên cạnh đó, đại diện đoàn công tác Nhật Bản cũng cho biết nền nông nghiệp nước này được đánh giá cao từ nhiều năm nay, vì vậy, ông mong rằng thực tập sinh và lao động Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản có thể tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật của xứ sở hoa anh đào cũng như trở thành cầu nối để thúc đẩy hợp tác nông nghiệp giữa hai nước.
Giới thiệu về quả nho của Nhật Bản, Thống đốc tỉnh Yamanashi cho biết đây là khu vực sản xuất nho lớn nhất của Nhật Bản. Nho do các nghệ nhân trồng thủ công là sản phẩm nghệ thuật, hơn nữa, hệ thống canh tác cây ăn quả tại đây cũng được công nhận là di sản nông nghiệp của thế giới. Thông qua cơ hội này, phía Nhật Bản muốn thúc đẩy sự hiểu biết và nâng cao độ nhận diện của nho Yamanashi tại Việt Nam.