Hàng triệu việc làm mới được tạo ra nếu thay đổi góc nhìn về rừng. Việt Nam đề nghị Nhật Bản mở cửa cho trái bưởi, chôm chôm. Chọn tạo 20 dòng sắn kháng bệnh khảm lá. Cà Mau gửi 12.000 thư ngỏ kêu gọi chống khai thác IUU. Tỉnh Long An và USSH-VNUHCM hợp tác nghiên cứu phát triển nông nghiệp.
Hàng triệu việc làm mới được tạo ra nếu thay đổi góc nhìn về rừng
Phát biểu tại buổi họp về đề án phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho rằng cần nhìn kinh tế rừng dưới một góc nhìn mới, cần tiếp cận phương án phát triển kinh tế rừng theo hướng đa dạng, đa dụng, đa giá trị thay vì chỉ tập trung vào gỗ và thủy điện. Khi thay đổi góc nhìn, hàng triệu việc làm mới sẽ được tạo ra, tạo ra sinh kế bền vững cho rất nhiều người, qua đó góp phần bảo tồn, bảo vệ rừng một cách hiệu quả hơn. Việt Nam nằm trong vị trí địa lý và các yếu tố địa hình, khí hậu có sự khác biệt đã tạo ra các hệ sinh thái rừng rất phong phú, với diện tích đất có rừng là 14,7 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng là 42,02%, là nơi cư trú của hàng chục nghìn loài động thực vật hoang dã. Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người và là không gian sinh sống của khoảng 25 triệu dân.
VIỆT NAM ĐỀ NGHỊ NHẬT BẢN MỞ CỬA CHO TRÁI BƯỞI, CHÔM CHÔM
Chiều 5/5, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Nghị sỹ Hạ Viện, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản – Việt Nam, ông Ni-cai Tô-si-hi-rô.Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về nền nông nghiệp và các đặc sản Việt Nam mong muốn xuất khẩu sang Nhật Bản như quả Bưởi và chôm chôm.Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị được Nhật Bản hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam; tiếp nhận người lao động Việt Nam với tư cách công nhân lao động chứ không phải tư cách thực tập sinh.Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng đề nghị Nhật Bản tăng hỗ trợ nguồn vốn ODA cho ngành nông nghiệp để triển khai hợp tác tầm nhìn trung và dài hạn giữa hai nước. Ông Ni-cai Tô-si-hi-rô, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam mong muốn xuất khẩu quả nho của Nhật Bản sang Việt Nam và hai nước cùng nhau hỗ trợ, bảo đảm an ninh lương thực. Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản quan trọng của Việt Nam, chiếm 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản hàng năm.
Chọn tạo 20 dòng sắn kháng bệnh khảm lá
Lê Bình - Trần Trung
Trong quý I/2023, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh phát sinh thêm 22.200ha sắn bị khảm lá, tổng diện tích nhiễm bệnh hiện còn trên đồng là 31.100ha. Hiện, Sở NN-PTNT Tây Ninh đang khảo nghiệm nhằm chọn ra giống kháng bệnh ưu việt hơn, cho năng suất cao, chữ bột ổn định hơn. Sở này đang kết hợp với Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới quốc tế CIAD khảo nghiệm hơn 500 dòng sắn, bước đầu chọn được hơn 20 dòng kháng bệnh khảm lá. Đến nay cây sắn sinh trưởng tốt, nhiều giống cho thấy dấu hiệu kháng được bệnh khảm lá, năng suất cao hơn so với giống nông dân đang trồng. Dịch khảm xuất hiện từ năm 2017 và lây lan nhanh ra trên khắp tỉnh, thành trong nước và trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất và công nghiệp chế biến tinh bột sắn tại Việt Nam. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, diện tích trồng sắn của Tây Ninh là khoảng 59.000 ha.
Cà Mau gửi 12.000 thư ngỏ kêu gọi chống khai thác IUU
Thời gian qua, để thay đổi từ nhận thức đến hành vi của người dân, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh Cà Mau đã triển khai linh hoạt nhiều biện pháp nhằm quyết tâm chống khai thác IUU, sớm khắc phục “thẻ vàng” của EC. Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, đến tháng 4/2023 đã cho in và cấp phát 12.000 Thư ngỏ của tỉnh về “Kêu gọi tích cực hưởng ứng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU)”. Bên cạnh tăng cường công tác tuyên truyền chống khai thác IUU trên các phương tiện truyền thông; thông qua các đợt đăng ký, đăng kiểm, tuần tra kiểm soát trên biển và lập thủ tục ra, vào cảng cá, Trạm Kiểm soát Biên phòng để người dân nắm các quy định có liên quan. Nhờ đó, đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý. Toàn tỉnh hiện hiện có 4.291 tàu cá; trong đó, có 1.565 tàu cá khai thác vùng khơi, các tàu cá hoạt động khai thác thủy sản trên biển đều lắp thiết bị giám sát hành trình, đánh dấu tàu cá theo quy định, đạt tỷ lệ 100%.
Tỉnh Long An và USSH-VNUHCM hợp tác nghiên cứu phát triển nông nghiệp
Chiều 5/5 tại TP.HCM diễn ra Chương trình ký kết hợp tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Long An và Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia TPHCM. Phát biểu khai mạc, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chương trình ký kết là sự gắn kết giữa địa phương và Nhà trường trong việc triển khai các nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, phát triển nông nghiệp nông thôn tỉnh Long An. Theo đó, nội dung hợp tác, đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ lãnh đạo chiến lược phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Xây dựng, triển khai các kế hoạch dự án, đề án... liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, như chương trình OCOP, phát triển du lịch nông thôn, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Long An…