| Hotline: 0983.970.780

Mùa World Cup nhớ chuyện bóng đá làng

Thứ Năm 15/12/2022 , 06:15 (GMT+7)

Hồi chưa có quả bóng hiện đại và dễ mua như bây giờ, bóng là những quả bưởi non, tròn, phải đập lên xuống như đập bóng rổ cho mềm, dẻo dai...

Empty

Đá bóng ở quê.

Người ta có lúc ví bóng đá xứ Nghệ - Tĩnh như là “Brazil “của Việt Nam. Điều đó có vẻ hơi phóng đại nhưng việc con người ở đây yêu bóng đá là có thật. Hình ảnh những đám trẻ tụ tập chơi bóng một cách say mê được bắt gặp bất cứ nơi đâu của nơi đất cằn sỏi đá này. Những tiếng hô “chuyền đi”, “sút đi”, “chậm rứa”, “răng không chuyền cho tau” vang âm khắp một miền quê.

Lũ chúng tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng bán sơn địa ở Thanh Chương (Nghệ An), nhà tựa lưng vào núi, trước mặt là cánh đồng lớn và xa xa là dòng sông Giăng uốn lượn chạy qua. Tất cả tận hưởng một tuổi thơ êm đềm mà có thể trải nghiệm hầu hết mọi thứ trên đời.

Hầu như đứa con trai nào cũng có thể có những kĩ năng “cơ bản” như leo cây, leo núi, bắt cá, lươn, ếch, bơi lội. Có rất nhiều trò chơi như gụ, khẳng, bi, đánh đáo hay có cả sân bóng bàn, nhưng không hiểu sao tất cả đều yêu môn đá bóng.

Còn nhớ khoảng đầu những năm 1990, lúc ấy chưa có quả bóng hiện đại và dễ mua như bây giờ. Bóng là những quả bưởi non, tròn, để đá được lâu thì phải đập bóng lên xuống như đập bóng rổ cho quả bóng mềm, dẻo dai hơn hoặc kì công hơn là bóng được làm từ vải, các sợi được quấn lại thành hình tròn một cách khéo léo.

Một trận bóng dùng đến hai ba quả bưởi, nên rất tốn, để có bưởi đá thường xuyên thì phải vặt trộm nên mấy bà cô nhà gần sân bóng than thở suốt là bưởi của họ hay bị mất. Có cách khác là các anh lớn tuổi thì đến tối đi cưa gái, đến nhà ai có bưởi thì tiện tay làm vài quả thế là chiều mai có bóng đá.

Sân bóng là sân lát gạch của hợp tác xã khi xưa nên chân cẳng đứa nào cũng từng bị thương, chân không sưng lên thì tróc mất móng, hoặc bong gân. Mà ham bóng tới nỗi, mỗi khi đứa nào đó bị đau thì cũng cố lết tới sân để làm chân thủ môn.

Mặc dù thiếu sân bãi chuyên nghiệp, nhưng với đám trẻ con chẳng có gì là khó cả. Một bãi đất ngoài đồng, trong thung lũng gần suối hay trên đồi đều có thể là cái sân bóng, thậm chí là những đám ruộng bằng phẳng khi có hạn. Về sau, những phụ huynh trong xóm đã hi sinh phần đất trồng trọt quí giá của họ ở cồn Trai để làm sân bóng cho chúng tôi (cồn nghĩa là như một hòn đảo nhỏ ở giữa đồng).

Thế là đám trẻ có một cái sân đất rộng lớn, phong trào bóng đá sôi nổi hẳn lên. Những người trung niên cùng tham gia đá bóng cùng với thanh niên, mặc dù họ có chút vụng về và đôi khi hay trả đũa hoặc thù dai với đám trẻ, nhưng chẳng ai chấp. Mỗi khi chiều về, đứa nào cũng dỏng tai lên nghe ngóng, nghe tiếng bóng bình bịch là chạy ra ngay. Thường thì chia làm 2 phe, kiểu như xóm trên - xóm dưới, hoặc thanh niên - trung niên. Xã có 20 chòm (xóm) thì ít nhất có 40 đội bóng đều đá hàng ngày như vậy.

Ở quê, nếu một đứa trẻ học giỏi thì cũng có thể được người ta khen ngợi, vinh danh nhưng một đứa mà đá bóng giỏi thì vinh quang gấp nhiều lần. Nên mới có chuyện, nhiều phụ huynh thắc mắc là con cái học trường chuyên Phan Bội Châu, đi thi Olympic về thì cũng chẳng ai quan tâm mấy bằng “ngôi sao bóng đá làng”. Trong kí ức người dân, một người đá bóng giỏi sẽ tồn tại mãi không khác gì anh hùng và dĩ nhiên được cưng chiều, ưu ái lắm. Đến giờ, đã tuổi trung niên mà tôi vẫn nhớ tên của từng “ngôi sao làng” ấy với sự ngưỡng mộ không bao giờ phai tàn.

Hội làng là từ chung chung, nhưng nếu gọi hội làng ở quê tôi thì có lẽ chính xác nhất là ngày tổ chức giải bóng đá giữa các xóm với nhau. Không khí World Cup, Tiger Cup, Sea Games hay AFF Cup cũng chỉ nóng như thế là cùng. Đội bóng được thành lập, các trung niên nhiệt tình buổi chiều đều có mặt tại sân để “chỉ đạo”, việc tài chính, đặt mua quần áo và hậu cần cho đội được tiến hành. Tất cả đều được sắp xếp qui củ với sự ủng hộ của người dân toàn xóm, dù đang ngụ cư hay xa xứ. Những người đi xa làm ăn, nếu thành đạt thì rất hào phóng với việc làng, đặc biệt là đá bóng.

Sân vận động vào những trận đấu chật kín người, tập hợp tất cả mọi thành phần từ già đến trẻ. Đội bóng thì đá, “huấn luyện viên” thì mặt đỏ tía tai “hăng tiết vịt” chỉ đạo, hò hét; các chị các mẹ thì hô hào cho khản tiếng. Nhưng đáng nhớ nhất là những bà cụ lớn tuổi, các cụ cổ vũ hăng hái đã đành, mỗi khi cầu thủ đội nhà ghi bàn thắng là chạy vào sân thưởng nóng bằng tiền mặt ngay.

Thời mới có công nông thì đội bóng nào được rước bằng công nông thì oai lắm, sau có xe ca đưa rước. Đội bóng được vào sâu, được giải thưởng và nếu đoạt cúp thì không còn gì hân hoan, tự hào bằng.

Tuổi thơ gắn bó với bóng đá như vậy có thể nói một mặt làm tăng sức mạnh thể chất, mặt khác góp phần làm nên nhân cách một con người. Đó là tinh thần đồng đội, chơi đẹp và tuân thủ luật lệ trong bóng đá. Nếu nói “tình yêu quê hương” thì nó hơi trừu tượng, nhưng nếu nói yêu sân bóng, yêu những người dân quê luôn ủng hộ cho đám trẻ con, yêu những kí ức về mỗi trận bóng đã trải qua, yêu quý những người bạn cùng chơi bóng thì gần gũi và dễ hiểu hơn. Được sống và trải nghiệm như vậy là một trong những điều tuyệt vời nhất mà cuộc đời đã ban cho những lũ trẻ ở nông thôn như chúng tôi.

Và cũng như những đứa trẻ ngày xưa, đều ước mong mình thành cầu thủ, đội bóng xóm mình vô địch thì mỗi mùa World Cup đến, như một đứa trẻ, bất kì ai cũng khát khao đội bóng nước mình sẽ có ngày được chơi tại sân chơi lớn nhất hành tinh và vô địch, có thể lắm chứ?

Xem thêm
Việt Nam - những sắc màu di sản

Tối 22/11 tại Nhà văn hóa Lao động Nghệ An đã diễn ra Lễ khai mạc Liên hoan nghệ thuật dân gian truyền thống với chủ đề 'Việt Nam – những sắc màu di sản'.

Thông tin mới chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy từ Pháp về

Công an TPHCM tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, mở rộng chuyên án; lần theo dòng chảy ma túy để khui từng vỏ bọc của các 'ông trùm' ma túy.

Nadal lên sẵn kịch bản giải nghệ

Tay vợt người Tây Ban Nha cho biết có tinh thần thoải mái sẵn sàng thi đấu Davis Cup 2024 trên sân nhà cũng như việc sẽ giải nghệ ở đây.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.