| Hotline: 0983.970.780

Muôn kiểu vay vốn làm giàu: Không tấc đất trở thành 'chúa rừng'

Thứ Ba 18/08/2015 , 18:17 (GMT+7)

Tích tụ ruộng đất, đầu tư mở rộng sản xuất là cách làm giàu của nhiều nông dân Bình Định, Phú Yên. Nhưng để làm được điều đó, họ cần nguồn vốn không nhỏ. Rất may, nông dân nơi đây luôn có một người bạn đồng hành, đó là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank).

Từ trung tâm thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), chiếc xe Ford băng qua những triền đồi đất đỏ bazan trù mật chở chúng tôi tiến vào xã Ea Bar – vùng đất của những triệu phú, tỷ phú nông dân. Khó có thể tưởng tượng được rằng, vùng đất “khỉ ho cò gáy” một thời lại đang rung chuyển cuộc cách mạng kinh tế.

Nhận diện “chúa rừng”

Nửa cuối những năm 90 của thế kỷ trước, dân tứ xứ ồ ạt đổ về huyện Sông Hinh xây dựng vùng kinh tế mới. Trong số đó có một người đàn ông trạc tuổi tứ tuần tên Cao Nguyên Lâm (quê ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), dắt theo vợ và 3 đứa con thơ. Dừng chân ở Buôn Quen (xã Ea Bar), ông Lâm xin một thửa đất nhỏ của một người quen rồi dùng toàn bộ số tiền gia đình mang theo (30 triệu đồng) dựng nhà làm nơi trú ngụ.

Thấy xung quanh đất rộng, cỏ mọc um tùm, vợ chồng nghèo quyết định thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng Agribank 80 triệu đồng và mua 25 bê cái sinh sản nuôi thả rông. Đàn bê cái lớn lên từ giọt mồ hôi đầm đẫm của người chăn thả, trở thành những bà mẹ phồn thực, đẻ đều đặn mỗi năm một lứa. Chủ trại bán hết bê đực để trang trải cuộc sống và dựng thêm chuồng cho bê cái mới chào đời.

Đến năm 2000, ông tính kế gom đất phát triển sản xuất. Lời lãi từ nuôi bò chưa vội trả nợ ngân hàng mà dùng để mua 10 ha đất đồi. Ký giấy tờ mua bán đất chưa ráo mực thì khắp các huyện miền tây Phú Yên xôn xao về dự án phát triển cao su tiểu điền (2001 – 2004). Những người trồng cao su được vay vốn dài hạn ở ngân hàng Agribank các huyện trong thời gian 18 năm với lãi suất 0,81%/tháng. Riêng trong 8 năm đầu, những người được vay chưa phải trả gì. Từ năm thứ 9 trở đi, khi cao su bắt đầu cho mủ, lãi suất được tính bằng 25% tổng giá trị sản phẩm.

Sẵn có đất trong tay, ông Lâm vay liền một cục 180 triệu đồng từ ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Sông Hinh, đầu tư trồng 10 ha. Đằng đẵng 8 năm vợ chồng chung lưng đấu cật rẫy nương mòn cuốc, đào hố chai tay, gánh phân trẹo xương sườn, cây cao su bắt đầu nhỏ “vàng trắng”.

Thời điểm ấy, giá mủ cao su cao ngất ngưởng. 1 ha lãi khoảng 70 - 80 triệu đồng. Đến năm 2010, ông Lâm trả hết nợ ngân hàng và tiếp tục dùng nguồn thu nhập từ vườn cao su để mua thêm 70 ha đất phát triển SX. Triết lý kinh doanh của ông Lâm là: “Không đánh cược vào một cái gì”, từ đó chủ trang trại thực hiện đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, trang trại của ông có 2,5 ha cà phê, cho thu nhập 75 triệu đồng/năm. Cao su 45 ha, trong đó thu hoạch 20 ha (bình quân thu nhập 400 triệu đồng/năm). Trồng cây ngắn ngày như sắn, lúa nước, đậu các loại 3 ha (bình quân cho thu nhập 70 triệu đồng/năm). Trồng keo 30 ha (bình quân cho thu nhập trên 250 triệu đồng/năm).

Ông Nguyễn Công Ngần, GĐ chi nhánh ngân hàng Agribank Sông Hinh cho biết: Tuy là một huyện miền núi, SX nông nghiệp là chủ đạo nhưng trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng dư nợ cho vay của chi nhánh đã đạt 400 tỷ đồng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1%.

Đối với chăn nuôi, từ năm 2006 đến nay trang trại của ông Lâm duy trì khoảng 80 bò cái sinh sản, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Ngoài ra còn nuôi thêm gà, vịt, ngan, ngỗng, đào ao thả cá. Hạch toán kinh tế, tổng lợi nhuận của ông đạt gần 900 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế, ông còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức lương trung bình 4 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa vụ, trang trại huy động thêm 35 – 40 lao động, chi trả công 150.000 đồng/người/ngày. Từ người đi vay vốn, ông Lâm trở thành một trong những cá nhân gửi tiền tiết kiệm ở Agribank nhiều nhất huyện Sông Hinh. Người nông dân chân lấm, tay bùn ngày nào nay đã chễm chệ trên xe hơi sang trọng, ở nhà lầu nguy nga.

Đứa trẻ chăn bò thuê thành tỷ phú

Cách trang trại của ông Lâm không xa là khu đồi trồng sắn rộng 30 ha của vợ chồng anh Nguyễn Xuân Vinh (41 tuổi, quê gốc ở xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) và người vợ Đỗ Thị Hoa. Kế đó là vườn cây cao su rộng 11 ha cũng do anh chị sở hữu.

Anh Vinh giờ đã là tỷ phú đúng nghĩa, nhưng tâm trí vẫn không sao quên được những ngày tháng cùng cực của tuổi trẻ. Bố mẹ ly thân từ nhỏ, 9 tuổi Vinh đã đi chăn trâu thuê ở huyện Lục Nam (Bắc Giang) để kiếm cơm từng bữa; 14 tuổi theo chân ông chú làm mướn trong vườn cà phê ở Đăk Lăk. Thấy không có tương lai, Vinh quay về căn bếp cũ nhà ông ngoại sống cùng mẹ (bà Phạm Thị Nguyên). Không gian sống bí bách quá, anh tự đóng gạch và đắp lò nung dựng căn nhà 3 gian.

12-01-49_nh-2
Anh Nguyễn Xuân Vinh bên chiếc máy cày phục vụ làm nương rẫy

Ít lâu sau, mẹ anh bị suy tim độ 4, phải bán sạch tài sản trong nhà chạy chữa. Lúc bà Nguyên qua đời, món nợ trên vai Vinh vẫn còn vài tấn thóc. Ngày ấy, chẳng ai dám lấy anh chàng nghèo kiết xác. May có ông Mão cùng làng quý mến tính cách thật thà của anh nên gả cho cô con gái. Từ đó, chiều chiều vợ ở nhà cán bún. Chồng ra đồng mò cua để sáng hôm sau ra chợ Tân An bán bún cua.

Năm 2002, đứa em Nguyễn Văn Viện lấy vợ. Vinh nhường căn nhà cho em, dắt vợ vào Bình Dương thuê 15 ha đất để trồng sắn. Đang làm ăn khá giả thì xảy ra vụ nhà máy Vedan đầu độc sông Thị Vải (năm 2006). Giá sắn tụt từ 800 đồng/kg xuống 200 đồng/kg (bán không đủ tiền thuê đất 4 triệu/tháng). Toàn bộ tài sản tích cóp được lại đội nón ra đi. 

Nghe tin ở huyện Sông Hinh có người đang rao bán 4 ha đất, giá 125 triệu đồng, anh Vinh đành “muối mặt” tìm ông cậu Phan Văn Huy mượn cuốn sổ đỏ nhà đất thế chấp vay ngân hàng Agribank chi nhánh Bình Dương 150 triệu đồng để trồng cao su. Thời gian chờ cây lớn, anh Vinh nghĩ cách lấy ngắn nuôi dài, trồng xen sắn với cao su, ngoài ra còn thuê thêm 30 ha đồi để mở rộng diện tích trồng sắn. Trừ chi phí, mỗi ha thu lãi khoảng 30 triệu đồng. 

Có đồng ra đồng vào, anh lại tiếp tục thế chấp sổ đỏ diện tích 4 ha cao su đang sở hữu vay ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Sông Hinh để mua thêm 7 ha đất nữa. Hiện tại, 4 ha cao su trồng lứa đầu đã đưa vào khai thác, trừ công cạo mủ, anh cầm chắc trong tay 800.000 đồng/ngày.

Không chỉ trả hết nợ ngân hàng, anh Vinh còn tậu được cái máy cày đa năng trị giá 125 triệu đồng; xây nhà lớn và sắm bộ sập gụ, tủ chè trên trăm triệu đồng. Anh Vinh nhẩm tính, 2 năm tới, khi toàn bộ diện tích cao su đạt tuổi cạo mủ, thu nhập của gia đình không dưới 600 triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Ea Bar Ksor Hét chia sẻ: Toàn xã chỉ có 1.400 hộ với 6.000 nhân khẩu nhưng có tới 7.000 ha đất canh tác nông nghiệp. Những năm gần đây, bà con đẩy mạnh trồng tiêu, cà phê, mía và sắn nên cần rất nhiều vốn đầu tư ban đầu. Rất may, ngân hàng Agribank luôn đồng hành cùng bà con. Hiện tại tổng dư nợ của Ea Bar đang đứng đầu huyện Sông Hinh. Từ nguồn vốn ấy, nông dân thay đổi nhận thức, đầu tư lớn hơn và trách nhiệm cao hơn với đồng đất của mình. Số hộ có 10 ha đất SX hiệu quả trở lên không dưới 3 con số. Lao động địa phương làm việc trong những trang trại có cuộc sống ổn định. Cuộc sống đang thay da đổi thịt từng ngày.

Xem thêm
Nhập cherry hữu cơ New Zealand phục vụ thị trường Tết

TP.HCM Ngày 9/1, tại Lãnh sự quán New Zealand tại TP.HCM diễn ra lễ ký kết MOU giữa Klever Fruit và RD8 về việc phát triển cherry hữu cơ New Zealand tại Việt Nam.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Phú Mỹ dành 8 tỷ đồng cho chương trình 'Xuân yêu thương, Tết sẻ chia'

Tổng Công ty Phân bón & Hóa chất Dầu khí (PVFCCo - Phú Mỹ) đã dành 8 tỷ đồng mang ‘Xuân yêu thương, Tết sẻ chia’ đến những hoàn cảnh khó khăn nhiều tỉnh, thành.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.