| Hotline: 0983.970.780

Muốn trò tôn sư thì thầy phải trọng đạo

Thứ Năm 05/04/2018 , 15:03 (GMT+7)

Đã có lúc tôi tự hỏi, những giáo viên đầu vào 3 điểm/môn thi và giáo viên mất hàng trăm triệu đồng để được vào nghề... thì không biết trên bục giảng, họ sẽ dạy điều gì cho học sinh?

Dư luận đang bày tỏ sự phẫn nộ đến tột đỉnh trước hành động vô đạo của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương, giáo viên chủ nhiệm lớp 3A5 Trường Tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng vì đã bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD – ĐT) ngay trong sáng nay đã có công văn gửi Sở GD - ĐT Hải Phòng

Ngay sau khi có thông tin này, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD – ĐT) đã có công văn gửi Sở GD - ĐT Hải Phòng chỉ đạo kiểm điểm, có hình thức xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo nghiêm trọng của cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương. Trong sáng 5/4, lãnh đạo Sở GD – ĐT và UBND huyện đã trực tiếp làm việc với BGH và yêu cầu Trường Tiểu học An Đồng chấm dứt hợp đồng giảng dạy đối với cô Hương.

Sự việc này đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh và chính cô Hương đã thừa nhận hành vi vi phạm, đồng thời đã cùng nhà trường trực tiếp xin lỗi học sinh và gia đình.

Nhiều người đã bày tỏ cảm giác uất nghẹn, thắt cả ruột gan khi đọc được những thông tin này. Không ai nghĩ rằng giữa thời đại văn minh này, một cô giáo lại có hành động gây tổn thương tinh thần, sức khỏe của học sinh một cách “ác tâm” như vậy? Một cô giáo, được coi là người mẹ thứ hai ở trường đối với con trẻ vì sao lại có những hành động vô đạo như thế?

Nhiều người cũng đã từng qua thời kỳ đi học, chịu sự rèn rũa nghiêm khắc của thầy cô, có khi là những đòn roi đau điếng, nhưng đằng sau đó là trách nhiệm, là tình yêu thương con người, chứ không phải là sự chà đạp, ghét bỏ hay làm nhục người khác. Nay có con đi học, mỗi lần gặp lại thầy, cô giáo, chúng tôi vẫn vẹn nguyên tình thương yêu. Dĩ nhiên, không ai cổ xúy cho việc dùng đòn roi để giáo dục con em, bởi xã hội đã tiến bộ, nhận thức của cha mẹ và học sinh đã khác xưa rất nhiều.

Câu chuyện đau đớn này có lẽ hãy để chính giới đồng nghiệp của cô Hương nói hộ tất cả cho những ai thực sự quan tâm đến sự học hiện nay của con em. Hàng vạn thầy cô giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo xa xôi hay ngay giữa phố thị đang miệt mài cống hiến cho lớp lớp học sinh thân yêu sẽ lên án hành động "vô đạo" này của cô Minh Hương.

Cách đây không lâu, chúng ta đã lên án phụ huynh bắt cô giáo quỳ vì "muốn sang thì bắc cầu kiều, muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy; chúng ta lên án học sinh lớp 8 bóp cổ cô giáo vì "một chữ cũng là thấy, nửa chữ cũng là thầy"... Xã hội mong muốn và sẵn lòng làm tất cả những gì tốt đẹp nhất cho môi trường sư phạm và hình ảnh cao quý của người thầy được tôn nghiêm, kính trọng. Vì đó là đó là đạo lý.

Tôn sư trọng đạo là nét đẹp truyền thống của dân tộc ta suốt chiều dài lịch sử đất nước. Vậy nhưng, để truyền thống đạo lý đó tiếp tục được vun đắp, gìn giữ thì phải từ trách nhiệm nhiều phía, trong đó cái quan trong phải từ hai chủ thể chính là học trò và người thầy. Do đó, muốn trò tôn sư thì thầy phải trọng đạo.

Ngành giáo dục cần quan tâm chu đáo hơn đến việc nâng cao chất lượng nghiệp vụ sư phạm cho các nhà giáo và bản thân các nhà giáo cũng cần trao dồi, nỗ lực cố gắng nhiều hơn nữa để luôn nhận được sự tôn vinh, kính trọng của xã hội và lớp lớp thế hệ học sinh thân yêu.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.