Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Châu Á Thái Bình Dương, ngày 20/9, đoàn đại biểu Việt Nam do Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp làm trưởng đoàn đã tham gia các phiên họp song phương với các bộ trưởng của các quốc gia như Australia, Ấn Độ và Giám đốc của Cơ quan Liên Hợp Quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai; đồng thời tham gia thảo luận về Hành động sớm trong phòng, chống thiên tai với Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và các nước Việt Nam, Lào, Philippines, Bangladesh và Parkistan.
Tại các cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đã đánh giá cao sự hợp tác của Australia, Ấn Độ cũng như Cơ quan Liên Hợp Quốc về Giảm nhẹ rủi ro thiên tai trong thời gian qua đối với Việt Nam và bày tỏ đề xuất các quốc gia và tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam, nhất là trong năm 2023 khi Việt Nam là chủ tịch của Ủy ban ASEAN về Quản lý Thiên tai.
Năm 2023, Việt Nam sẽ là Chủ tịch của Ủy ban Quản lý Thiên tai ASEAN. Do đó, tại buổi làm việc giữa phái đoàn Việt Nam và Bộ Nông-Lâm-Ngư nghiệp kiêm Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Australia, Việt Nam đề xuất Chính phủ Australia hỗ trợ các hoạt động như hội thảo quốc tế, đào tạo để tăng cường vị thế Chủ tịch của Việt Nam trong khối các quốc gia Đông Nam Á.
Thiên tai với tần suất và cường độ mạnh liên quan đến biến đổi khí hậu làm trầm trọng thêm tình trạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng đối với các nhóm dân cư có điều kiện sống thấp dễ bị tổn thương. Việt Nam đã cam kết thực hiện các khuôn khổ quốc tế như Khung hành động Sendai cũng như thúc đẩy việc lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai vào các Kế hoạch Phát triển Kinh tế - Xã hội cấp trung ương, địa phương và các ngành.
Trong bối cảnh hỗ trợ phát triển tại Việt Nam đang ngày một giảm nhanh, UNICEF, UNDP là số ít những đối tác còn lại đang hỗ trợ cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm và xây dựng năng lực cộng đồng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Do đó, Việt Nam đề xuất Chính phủ Australia và UNICEF, UNDP đồng hành để củng cố khung pháp lý và chính sách về giảm nhẹ rủi ro thiên tai và lồng ghép quản lý rủi ro thiên tai để thực hiện Khung hành động Sendai một cách hiệu quả.
Đồng thời, tăng cường sự phối hợp liên ngành để đảm bảo lồng ghép và phối hợp trong các hoạt động giảm nhẹ rủ ro thiên tai, chuẩn bị và ứng phó với thiên tai; cải thiện các chiến lược truyền thông về chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai tới cộng đồng; củng cố các quan hệ đối tác hiện có và phát triển thêm các đối tác mới; thúc đẩy các sáng kiến của cộng đồng và thanh niên nhằm tăng cường khả năng chống chịu với các thiên tai; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai.