Trong đó, lượng khách đến tham quan tại TP.HCM trong dịp Tết đạt 300.000 lượt, doanh thu khoảng 300 tỷ đồng; khách lưu trú với 500.000 phòng, doanh thu khoảng 1.200 tỷ đồng và cao nhất là khách sử dụng các dịch vụ du lịch khác như ăn uống, vận chuyển... đạt 1 triệu lượt, doanh thu khoảng 1.600 tỷ đồng.
Theo thống kê từ các công ty lữ hành lớn của TP.HCM, những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, lượt khách du Xuân từ khắp mọi miền tăng đáng kể, đây là tín hiệu khởi sắc cho ngành du lịch TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.
Công ty TST tourist có số lượng khách khởi hành trong và sau Tết Nguyên đán đạt trên 1.000 khách, bao gồm cả khách cá nhân, nhóm khách và đoàn khách doanh nghiệp. Trong khi đó, Công ty Lữ hành Saigontourist phục vụ hơn 6.800 khách đi bằng đường hàng không, đường bộ, đường bộ liên tuyến, combo dịch vụ, phòng khách sạn; Công ty Vietravel phục vụ khoảng 15.000 lượt khách trong dịp Tết Nguyên đán 2022. Những điểm đến được du khách lựa chọn nhiều nhất là các tỉnh miền Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Phú Quốc, Đà Lạt...
Theo Giám đốc truyền thông Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour Trần Thị Bảo Thu, tổng kết sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 cho thấy, nhu cầu đi du lịch của du khách có nhiều thay đổi về hành vi và chọn điểm đến. "Du khách đi du lịch dịp Tết chủ yếu chọn tour cho mục đích nghỉ dưỡng, thư giãn, không quá nhiều hoạt động tham quan hoặc tập trung ở các điểm vui chơi đông đúc, điểm đến và dịch vụ phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đa phần khách hướng vào tour tự chọn, đặt các dịch vụ lẻ như thuê ôtô và mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn…", bà Thu nói.
Ông Lại Minh Duy, Tổng Giám đốc Công ty TST tourist cho biết, trong năm 2022, công ty vẫn sẽ tập trung phát triển thị trường nội địa lẫn quốc tế. Trong đó, trị trường nội địa tập trung phát triển các điểm đến có nhiều ưu đãi, chính sách và cách xử lý tình hình đối với dịch bệnh tốt nhất.
"Một tín hiệu mới đem lại kỳ vọng cho ngành du lịch hiện nay là khách đoàn doanh nghiệp đang có dấu hiệu tăng nhanh. Tại đơn vị đã có một số đoàn khách đặt tour khởi hành từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, tập trung tại các địa điểm du lịch như: Ninh Chữ, Đà Lạt, Hạ Long, Ninh Bình, Huế, Quảng Ninh, Điện Biên…
Đối với thị trường khách quốc tế năm 2022, công ty sẽ theo sát chủ trương chung của Chính phủ và ngành du lịch để vừa thai thác, vừa đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bởi năm 2022 là năm có nhiều cơ hội để khôi phục các thị trường, trong đó thị trường Đông Nam Á (Campuchia, Thái Lan...) và các thị trường khác trong khu vực châu Á. Chúng tôi cũng kỳ vọng tour du lịch nước ngoài sẽ sớm kết nối bình thường trở lại, bởi nhu cầu du khách trở lại châu Âu, Mỹ, Úc rất cao; trong đó, châu Âu là nơi có hệ thống sản phẩm đa dạng, độc đáo", ông Duy thông tin.
Công ty Vietravel cũng đã sẵn sàng các phương án để đón khách quốc tế trong năm 2022 cùng với 7 doanh nghiệp khác theo chương trình thí điểm của Chính phủ đón khách du lịch.
Ông Trần Đoàn Thế Duy, Tổng giám đốc Công ty Vietravel cho biết, nhìn chung, nguồn khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này còn khá hạn chế, vì vậy các doanh nghiệp lữ hành đang kỳ vọng trong năm 2022 nguồn khách quốc tế sẽ được mở rộng hơn với các chính sách đón khách quốc tế mở rộng cụ thể hơn bằng việc các nước sớm nối lại các đường bay thẳng thì ngành du lịch mới có cơ hội hồi phục nhanh chóng.
Hiện các doanh nghiệp du lịch cũng đang từng bước xây dựng kế hoạch cho mùa du lịch hè, khởi động từ đợt lễ 30/4-1/5.
Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, năm 2022, ngành du lịch Thành phố sẽ tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ các sản phẩm du lịch, để không chỉ phục vụ du khách nội địa mà còn chuẩn bị đón khách quốc tế. Mục tiêu mà ngành đề ra là đón 3,5 triệu lượt khách quốc tế và 25 triệu lượt khách nội địa, tăng 66,66% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu ước đạt 97.700 tỉ đồng.