* Giá đường trong nước cao gấp 1,5 lần đường thế giới
Vụ mía đường 2014-2015, người trồng mía ở Tây Ninh đang mất ăn mất ngủ do có 5.000 ha mía bị sâu đục thân 4 vạch (loại mới) phá hoại, nhà máy đường thì lo ngay ngáy vì có nguy cơ thiếu nguyên liệu, sẽ đẩy giá thành SX đường lên cao.
Hai năm trở lại đây, ngành mía đường đã hết thời kỳ ngọt ngào khi phải đối diện với việc nguồn cung trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ nội địa từ 200.000-300.000 tấn mỗi năm, đó là chưa kể khoảng 400.000 tấn đường nhập lậu và gian lận thương mại qua các cửa khẩu, luôn bán giá thấp hơn giá bán tại các nhà máy đường khoảng 500 đồng/kg, thậm chí có lúc thấp hơn 1.000 đồng/kg.
Vì thế, theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) có thời điểm lượng đường bán trên thị trường các tỉnh phía Nam chủ yếu là đường nhập lậu!
Máy thu hoạch mía giá 10 tỷ đồng, 1 ngày thu 8-9 ha, thay thế khoảng 500-600 lao động nhưng ở Việt Nam chỉ có 2 chiếc!
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Giám đốc Nhà máy đường NIVL Long An (Ấn Độ), lý do chính khiến cho giá thành 1 kg đường của Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực là do năng suất mía nguyên liệu chúng ta chỉ loanh quanh ở mức 60 tấn/ha, bằng khoảng 70% thế giới.
Hơn nữa luôn trong tình trạng không đủ nguyên liệu nên nhiều nhà máy đường chạy không bao giờ hết công suất, khấu hao máy móc cao, giá thành cao là hệ quả tất yếu.
Thế nên, theo một vị giám đốc nhà máy đường ở Tây Ninh, ông thật sự lo âu, bởi hiện có nhiều diện tích trồng mía ở địa phương đang bị sâu đục thân hoành hành và có hiện tượng lây lan ở nhiều trang trại trồng mía.
Nếu thời gian tới tình hình sâu bệnh không được cải thiện, chắc chắn vụ mía 2014-2015, nhiều hộ dân trồng mía sẽ giảm năng suất nghiêm trọng, lúc này nhà máy đường không chỉ thiếu nguyên liệu mà chất lượng đường cũng giảm theo.
Trong khi đó, tình hình giá đường trên thế giới lại không mấy sáng sủa. Giá đường tuần qua trên sàn giao dịch New York, Mỹ giảm gần 13 USD/tấn, về mức 390 USD/tấn, tương đương khoảng 8,2 triệu đồng/tấn, tức là giá đường giao dịch trên thị trường chỉ ở mức 8.200 đồng/kg.
Trong khi đó giá bán buôn đường kính trắng (đ/kg, có VAT) tại các nhà máy đường trong nước như ở miền Bắc là 12.400-12.528 đồng/kg; miền Trung- Tây Nguyên 12.343-12.833 đồng/kg; khu vực ĐBSCL 12.600-13.100 đồng/kg.
Đường lậu Thái Lan giá tuần đầu thứ 2 của tháng 9 ở biên giới Tây Nam là 11.800 đồng/kg; tại cửa khẩu Lao Bảo, Quảng Trị là 12.000 đồng/kg, tại TP.HCM là 12.100 đồng/kg, tương đương 3,2–3,4 nhân dân tệ/kg.
Tồn kho đường đến ngày 10/9/2014 tại các nhà máy đường là gần 331 ngàn tấn, tại các công ty thương mại thuộc hiệp hội là 15 ngàn tấn. |
Như vậy, giá đường trong nước đang cao gấp 1,5 lần so với giá đường thế giới. Vì thế, các nhà máy đường hiện đang đứng trước áp lực phải giảm giá bán xuống nữa nếu như không muốn số lượng đường tồn kho ngày càng lớn.
Đã thế sâu bệnh đang nóng trên vùng mía 20.000 ha ở Tây Ninh mà nói như ông Vương Quốc Thới, Giám đốc Sở NN-PTNT là tới đây tỉnh có khả năng phải công bố dịch.
Thế nên, việc giảm thêm giá bán đường trong lúc này của các nhà máy chẳng khác nào là "tự sát", bởi vì giá thành sản xuất đường trong vụ tới (chỉ khoảng 2 tháng nữa) chắc chắn không thể thấp hơn 13.000 đồng/kg, trong đó có một phần ảnh hưởng yếu tố sâu bệnh nói trên.
"Diện tích trồng mía chúng ta còn khá manh mún. Các yếu tố về KHKT và cơ giới hóa chưa được áp dụng nhiều vào quá trình sản xuất, gây lãng phí phân bón. Những năm qua, phong trào chạy theo “giống mới” cũng quá nhiều. Việc di chuyển giống từ nước ngoài về, từ vùng này sang vùng khác khiến công tác kiểm dịch không được kiểm soát tốt, nhiễm các loại sâu bệnh khó trị, bên cạnh đó có nhiều giống mía nhanh chóng bị thoái hóa. Ngoài ra, việc thu hoạch và vận chuyển thủ công, không đúng kỹ thuật nên khoảng 10-15% lượng đường đã bị thất thoát, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác chỉ có 1-2%".- (Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó Chủ tịch HĐQT Cty CP Đường Biên Hòa). |
Lúc này, các nhà máy đường chỉ còn một cửa thoát duy nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên thực tế cho thấy trong những năm qua, việc xuất khẩu đường qua thị trường này vốn rất không ổn định do thường xuyên bị cấm biên.
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện đường sản xuất trong nước và đường tạm nhập tái xuất xuất sang Trung Quốc vào khoảng 11.600 đ/kg.
Nhưng do phía Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ và giá cũng thấp, tiêu thụ khó khăn, một số doanh nghiệp thương mại hiện đang buộc phải bán tháo để giảm chi phí lưu kho.
Theo báo cáo của VSSA, tại phía Nam trong tuần từ 30/8-10/9, có thêm nhà máy đường Long Mỹ Phát bước vào vụ sản xuất 2014/2015.
Còn nhà máy đường Nước Trong ép được 7.231 tấn mía, sản xuất được 780 tấn đường, lũy kế đến nay ép được 61.042 tấn mía, sản xuất 6.401 tấn đường.
Trước khó khăn đang đè nặng ngành đường, mới đây VSSA lại tiếp tục có công văn kiến nghị với Bộ Tài chính cần áp mức thuế nhập khẩu đường 5% không thời hạn hoặc xem xét tăng thuế nhập khẩu (lên tối thiểu là 15%) nếu việc nhập khẩu mặt hàng đường (hoặc gạo) gây khó khăn cho trong nước.
Theo VSSA, đường là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá được nhà nước quản lý, đồng thời phần lớn các nước trên thế giới đều đưa đường vào diện “mặt hàng nhạy cảm” và được bảo hộ rất mạnh, nếu đường trong nước không được bảo hộ thì sẽ "thua" dài dài ngay trên sân nhà.