Ngày 30/8, tại tỉnh Gia Lai, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên, trong 7 tháng đầu năm 2023 tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhìn chung diễn biến không có điểm nóng, vụ việc phức tạp. Song số vụ việc được phát hiện xử lý ở một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các tỉnh Tây Nguyên có chiều hướng tăng, còn tiềm ẩn phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phục hồi phát triển kinh tế xã hội.
Trong 7 tháng đầu năm, các địa phương đã phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 6.400 vụ vi phạm, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, hơn 1.000 vụ vi phạm trong buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu, hơn 5.300 vụ về gian lận thương mại, gian lận thuế và 90 vụ liên quan đến hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tại đây, lực lượng chức năng đã khởi 201 tố vụ án hình sự, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 134 tỷ đồng.
Theo đánh giá, các đối tượng đã lợi dụng các tỉnh Tây Nguyên có tuyến biên giới với địa hình hiểm trở để khai thác, vận chuyển hoặc trà trộn hàng cấm, hàng lậu vào các mặt hàng nhu yếu phẩm.
Ở địa bàn nội địa, các đối tượng thông qua hoạt động khuyến mại, quảng cáo, giới thiệu sản phẩm hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, ứng dụng bán hàng trực tuyến, các trang mạng xã hội facebook, zalo, tiktok… để quảng cáo, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...
Ông Nguyễn Văn Chuyên, Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết, sản xuất hàng giả, hàng nhập lậu trong lĩnh vực nông nghiệp được xem là nhức nhối nhất tại các tỉnh Tây Nguyên. Vừa qua, Công an tỉnh đã khởi tổ 6 vụ án sản xuất cà phê bột giả, thu giữ 12,7 tấn. Điều đáng nói, các đối tượng sản xuất cà phê ở các nơi khác từ Đồng Nai, TP.HCM đưa về thủ phủ cà phê của các Tây Nguyên để tiêu thụ.
Lần đầu tiên Đắk Lắc đã khởi tố 1 vụ án liên quan đến hàng giả trong lĩnh vực cà phê. Khi kiểm tra hàm lượng cafein gần như không có, nhưng mùi rất thơm chẳng khác gì cà phê. Điều này nếu được đưa ra thị trường sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.
Mới nhất trong tháng 7/2023, Công an tỉnh Đắk Lắk còn bắt giữ 1 vụ buôn lậu thuốc bảo vệ thực vật với số lượng lớn. Đối tượng vận chuyển theo đường tiểu ngạch từ Campuchia về tỉnh Tây Ninh rồi vận chuyển sang Đắk Lắk. Qua đấu tranh, công an phát hiện, trong 6 tháng đầu năm các đối tượng đã vận chuyển hơn 10.000 thùng thuốc bảo vệ thực vật có các chất không được phép sử dụng, lưu hành. Trong đó, có hơn 5.000 thùng thuốc cỏ cháy, điều này rất nguy hại cho người tiêu dùng.
Cũng theo ông Chuyên, riêng lĩnh vực phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn Tây Nguyên đang ở mức báo động nhưng rất khó xử lý. Năm ngoái, Công an tỉnh cũng khởi tố hơn 200 tấn phân bón giả sản xuất tại tỉnh Đắk Lắk. Nhưng hiện nay, các đối tượng tinh vi hơn, sản xuất phân bón ở Đồng Nai, Bình Dương, Long An... rồi đưa về Tây Nguyên tiêu thụ. Như vậy, vô hình chung các đại lý, cửa hàng kinh doanh phân bón trên địa bàn bị vi phạm, mặc dù có xuất hóa đơn, được cung cấp mã lưu hành.
“Theo kinh nghiệm cá nhân, các sản phẩm phân bón cần phải được test lấy mẫu để đối chứng. Sau này, khi doanh nghiệp đưa ra thị trường, người sử dụng nếu chất lượng kém thì vẫn có truy xuất lại được để xử lý doanh nghiệp đó”, ông Chuyên chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Trãi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông cho biết, các hành vi vi phạm về hàng giả, kém chất lượng vẫn chủ yếu thuộc nhóm hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm... Theo đó, các đối tượng lợi dụng các chợ truyền thống, hộ kinh doanh... để trà trộn, bày bán. Tuy nhiên, các lực lượng chức năng rất khó để phân biệt hàng thật với hàng giả.
“Bộ NN-PTNT cần ban hành các chính sách, công cụ hỗ trợ phòng chống hàng giả, kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp. Chẳng hạn như sản xuất bộ test kiểm nghiệm đối với các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... trên cơ đó, lực lượng chức năng sẽ có hướng xử lý kịp thời”, ông Trãi chia sẻ.
Ông Trịnh Mạnh Cường, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết, nhìn chung tại các tỉnh Tây Nguyên, vấn nạn nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng… không có những đột biến lớn. Tuy nhiên, một số địa bàn trọng điểm vẫn còn diễn ra tình trạng mua bán, vận chuyển thuốc lá, phân bón, xăng dầu…
Trong những tháng cuối năm, tình trạng hàng nhập lậu hàng giả còn diễn biến phức tạp. Để thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong thời gian tới, các tỉnh Tây Nguyên cần triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia. Trong đó, cần nâng cao công tác hiệu quả công tác chống gian lận thương mại trong tình hình mới, chống buôn lậu đối với các mặt hàng thuốc lá, phân bón…
Bên cạnh đó, các tỉnh Tây Nguyên cũng cần chủ động chia sẻ thông tin về mục đích chung trong công tác chống buôn lậu, gian lận thượng mại, hàng giả… Đồng thời, rà soát những khó khăn vướng mắc để tham mưu nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thượng mại, hàng giả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.