Ngày 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 với bài thi môn Ngữ văn (thời gian làm bài 120 phút, hình thức tự luận) vào buổi sáng và bài thi môn Toán (thời gian làm bài 90 phút, hình thức trắc nghiệm) vào buổi chiều.
Trong sáng 28/6, trên mạng xã hội đã lan truyền hình ảnh đề thi chính thức môn Ngữ văn và được dư luận đặt nhiều nghi vấn về khả năng lộ đề thi. Thông tin về việc ảnh chụp đề thi môn Ngữ văn xuất hiện trên mạng vào khoảng 8h ngày 28/6, trong thời gian diễn ra bài thi, Thường trực Ban chỉ đạo cấp Quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vào cuộc xác minh. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Bộ GD-ĐT khẳng định thông tin trên không ảnh hưởng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 vì khả năng tương tác chỉ ở một thí sinh. Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa ghi nhận có thông tin giải đề hoặc hướng dẫn giải đề từ bên ngoài vào phòng thi.
Theo đó, Bộ GD-ĐT đề nghị các Hội đồng thi tiếp tục tăng cường phương án phòng ngừa thiết bị công nghệ cao để hạn chế tối đa việc có thể gian lận trong phòng thi, quản lý chặt chẽ đề thi theo quy định.
Chiều cùng ngày thi đầu tiên, trên mạng xã hội tiếp tục xuất hiện hình ảnh chụp một mã đề thi môn Toán được cho là gửi ra ngoài lúc 15 giờ 39 trong khi phải 16 giờ mới hết thời gian làm bài thi. Hình ảnh đề thi bị lộ ra là mã đề 113, từ câu 41 đến câu 45. Qua đối chiếu với mã đề 113 chính thức từ Bộ GD-ĐT, từ câu 41 đến 45 hoàn toàn trùng khớp với hình ảnh đề thi được cho là bị lộ.
Về nghi vấn lọt đề thi môn Toán, Ban Chỉ đạo đã nắm bắt thông tin và chuyển thông tin cho Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) vào cuộc xác minh làm rõ, xử lý theo quy định. Hiện thông tin này không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Theo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, thí sinh không được rời khỏi phòng thi trong suốt thời gian làm bài thi trắc nghiệm; đối với buổi thi môn tự luận, thí sinh có thể được ra khỏi phòng thi và khu vực thi sau khi hết 2/3 thời gian làm bài của buổi thi, phải nộp bài thi kèm theo đề thi, giấy nháp trước khi ra khỏi phòng thi.
Trong trường hợp cần thiết, chỉ được ra khỏi phòng thi khi được phép của cán bộ coi thi và phải chịu sự giám sát của cán bộ giám sát.
Việc ra khỏi phòng thi, khu vực thi của thí sinh trong trường hợp cần cấp cứu phải có sự giám sát của công an cho tới khi hết giờ làm bài của buổi thi và do trưởng điểm thi quyết định.
Cũng theo quy chế thi, thí sinh không được mang điện thoại di động, các loại máy ghi âm, ghi hình, dù chỉ có chức năng ghi thông tin, không thể nghe, xem hay truyền tín hiệu vào phòng thi.
Về thông tin “câu nghị luận văn học trong đề thi môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sử dụng ngữ liệu trùng với ngữ liệu đã được sử dụng trong đề thi thử tốt nghiệp của địa phương”, trước mắt, Ban Chỉ đạo nhận thấy, việc đề thi sử dụng cùng một ngữ liệu là hoàn toàn bình thường. Sự khác nhau là cùng ngữ liệu đó nhưng mỗi đề thi có yêu cầu cụ thể khác nhau (phân tích, đánh giá, bình luận, nhận xét…).
Theo Bộ GD-ĐT, thống kê sau 2 buổi thi đầu tiên, toàn quốc có 63 Hội đồng thi, gồm 2.272 điểm thi và 43.032 phòng thi. Số thí sinh đăng ký dự thi là 1.007.403, số thí sinh đến dự thi là 1.003.699, chiếm tỷ lệ 99.63%.
Trong buổi thi môn Toán, có 2 vi phạm quy chế thi, ít hơn so với số thí sinh vi phạm quy chế thi trong buổi thi môn Ngữ văn với 11 trường hợp bị phát hiện, xử lý.
Đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi bài thi Ngữ văn và bài thi Toán nằm trong chương trình THPT, bám sát chuẩn kiến thức kỹ năng có sự phân hóa phù hợp, đạt mục đích làm căn cứ xét công nhận tốt nghiệp phổ thông và cung cấp dữ liệu tin cậy để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo sử dụng trong tuyển sinh.
Ngày 29/6, thí sinh trên cả nước tiếp tục phần thi Ngoại ngữ và một trong hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với giáo dục phổ thông; hoặc Lịch sử, Địa lý với giáo dục thường xuyên).