Nắng nóng, đất khô nẻ, lúa quắt khô tại huyện Hưng Nguyên. |
Các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn và Nghi Lộc người dân chỉ còn biết kêu trời. Cả 3 huyện gần như 100% diện tích lúa được tưới bằng bơm điện nhưng hầu hết các trạm bơm đều phải ngừng hoạt động vì không có nước để bơm.
Ông Hoàng Đức Ân - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hưng Nguyên cho biết, toàn huyện gieo cấy được trên 4.500ha lúa, nguy cơ mất mùa vì hạn rất khó tránh khỏi. Toàn huyện có 92 trạm bơm điện, nay chỉ còn vài ba trạm có hoạt động phập phù, nguồn nước khi có khi không.
Đặc biệt một số xã ven sông Lam như: Hưng Lam, Hưng Phú, Hưng Châu, Hưng Lợi, Hưng Khánh, Hưng Xuân… nước mặn dâng ngược lên tận cầu Yên Xuân sâu vào trong đất liền 7 - 8km, các máy bơm phải ngừng hoạt động hơn 10 ngày nay và đã có hàng trăm ha lúa ở vùng này đất đã khô nẻ, lúa bắt đầu héo dần. Các xã không bị ảnh hưởng của nước mặn thì cũng không có nước để bơm. Hiện có hơn 2.000ha lúa toàn huyện nguy cơ chết khô.
Tại huyện Nghi Lộc còn nguy hại hơn và cũng là huyện gần 100% diện tích lúa được tưới nước bằng hệ thống bơm điện, nhưng Nghi Lộc lại là huyện cuối của hệ thống kênh dẫn nước từ bara Nam Đàn qua Hưng Nguyên rồi mới chảy ra Nghi Lộc.
Toàn huyện đã gieo cấy được 5.900ha lúa/7.200ha kế hoạch, số còn lại không thể gieo cấy được vì thiếu nước ngay từ sau khi gặt lúa xuân. Cả huyện có 65 trạm bơm điện, nay các trạm này đã ngừng hoạt động vì không có nước nữa. Số diện tích lúa gieo cấy được nói trên đã có gần 2.000ha đất bắt đầu khô nẻ, lúa có thể chết sau 5 - 7 ngày nữa, nếu trời không có mưa.
Cả huyện không có xã nào không bị hạn hán nghiêm trọng, trong đó nghiêm trọng nhất là các xã kề cận hạ nguồn sông Cấm như Nghi Thuận, Nghi Hưng, Nghi Hoa, Nghi Phương, Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Quang… Những vùng này nước mặn từ ngoài biển dâng lên, xâm nhập sâu vào đất liền 12km, các trạm bơm ở các xã nói trên phải ngừng hoạt động từ nhiều ngày nay và đã có 700ha lúa khô nẻ đất, cây lúa héo quắt đang chờ chết.
Cánh đồng khô khốc, người dân chỉ còn biết than trời! |
Trước tình hình hạn hán diễn biến ngày càng nghiêm trọng, ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Trước mắt huyện cho tiến hành ngay đắp bờ quai ngăn nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền tại cống qua đường N5 ở xã Nghi Thuận. Đồng thời huy động toàn bộ cán bộ công nhân cấp huyện phân công xuống từng làng, xã để cùng với cán bộ các làng, xã nạo vét kênh mương, tận thu triệt để các nguồn nước để bơm, tát giữ lấy độ ẩm cho lúa được ngày nào hay ngày đó.
Ngược lên huyện miền núi Tân Kỳ là huyện có tới 115 hồ đập lớn nhỏ với diện tích lúa hè thu đã được gieo cấy xong 4.700ha. Những tưởng hồ đập nhiều thì diện tích hạn cũng bớt đi, nhưng trong số 115 hồ đập đó có 70 hồ nước đã cạn đáy, số hồ còn lại nước đang tiến gần đến điểm chết. Tính đến thời điểm này toàn huyện đã có gần 1.000ha lúa đang kêu cứu vì đất đã khô nẻ, nguồn nước tưới không còn. Nước sinh hoạt cũng thiếu trầm trọng.
Theo Chi cục Thủy lợi Nghệ An, hiện tại mực nước ở các sông lớn xuống cạn kiệt, nước mặn lại dâng lên cao khiến việc lấy nước gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng bơm điện đã có nhiều trạm bơm phải ngừng hoạt động. Toàn tỉnh có 625 hồ đập lớn nhỏ, phần lớn đã khô cạn nước. Trong số đó có 96 hồ đập vừa và lớn do doanh nghiệp thủy nông quản lý, chỉ còn lại 4 hồ còn có nước nhiều như hồ Vực Mấu, hồ sông Sào…, số còn lại gần như đã khô cạn nước.
Nếu trong những ngày tới, gió Tây Nam (gió Lào) vẫn thổi mạnh, trời vẫn không có mưa lớn thì khả năng Nghệ An sẽ có 25.000 - 30.000ha lúa và hàng ngàn ha các loại cây trồng khác chết khô vì hạn nặng, hạn kéo dài.