| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân Lý Sơn kiên tâm bám biển

Thứ Sáu 09/05/2014 , 07:00 (GMT+7)

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc “mọc” trên ngư trường Hoàng Sa đã gây khó cho chuyện làm ăn của ngư dân Lý Sơn không ít, tuy nhiên ngư dân huyện đảo không hề nao núng, vẫn kiên tâm bám biển.

Vị trí Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ngay trên lãnh hải Việt Nam chỉ cách huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) chừng 120 hải lý, nơi đó cũng là ngư trường truyền thống của ngư dân huyện đảo này.

Giàn khoan HD 981 của Trung Quốc “mọc” trên ngư trường Hoàng Sa đã gây khó cho chuyện làm ăn của ngư dân Lý Sơn không ít, tuy nhiên ngư dân huyện đảo không hề nao núng, vẫn kiên tâm bám biển.

Từ đầu năm đến nay, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 96084 TS của anh Nguyễn Chí Thạnh (1984) ở đội 1, thôn Tây, xã An Hải (Lý Sơn - Quảng Ngãi) chỉ mới ra khơi được 2 chuyến.

Trong chuyến thứ 2 này, sau gần 1 tháng lênh đênh trên ngư trường Hoàng Sa, đánh bắt chẳng được bao nhiêu mà trên đường về còn bị tàu chiến của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan HD 981 rượt đuổi, phải chạy lòng vòng mãi mới vào được bờ làm hao tốn thêm nhiên liệu.

Theo lời kể của ngư dân Nguyễn Chí Thạnh, chuyến biển này tàu cá của anh với 2 chiếc tàu cá khác của ngư dân cùng địa phương thuộc tổ đội khai thác số 20 (Nghiệp đoàn nghề cá An Hải) trên đường từ ngư trường Hoàng Sa trở về, bất ngờ phát hiện nhiều tàu chiến của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan HD 981 đậu khắp vùng biển của Việt Nam, tuyến đường biển mà tàu thuyền ngư dân Lý Sơn thường xuyên qua lại mỗi khi từ khơi xa về bờ, hoặc mở chuyến biển mới.

“Nhìn vào máy định vị, tụi tui thấy vị trí tàu chiến của Trung Quốc đậu cách đảo Lý Sơn chỉ chừng 120 hải lý. Khi tàu của tụi tui chạy đến thì liền bị tàu chiến Trung Quốc rượt đuổi, không cho lại gần. Tụi tui phải cho tàu chạy vòng xa hơn mấy chục hải lý mới vào được bờ”, ngư dân Nguyễn Chí Thạnh cho biết.

Ngư dân Trần Văn Định, chủ tàu cá QNg 96291 TS, người cùng quê và ở cùng tổ đội khai thác với anh Thạnh bức xúc, cho biết thêm: “Giàn khoan phi pháp của Trung Quốc đặt ở vị trí án ngữ ngay hải trình từ đảo Lý Sơn ra ngư trường Hoàng Sa, ngư trường truyền thống của ngư dân huyện đảo.

Bây giờ, tàu cá chuyên đánh bắt tại ngư trường này muốn ra vào đều phải đi vòng. Đánh bắt đã được ít, nay phải tốn thêm nhiên liệu nên thu nhập của ngư dân giảm sút thấy rõ".

Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh minh chứng: “Chuyến biển vừa cập bờ, 15 thuyền viên trên tàu mỗi người chỉ được chia gần 4 triệu đồng. Đi gần cả tháng trời mới về, thu nhập chừng này không đủ để anh em trang trải cuộc sống gia đình”.

Tôi hỏi: “Giàn khoan HD 981 cùng với rất nhiều tàu chiến hiện đang án ngữ phi pháp ngay trên ngư trường đánh bắt truyền thống của ngư dân Lý Sơn, thực trạng này có làm ảnh hưởng đến tinh thần bám biển của ngư dân mình?”. Anh Thạnh nói mạnh: “Tụi tui sẽ ra khơi đánh bắt bình thường chứ có can chi đâu. Nghề của mình, biển của mình mình làm chứ”.

Chị Phạm Thị Bé (vợ ngư dân Nguyễn Chí Thạnh) cho biết, chiếc tàu cá QNg 96084 TS đã cùng anh Thạnh và 14 thuyền viên đã lại mở chuyến biển mới, ra khơi vào hôm 2/5 (mùng 4 tháng Tư âm lịch). Cùng với tàu của anh Thạnh, còn có nhiều tàu cá khác trong tổ đội khai thác đã
hồ hởi ra khơi.

Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lý Sơn, hiện nay trên địa bàn huyện đảo này có 426 tàu thuyền đánh bắt hải sản, tổng công suất 52.265CV với 3.112 lao động tham gia các nghề đánh bắt trên biển.

“Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng đánh bắt của ngư dân Lý Sơn đạt được 15.265 tấn cá, mực các loại; tăng hơn cùng kỳ năm trước trên 11%.

Hiện nay, 158 tàu cá chuyên làm nghề lặn tại ngư trường Hoàng Sa vẫn ra khơi đều đều; 40 đôi tàu hành nghề lưới vây rút chì cũng đã cải tiến phương thức khai thác, không còn đánh bắt gần bờ nữa mà đã ra hoạt động xa khơi, cách bờ hơn 60 hải lý để theo những luồng cá lớn”, ông Lê nói.

Chiều ngày 7/5, trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết: “Tinh thần của ngư dân Lý Sơn rất vững vàng, không hề nao núng trước biến động nào với quyết tâm bám biển để vừa làm ăn, vừa tham gia bảo vệ vùng biển quê hương.

Tuy nhiên, trước sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan phi pháp, xâm phạm vùng biển của Việt Nam, án ngữ hải trình của ngư dân ra vào ngư trường Hoàng Sa; thời gian vừa qua chúng tôi giao cho Bộ đội Biên phòng cùng các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, động viên tinh thần của ngư dân yên tâm bám biển.

Đồng thời, trong quá trình đánh bắt, nếu thấy có hiện tượng gì khác thường ngư dân phải báo khẩn cấp về chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng gần nhất để kịp thời xử lý”.

Xem thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự nhiều hội nghị cấp cao tại Trung Quốc

Sáng 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao đã tới thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, bắt đầu chuyến công tác dự nhiều hội nghị cấp cao.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.