| Hotline: 0983.970.780

Người dân ngăn cản thi công cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Thứ Ba 07/08/2012 , 09:51 (GMT+7)

Thấy người dân xã kế bên nhận gần 240 triệu đồng một sào ruộng phục vụ cao tốc, còn mình chỉ nhận được hơn 40 triệu đồng, cả trăm người dân thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã dựng lều bạt ngay trên công trường để phản đối.

Thấy người dân xã kế bên nhận gần 240 triệu đồng một sào ruộng phục vụ cao tốc, còn mình chỉ nhận được hơn 40 triệu đồng, cả trăm người dân thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) đã dựng lều bạt ngay trên công trường để phản đối.

Sáng 6/8, nhiều ngày sau khi dự án cao tốc này được phát lệnh thi công, gần 100 người dân thôn Khả Do (xã Nam Viêm) và thôn Đại Lợi, Tân Lợi (xã Tiền Châu) ra công trường dựng lều lán để ngăn cản, trong khi các máy xúc, ủi dù phải nằm "án binh bất động".

Một số người dân cho biết, họ không đồng tình giao đất vì mức đền bù quá thấp so với người dân xã kế bên là Tân Dân (Sóc Sơn, Hà Nội) và đòi hỏi phải được mức đền bù tương tự. Cụ thể, mức bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân là 43,5 triệu đồng một sào, trong khi người dân xã Tân Dân nhận 236 triệu đồng một sào.


Người dân dựng lều bạt trên khu vực thi công dự án cao tốc

UBND thị xã Phúc Yên cho hay, từ tháng 10/2008, đã ra quyết định thu hồi đất của các gia đình nằm trong diện giải tỏa. Một tháng sau, Ban Quản lý dự án công trình giao thông 2 (đại diện chủ đầu tư), Hội đồng bồi thường Phúc Yên và UBND xã Nam Viêm đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, với mức 43,5 triệu đồng một sào.

Sau khi 100% hộ dân nhận đủ tiền bồi thường và ký cam kết bàn giao mặt bằng, tháng 4/2009, UBND thị xã Phúc Yên bàn giao mặt bằng cho Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Trong hai năm sau, đơn vị thi công đã hoàn thành việc san ủi đất hữu cơ, đắp đất nền.

Tuy nhiên, tháng 5/2011, hàng chục người dân xã Nam Viêm tập trung tại UBND xã đề nghị xem xét hỗ trợ giá đền bù giải phóng mặt bằng tương đương mức người dân xã Tân Dân kế bên được nhận là 236 triệu đồng một sào, cũng với mục đích giải tỏa phục vụ dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Các hộ dân cũng có đơn gửi lên UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Văn bản trả lời của UBND tỉnh nêu rõ, việc thu hồi đất và giải phóng mặt bằng dự án đã được thực hiện xong trong năm 2008, đảm bảo đúng quy định của pháp luật và chính sách của tỉnh tại thời điểm đó. Các hộ dân đã nhận tiền bồi thường và hỗ trợ đất dịch vụ, không có thắc mắc khiếu kiện gì và nay các hộ lại có đơn xin hỗ trợ thêm nên không có căn cứ pháp luật để giải quyết.


Xe lu, máy ủi dù được điều đến hiện trường phải nằm chờ

Không đồng tình với cách trả lời này, nhiều hộ dân xã Nam Viêm ngăn không cho đơn vị thi công làm việc. Ngày 30/12/2011, khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức hội nghị đối thoại tại trụ sở UBND xã Nam Viêm cùng đại diện Phòng tiếp dân Trung ương, Ban Dân nguyện Quốc hội, Thanh tra Chính phủ. Kết thúc hội nghị, do chưa đạt được sự đồng thuận, một số người dân đã ngăn cản các thành viên trong đoàn đối thoại, giữ 3 xe công vụ.

Tháng 3/2012, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã bảo vệ thi công dự án trong 3 ngày và giao cho UBND thị xã Phúc Yên tiếp tục bảo vệ thi công 3 ngày nữa. Nhưng sau đó, một số hộ dân lại tiếp tục ra ngăn cản việc. Do tính cấp bách và tầm quan trọng của dự án, UBND thị xã phải tiếp tục lên phương án bảo vệ thi công.

Ông Khổng Sơn Trường, Bí thư thị ủy Phúc Yên cho biết, sẽ kiên trì thuyết phục, vận động người dân để đạt được sự đồng thuận. "Còn nếu thuyết phục, vận động không có kết quả, chúng tôi sẽ sử dụng hoàn toàn lực lượng dân sự để bảo vệ thi công. Chỉ trong trường hợp xấu nhất, nếu có xảy ra chống đối, chúng tôi mới cho lực lượng công an vào can thiệp", Bí thư Trường nói.

Dự án đường cao tốc đi qua 3 xã, phường của thị xã Phúc Yên, với tổng diện tích đất bị thu hồi là hơn 283.000 m2, trong đó đất nông nghiệp gần 244.000 m2, đất phi nông nghiệp gần 36.000 m2, đất chưa sử dụng hơn 3.800 m2.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 244 km, là một trong những tuyến cao tốc lớn nhất hiện nay, có tổng đầu tư gần 20.000 tỷ đồng, sử dụng vốn ODA do Tổng công ty Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư. Điểm đầu là nút giao thông giữa quốc lộ 2 và đường Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) và điểm cuối là xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai).

Phần lớn đường cao tốc sẽ đi ven theo bờ sông Hồng, qua 5 tỉnh thành phố là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai, nối với đường cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu của Trung Quốc và là một hợp phần trong dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo thiết kế, đoạn Hà Nội - Yên Bái có 4 làn xe đạt vận tốc thiết kế tối thiểu 100 km/h; đoạn Yên Bái - Lào Cai có 2 làn xe và vận tốc tối thiểu 80 km/h.

(Theo VnExpress)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.