| Hotline: 0983.970.780

Người làm cho đất, nước điều hoà với nhau để phục vụ nhân dân

Thứ Năm 30/06/2022 , 06:27 (GMT+7)

Hôm nay (30/6), người dân xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) tổ chức lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn.

Hồi ức của người cháu

Anh Hà Kế Toán - cháu nội ông Hà Kế Tấn bồi hồi: “Tháng 11 năm 2020 ông tôi được đặt tên cho một con phố ở Hà Nội. Dù trước đó, năm 2017 tôi làm đơn đề nghị HĐND TP Hà Nội đặt tên đường cho ông, xã Đường Lâm rồi Thị xã Sơn Tây cùng Bộ NN-PTNT, Hội Cựu chiến binh cũng làm đơn đề nghị nhưng khi nghe được tin này tôi vẫn chảy nước mắt vì phấn khởi. Tôi thấy công lao của ông mình đã được ghi nhận một cách xứng đáng.

Thời học sinh, lúc nghỉ hè tôi hay ở với ông. Ông thường dậy lúc 5h, viết cái gì đó hoặc đọc cái gì đó, 5h30 tập thể dục, ăn sáng rồi đi làm. Ngày nghỉ, ông chơi với cháu một chút rồi lại viết sách. Con cháu ai học đến đâu thì học, ai phấn đấu đến đâu thì phấn đấu, ông không hướng nghiệp cũng như xin việc cho bất kỳ ai cả, không ai theo nghiệp thủy lợi của ông. Ngay cả tôi đi công an vào Nam rồi chuẩn bị sang Campuchia - hồi đó đang chiến tranh mà ông cũng chẳng can ngăn gì mà chỉ bảo: “Hồi xưa các ông đi hoạt động mười phần thì chín phần chết cũng chẳng có ai đỡ cho cả. Cháu bây giờ đi phải phấn đấu, rèn luyện”…

Bộ trưởng Hà Kế Tấn cùng lao động với công nhân trên công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Bộ trưởng Hà Kế Tấn cùng lao động với công nhân trên công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Ông có những tiên đoán mà về sau tôi thấy đúng 100%. Tiên đoán thứ nhất, ngày 21/5/1998 ông gọi tôi xuống, bảo: “Năm nay ông 87 tuổi, sức khỏe yếu nên không biết sống chết thế nào. Ông định nói với bố cháu nhưng lúc ông “đi” là lúc bố cháu sẽ vào cấp cứu trong bệnh viện, không lo được cho ông đâu. Ông dặn cháu là khi ông chết, cháu không được khóc mà cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng lo liệu, chôn cất ở Nghĩa trang Mai Dịch để ông gần các đồng chí. Chôn cất xong cháu rước ảnh ông về quê để ông được gần bố mẹ, các anh chị và vợ ông. Cháu chịu trách nhiệm đèn nhang cho ông, cháu có làm được không?”. Tôi trả lời: “Thưa ông, cháu làm được ạ”. Ông bảo: “Tốt, cứ thế mà làm”.

Sau đó ông còn bảo tôi rằng muốn có một cái nhà tưởng niệm để lưu giữ tài liệu nhưng không có tiền để cho cháu đâu. Tôi bảo: “Cháu sẽ cố gắng”. Ông dặn tiếp trong tư liệu của ông viết, cái gì cần công bố thì công bố, những cái gì không cần công bố thì tuyệt đối không vì nó còn liên quan đến uy tín của Đảng và đến danh dự một số lãnh đạo cao cấp. Ngày 27/8/1998, được tin ông sắp mất, tôi chở bố tôi xuống thăm, lúc về bố tôi bị đau bụng và phải đi cấp cứu đúng như lời tiên đoán 3 tháng trước.  

Bộ trưởng Hà Kế Tấn (đeo kính đen) thăm dò khảo sát địa chất cho công trình thủy điện Hòa Bình năm 1973. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Bộ trưởng Hà Kế Tấn (đeo kính đen) thăm dò khảo sát địa chất cho công trình thủy điện Hòa Bình năm 1973. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Tiên đoán thứ hai, năm 1965, Hà Lan hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam 60 tàu cuốc (tàu hút bùn) rất lớn. Bộ Chính trị giao cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng lại giao cho Bộ Nông nghiệp nhưng Bộ bảo không phù hợp; giao cho Bộ Lâm nghiệp thì Bộ này cũng nói là không phù hợp; giao cho Bộ Thủy sản thì Bộ này cũng không nhận. Ông tôi lúc đó là Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đã đứng lên nhận, và các tàu cuốc được đưa về Yên Viên, Gia Lâm, Hà Nội.

Qua năm tháng, chúng không được sử dụng, nhiều người đã chỉ trích ông nhưng ông tôi nói rằng: “Người ta cho thì mình nhận, không phải mất tiền gì. Miền Bắc không dùng nhưng miền Nam khi giải phóng các tàu này sẽ rất có tác dụng cho việc cải tạo đồng bằng sông Cửu Long”.

Năm 1976, Đại hội Đảng toàn quốc đã ra chủ trương cải tạo đồng bằng sông Cửu Long, năm 1978 thì chở 60 tàu cuốc vào. Đồng bằng sông Cửu Long bây giờ trở thành vựa lúa của quốc gia là nhờ cái gì? Chính là nhờ những tàu cuốc đó đi trên sông lạch, hút bùn, khai thông luồng lạch, đưa nước ngọt vào thì mới cấy lúa được, đúng như lời tiên đoán được ông tôi đưa ra 13 năm trước.

Ông tôi để lại rất nhiều tài liệu viết tay mà càng nghiên cứu thì tôi càng thấy sự đạo đức, bao dung, trí tuệ lớn và nhiều tiên lượng đúng. Như ngay từ năm 1968 ông tôi đã đặt ra câu hỏi rằng nếu Trung Quốc và Lào ngăn sông, xây đập thủy điện, không có nước ngọt thì đồng bằng sông Cửu Long bị nước mặn xâm lấn phải làm thế nào…

Bộ trưởng Hà Kế Tấn khảo sát để chuẩn bị cho công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Bộ trưởng Hà Kế Tấn khảo sát để chuẩn bị cho công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Năm 1998 ông tôi mất, năm 2000 tôi có làm đơn lên Bộ NN-PTNT ngỏ ý muốn xây một cái nhà tưởng niệm, được Bộ trưởng Lê Huy Ngọ cấp 10 triệu, được Nhà máy Thủy điện sông Đà cấp 2 triệu, tôi mới đem gửi ngân hàng. Đến năm 2011 tôi rút ra được cả gốc lẫn lãi là 16,5 triệu để xây nhà tưởng niệm, bà con đóng góp người 1.000 gạch, người 1 tạ xi măng nên mới hoàn thành được công trình rộng khoảng 20m2 ngay ở nơi sinh ra, lớn lên của ông tôi, xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Có dịp, một đoàn khách ở TP Hồ Chí Minh ra làm lễ tri ân, họ bảo nếu không có đường điện 500 kv vào thì miền Nam mỗi tuần phải mất điện 5 ngày, chúng tôi rất biết ơn cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn người phụ trách  thủy điện Hòa Bình. Làm lễ xong, ngồi uống nước, đoàn khách mới bảo: “Ai chứ cố Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi đặc trách công trình thủy điện Hòa Bình mà nhà thờ chỉ nhỏ như cái chuồng chim bồ câu ấy. Nhẽ ra phải là 5 gian nhà gỗ lim cổ chứ? Có gì chúng tôi sẽ đóng góp thêm”. Tôi mới trả lời: “Cảm ơn bác nhưng gia đình chúng tôi không nhận”.

Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa

Ông Hà Quang - Chánh Văn phòng Hội Thủy lợi Việt Nam kể: “…Vào sáng ngày 27/8 năm 1958, sau khi mọi công việc chuẩn bị kỹ thuật đã hoàn tất, Thường trực Chính phủ họp dưới sự chủ trì của Bác Hồ để bàn kế hoạch khởi công xây dựng khu đầu mối công trình Bắc Hưng Hải. Cuộc họp được bàn xét rất cụ thể về tổ chức thi công, lao động, vật tư, tài chính nhưng chưa biết chọn ai làm chỉ huy trưởng công trường… Sau cuộc họp này, chính Bác là người chọn ông Hà Kế Tấn làm chỉ huy trưởng công trình đặc biệt đó.

Bộ trưởng Hà Kế Tấn khảo sát địa chất để xây dựng thủy điện Hòa Bình năm 1973. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Bộ trưởng Hà Kế Tấn khảo sát địa chất để xây dựng thủy điện Hòa Bình năm 1973. Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Nhận nhiệm vụ, ông băn khoăn lắm, mạnh dạn báo cáo với Bác: “Thưa Bác, cháu cầm súng, làm chính trị đã quen, nhưng thực sự không hiểu gì về thuỷ lợi, bỡ ngỡ vô cùng…”. Lúc đó, Bác cười, động viên: “Chú cứ làm khắc biết, biết đánh giặc thì biết làm thuỷ lợi”. Đáp lại niềm tin của Bác, ông dồn hết tâm huyết, sức lực cho việc chỉ huy, tổ chức xây dựng công trình. Bộn bề công việc, khó khăn chất chồng ở một công trường lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao như Bắc Hưng Hải, những ngày đầu ông lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Trong hồi ký, ông cũng thừa nhận: “Gần mười năm chinh chiến, trận mạc, nhiều lúc cũng lo lắng về trách nhiệm. Nhưng trước một sự nghiệp vĩ đại như xây dựng công trình Bắc Hưng Hải này, lại được Bác giao, tôi mất ăn, mất ngủ, lo lắng không hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chỉ huy trưởng một đại công trường thuỷ lợi hàng mấy vạn người, nhưng lúc mới bắt đầu tôi có biết đâu là “ta luy”, là “góc nghỉ”, “góc trượt”của đất, đâu là ứng suất bê tông…”.

Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn (1912 - 1998). Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn (1912 - 1998). Ảnh: Gia đình nhân vật cung cấp.

Quả là khó, vô cùng khó. Thế mà ông Hà Kế Tấn không một ngày ngồi học dưới mái trường thuỷ lợi, lại có thể chỉ huy cả một đại công trường thuỷ lợi thành công, ghi dấu ấn để đời cho con cháu mai sau. Thì ra, theo nhiều bậc lão thành cùng làm việc trên công trường Bắc Hưng Hải hồi đó, ông là một hình mẫu về sự khiêm tốn, giản dị, ham học hỏi. Ông tranh thủ học ngay các kỹ sư giúp việc cho mình, học ngay trên đường ra công trường hay trong giờ nghỉ giữa buổi giao ban. Nhiều đêm, trên lán công trường đầu mối Xuân Quan, một mình ông thắp đèn dầu học tới 2-3h sáng. Trong những cuộc họp bàn về giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, ông rất chịu khó lắng nghe ý kiến của các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia để tích luỹ thêm kiến thức chuyên môn cho mình và đưa ra những quyết định đúng, kịp thời…

Bất kể ngày nắng, hôm mưa, ông thường có mặt ở ngoài hiện trường trực tiếp chỉ đạo thi công và động viên cán bộ, dân công. Ông rất thương người lao động và có cách “dưỡng quân” để làm việc rất hiệu quả. Khi biết dân công, bộ đội gánh đất một lúc 4 sọt, có người gánh 6 sọt một lần (theo chỉ tiêu chỉ 2 sọt), ông hạ lệnh cấm gánh 6 sọt, riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt. Quyết định tưởng như nhỏ ấy nhưng lại có tác dụng lớn, động viên được người lao động làm việc lâu dài, góp phần hoàn thành công việc vượt tiến độ…

Mười năm làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi (1963 - 1973), trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, tàn khốc của cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ, ông đã chỉ huy vừa xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa phát triển vững chắc lực lượng cán bộ khoa học làm công tác thuỷ lợi cho mai sau.

Có thể nói, ông là một trong những người có công đầu trong việc chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch trị thuỷ và khai thác hệ thống sông Hồng; kiến tạo nên bộ máy thuỷ lợi Việt Nam và đưa công tác thuỷ lợi vào nề nếp, đồng bộ, từ khảo sát quy hoạch, đánh giá nguồn nước đến xây dựng và khai thác, quản lý công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, phòng tránh thiên tai…

Thấm nhuần tư tưởng chỉ đạo của Bác Hồ về công tác thuỷ lợi là: “Làm cho đất với nước điều hoà với nhau để nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng chủ nghĩa xã hội”, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn là người đề xuất phương châm “3 kết hợp” và phương châm “4 tại chỗ” trong thuỷ lợi và phòng chống lụt bão.

Ông Hà Kế Tấn sinh ngày 30/6/1912 tại xã Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Ông làm Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban trị thuỷ và khai thác sông Hồng (1963-1973), Bộ trưởng đặc trách việc khởi công công trình thuỷ điện Hòa Bình trên sông Đà (6/1973-5/1978). Năm 1998, ông mất tại Hà Nội.

Xem thêm
Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.