| Hotline: 0983.970.780

Cố Bộ trưởng Bộ Thủy lợi Hà Kế Tấn

Người đặt nền móng chiến lược

Thứ Năm 27/08/2020 , 09:15 (GMT+7)

Đối với ngành Thủy lợi, ông Hà Kế Tấn là một trong sáu vị Bộ trưởng có nhiều đóng góp quan trọng, hết sức quý báu, được lịch sử ghi nhận.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Hà Kế Tấn (bên phải) bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Ảnh: Tư liệu.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Bộ trưởng Hà Kế Tấn (bên phải) bổ nhát cuốc đầu tiên khởi công công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Ảnh: Tư liệu.

Cố Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi Hà Kế Tấn (1912 - 1998) sinh tại làng cổ Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Ông được giác ngộ cách mạng từ sớm, năm 24 tuổi đã tham gia phong trào Đông Dương Đại hội tại Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam năm ông tròn 25 tuổi. Từ đó, chàng trai trẻ xứ Đoài luôn đi tiên phong trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của đất nước.

Ông đã từng giữ các chức vụ quan trọng: Trưởng Ban công vận Xứ ủy Bắc kỳ, Xứ ủy viên phụ trách giành chính quyền Nam Định, Hà Nam (1945); Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nam Ninh (1947); Tư lệnh liên Quân khu 3 (1951); Tư lệnh kiêm Chính ủy Đại đoàn 350 làm nhiệm vụ tiếp quản và bảo vệ Thủ đô.

Ông cũng đã từng là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá III, IV, là Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII… Được Đảng và nhân dân giao nhiều trọng trách, dù ở cương vị công tác nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ... Ghi nhận công lao đóng góp to lớn của cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

“Tướng” tài và “lính chiến" Bắc - Hưng - Hải năm xưa

Bây giờ, mỗi khi nhớ về “huyền thoại" Bắc - Hưng - Hải, nói đến cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn,  tôi vẫn luôn nghĩ về ông như vậy. Đối với ngành Thủy lợi, ông là một trong sáu vị Bộ trưởng có nhiều đóng góp quan trọng, hết sức quý báu, được lịch sử ghi nhận.

Khởi đầu cho công cuộc “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, làm tư lệnh một ngành hết sức quan trọng là thủy lợi, cái tên Hà Kế Tấn đã gắn với “con rồng vàng châu thổ” là công trình đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải.

Còn nhớ, vào sáng 27/8/1958, sau khi mọi công việc chuẩn bị kỹ thuật đã hoàn tất, Thường trực Chính phủ đã họp dưới sự chủ trì của Bác Hồ để bàn kế hoạch khởi công xây dựng khu đầu mối công trình Bắc – Hưng - Hải.

Cuộc họp bàn xét rất cụ thể, chi tiết về tổ chức thi công, lao động, vật tư, tài chính… nhưng chưa biết chọn ai làm chỉ huy trưởng công trường. Lúc đó, Bác nêu ra tiêu chí: Chỉ huy trưởng công trường phải là người nhiệt tình, thông minh, sâu sát, quyết đoán, đặc biệt phải có óc tổ chức, động viên, tập hợp được trí tuệ của tập thể…

Sau cuộc họp này, chính Bác là người chọn ông Hà Kế Tấn làm Chỉ huy trưởng công trình đặc biệt đó. Nhận nhiệm vụ Chỉ huy trưởng công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, ông băn khoăn lắm, nhưng nỗi băn khoăn duy nhất chỉ là về chuyên môn.

Ông đã mạnh dạn báo cáo với Bác Hồ: “Thưa Bác, cháu cầm súng, làm chính trị đã quen, nhưng thực sự không hiểu gì về thủy lợi, bỡ ngỡ vô cùng…”. Bác cười hiền hậu, động viên: “Chú cứ làm khắc biết, biết đánh giặc thì biết làm thủy lợi”.

Trong hồi ký, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn nhớ lại: “Gần mười năm chinh chiến, trận mạc, nhiều lúc cũng lo lắng về trách nhiệm. Nhưng trước một sự nghiệp vĩ đại như xây dựng công trình Bắc - Hưng - Hải này, lại được Bác giao, tôi mất ăn, mất ngủ, lo lắng không hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Chỉ huy trưởng một đại công trường thủy lợi hàng mấy vạn người, nhưng lúc mới bắt đầu tôi có biết đâu là “ta luy”, là “góc nghỉ”, “góc trượt” của đất, đâu là ứng suất bê tông…”.

Quả là khó, vô cùng khó. Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi mình: Mình là kỹ sư thủy lợi, được ăn học đàng hoàng, bao năm đèn sách, cày xới với chuyên môn mà công việc đôi khi còn lúng túng.

Thế mà ông Hà Kế Tấn không một ngày ngồi học dưới mái trường thủy lợi, lại có thể chỉ huy cả một đại công trường thành công, ghi dấu ấn để đời cho con cháu mai sau!

Thì ra, theo nhiều bậc lão thành cùng làm việc với ông trên công trường Bắc - Hưng - Hải hồi đó cho biết, ông là một hình mẫu về sự khiêm tốn, giản dị,  ham học hỏi. Ông tranh thủ học ngay các kỹ sư giúp việc cho mình, học ngay trên đường ra công trường hay trong giờ nghỉ giữa buổi giao ban.

Nhiều đêm, trên lán công trường đầu mối Xuân Quan, một mình ông thắp đèn dầu học tới 2 - 3 giờ sáng. Trong những cuộc họp bàn về giải pháp kỹ thuật, biện pháp tổ chức thi công, ông rất chịu khó lắng nghe ý kiến của các cán bộ kỹ thuật, chuyên gia trong và ngoài ngành để tích lũy thêm kiến thức chuyên môn và đưa ra những quyết định đúng, kịp thời đáp ứng yêu cầu.

Nhắc đến đại công trình thủy lợi Bắc - Hưng - Hải, đến nay ai cũng vẫn nhớ kỳ tích: Chỉ 3 tháng, sau ngày khởi công (ngày 1/10/1958 ), nước từ sông Hồng đã được mở vào đồng, kịp làm vụ chiêm năm 1958; sau 7 tháng thi công, cụm công trình đầu mối cống Xuân Quan đã hoàn thành, với khối lượng công trình khổng lồ: Xây đúc 7.500m3 bê tông, xây lát đá 226.000m3, đào đắp gần 3 triệu m3 đất…

Vừa là “tướng” vừa là “thợ”, Hà Kế Tấn là người “chuyên” làm việc mới, việc khó. Mỗi khi nhắc đến ông, nguyên Thứ trưởng  Bộ Thủy lợi Đinh Gia Khánh lại nói tới điều đó với lòng cảm phục của một cộng sự thân thiết.

Còn tôi, dẫu không được làm việc trực tiếp với ông nhưng mỗi khi trở lại thăm công trình hoặc nghe các đồng chí lãnh đạo cũ của ngành Thủy lợi kể về Bắc - Hưng - Hải, tôi lại càng ngưỡng mộ vị Bộ trưởng có tài về tổ chức, tập hợp lực lượng, luôn “xung trận”, đi tiên phong trong những công việc đầy khó khăn phức tạp.

Nhiều người kể lại rằng, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn làm việc rất nguyên tắc nhưng thường không ra lệnh hoặc lên lớp cán bộ cấp dưới. Khi gặp việc khó, việc quá phức tạp, ông thường tự làm thử hoặc tập hợp một số người giỏi, nhiệt huyết làm trước để rút kinh nghiệm cho mọi người làm theo.

Trên công trường Bắc - Hưng - Hải ngày ấy, cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn luôn là người mang phong cách của vị tướng giỏi cầm quân và tác phong của người thợ đêm ngày lăn lộn với thực tế.

Bất kể ngày nắng, hôm mưa, ông thường có mặt ở ngoài hiện trường trực tiếp chỉ đạo thi công và động viên cán bộ, dân công. Ông rất thương người lao động và có cách “dưỡng quân” để làm việc rất hiệu quả.

Khi biết dân công, bộ đội gánh đất một lúc 4 sọt, có người gánh 6 sọt một lần (theo chỉ tiêu chỉ 2 sọt), ông hạ lệnh cấm gánh 6 sọt, riêng phụ nữ chỉ được gánh 2 sọt. Quyết định tưởng như nhỏ ấy nhưng lại có tác dụng lớn, động viên được người lao động làm việc lâu dài, góp phần hoàn thành công việc vượt tiến độ…

Đặt nền móng chiến lược ngành

Khoảng giữa năm 1959, khi công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải cơ bản hoàn thành hạng mục đầu mối cống Xuân Quan, ông Hà Kế Tấn được giao nhiệm vụ Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đặc trách công tác nghiên cứu trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng.

Việc nghiên cứu quy hoạch trị thủy và khai thác lợi dụng tổng hợp hệ thống sông Hồng là một vấn đề mang ý nghĩa rất lớn về kỹ thuật và kinh tế, là công trình nghiên cứu khoa học đặc biệt quan trọng lần đầu tiên được thực hiện ở nước ta.

Với tư tưởng chỉ đạo là khắc phục dần tình trạng bị động trong phòng chống thiên tai, khai thác nguồn nước bằng các công trình đơn lẻ... chuyển sang chủ động trị thủy và khai thác thủy lợi từng hệ thống lưu vực sông, nhằm phục vụ có hiệu quả, bền vững sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, ông đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, khảo sát, đưa ra nhiều phương án tối ưu.

Để thực hiện những công việc mang nặng tính khoa học, công nghệ, ông đặc biệt chú trọng đến việc tìm kiếm nhân tài, phát triển vững chắc lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật cho trước mắt và hướng tới chiến lược lâu dài...

Cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn là người đề xuất phương châm “3 kết hợp” và “4 tại chỗ” trong thủy lợi và phòng chống lụt bão. Những phương châm “vàng” ấy của ông đề ra đã được ngành Thủy lợi thực hiện nhuần nhuyễn, rộng khắp, đem lại hiệu quả thiết thực trong nhiều thập kỷ qua và còn nguyên giá trị trong công cuộc trị thủy, chinh phục thiên nhiên hôm nay...

Mười năm làm Bộ trưởng Bộ Thủy lợi (1963 - 1973 ), cố Bộ trưởng Hà Kế Tấn đã chỉ huy vừa xây dựng các công trình thủy lợi vừa phát triển vững chắc lực lượng cán bộ khoa học, kỹ thuật. Có thể nói, ông là một trong những người có công đầu trong việc chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch trị thủy và khai thác hệ thống sông Hồng; kiến tạo nên bộ máy ngành trong suốt thập kỷ 60 của thế kỷ trước và đưa công tác thủy lợi nước ta vào nề nếp, đồng bộ, từ khảo sát quy hoạch, đánh giá nguồn nước đến xây dựng và khai thác, quản lý công trình thủy lợi, thủy điện, phòng tránh thiên tai...

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Tìm thấy thi thể 2 nạn nhân vụ xe chở rác lao xuống sông

THỪA THIÊN - HUẾ Thi thể 2 nạn nhân trong vụ xe rác bất ngờ lao xuống sông Hữu Trạch khi di chuyển qua cầu treo Bình Thành đã được tìm thấy vào sáng nay (23/11).

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.