| Hotline: 0983.970.780

Người Việt tử tế và sự lan tỏa năng lượng sống tích cực

Thứ Hai 07/09/2020 , 15:18 (GMT+7)

Chúng ta đang ở giữa những nghi kỵ trong ứng xử, nên chúng ta hào hứng với một điều rất đỗi bình thường, đó là việc giúp đỡ người khó khăn.

Đã từng có nhiều cá nhân tự mua sắm xe cứu thương để phục vụ miễn phí cho người nghèo gặp khó khăn trong quá trình khám chữa bệnh.

Thế nhưng, khi ông Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch UBND Quận 1, TP.HCM) xuất hiện với xe cứu thương do ông tự cầm lái, thì dư luận thực sự dậy sóng. Câu chuyện về hành động của ông Đoàn Ngọc Hải được bàn tán xôn xao khắp mọi diễn đàn.

Từ trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải, quan niệm về sự tử tế của người Việt hiện nay như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Ngô Nguyệt Hữu - một nhân vật có Facebook trong top “ngàn like” được xếp vào danh sách KOLs những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội tại nước ta.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu.

Nhà báo Ngô Nguyệt Hữu.

- Thưa nhà báo Ngô Nguyệt Hữu! Có một sự kiện đang rất được nhiều người quan tâm: cựu Phó Chủ tịch UBND Quận 1 - Đoàn Ngọc Hải góp mặt vào công tác thiện nguyện cho ngành y tế. Cụ thể, ông Đoàn Ngọc Hải đã mua một chiếc xe trị giá 700 triệu đồng và chuyển đổi công năng giống như xe cứu thương.

Chiếc xe ghi rõ “Xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí” và ông Đoàn Ngọc Hải tuyên bố “Đích thân tôi lái xe cứu thương đưa bệnh nhân nghèo về quê miễn phí, kể cả từ Hà Nội vào TP.HCM hoặc từ TP.HCM ra Hà Nội, miền Trung, miền Tây và Tây Bắc.

Trên đường về quê, tôi sẽ lo cơm và phòng nghỉ cho bà con nghèo, khi nào bà con cứ thấy xe cứu thương của tôi biển số 51B - 507.44 thì bà con cứ ra gặp và tôi sẽ phục vụ ngay lập tức… Trên xe, tôi cũng có trang bị đủ tiêu chuẩn để có thể chở bệnh nhân qua đời, cùng thân nhân họ về quê miễn phí”. Là một người quan tâm đến truyền thông cộng đồng, anh đón nhận như thế nào?

Tôi thấy bình thường. Nhiều năm qua tôi đã chứng kiến rất nhiều người dân, doanh nghiệp làm công tác xã hội và bây giờ tôi đón nhận thông tin một quan chức cấp quận về hưu cũng làm thiện nguyện như vậy. 

Trên thực tế, qua sự hào hứng ban đầu, chúng ta phải nhìn nhận quan chức đi làm từ thiện không phải là chuyện quá cá biệt. Đã có nhiều nguyên lãnh đạo của Đảng và Chính phủ xây dựng các quỹ hỗ trợ học sinh nghèo... với tôi đó cũng là công tác từ thiện.

- Cách đây hơn 1 năm, ở Quảng Ngãi đã có “Xe cấp cứu từ thiện” hoàn toàn miễn phí. Do vậy, có thể khẳng định ông Đoàn Ngọc Hải không phải người đầu tiên áp dụng mô hình nhân ái này. Thế nhưng, sở dĩ ông Đoàn Ngọc Hải được chú ý vì trước đây từng giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 - TP.HCM ra quân dọn dẹp vỉa hè khá sôi động, sau đó chấp nhận thất bại và xin từ chức ở tuổi 51 vào cuối năm 2019. Bây giờ, việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải, dù nhìn ở góc độ nào, cũng rất đáng biểu dương. Theo anh, vì sao những người như ông Đoàn Ngọc Hải càng ngày càng ít ỏi?

Chúng ta đang có một nguồn năng lượng rất tiêu cực nếu không nói là rất chán, đó là điều mà anh có muốn hay không cũng phải thừa nhận với tôi. Chúng ta đang ở trong thời điểm mà những xung đột về lợi ích, những mâu thuẫn về tầng lớp, những nghi kỵ trong ứng xử, những pháp luật không được thượng tôn... nên chúng ta hào hứng với một điều rất đỗi bình thường trong mã gen của từng người, đó là việc giúp đỡ người khó khăn.

- Ông Đoàn Ngọc Hải khi khởi động chiếc xe thiện nguyện của mình vào ngày 28/8, đã khẳng định: “Tôi làm việc này không phải để nổi tiếng. Điều đầu tiên là tôi muốn giúp người nghèo, thứ hai là tôi vui tôi mới làm được. Tôi sẽ làm đến khi chân tay bủn rủn, bệnh tật ập đến. Chứ tôi không phải để làm màu, để nổi tiếng”. Anh có nghĩ ông Đoàn Ngọc Hải có khả năng kích hoạt tinh thần thiện nguyện có những người thành đạt khác?

Tôi nhận thấy rằng việc làm của ông Đoàn Ngọc Hải và những bó rau, những đồng tiền nhàu nát của các ông cụ bà cụ ủng hộ khu cách ly, là có ý nghĩa như nhau. Mặc dù những người có điều kiện như ông Đoàn Ngọc Hải sẽ được nhiều người biết hơn. Bên cạnh đó, cái nền thói quen văn hóa của chúng ta chỉ biết yêu thương nhau trong khó khăn, cưu mang nhau trong hoạn nạn, nên bây giờ có chút khởi sắc cũng chỉ nên vui thôi, đừng vui quá.

- Ông Đoàn Ngọc Hải có một thân phận hơi đặc biệt trong quá khứ, nên không ít người cho rằng ông Đoàn Ngọc Hải muốn “làm màu” cũng không phải một “thuyết âm mưu” gì quá ghê gớm.

Nhà văn Sương Nguyệt Minh thổ lộ sự ủng hộ dành cho ông Đoàn Ngọc Hải: “Muốn làm một người tốt sao mà khó khăn đến thế! Ông Đoàn Ngọc Hải tuyên chiến với lấn chiếm vỉa hè. Ông Đoàn Ngọc Hải không nhận phó tổng giám đốc một công ty màu mỡ vì lý do bản thân không hợp kinh doanh.

Ông Đoàn Ngọc Hải sắm xe cứu thương chở miễn phí, tặng ăn ở miễn phí cho bệnh nhân nghèo khó, bệnh nặng... trên hành trình từ nhà bệnh nhân đến bệnh viện, từ bệnh viện về nhà bệnh nhân. Ông không quản đường xa từ Nam ra Bắc, từ Bắc vô Nam, từ Nam ra Trung… Hỏi còn tìm được người tốt nào hơn thế trong thời buổi các giá trị hỗn loạn, nhiễu nhương, tham nhũng đầy đường này?

Vậy mà, có người lại bảo ông “làm màu”. Làm màu như thế, thì vẫn cứ nên làm màu, vẫn có ích cho người nghèo hơn loại quan tham ăn tàn phá hoại ngân khố quốc gia, đục khoét tiền thuế của dân, và chắc chắn là ông không mang thêm quốc tịnh Cyprus.

Đừng nghe bọn họ đàm tiếu, ông cứ làm những việc anh thích mà có ích cho đời, ông Đoàn Ngọc Hải ạ. Chúc ông Đoàn Ngọc Hải an lành, chân cứng đá mềm trên mọi hành trình ngang dọc đất nước! Thời buổi lạ kỳ, muốn làm một người tử tế cũng khó khăn! Chán không buồn nói mà vẫn cứ phải nói!”.

(Cười…) Đó là hệ lụy làm người tử tế giữa rất nhiều năng lượng sống tiêu cực.

Ông Đoàn Ngọc Hải tự lái xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí.

Ông Đoàn Ngọc Hải tự lái xe chở bệnh nhân nghèo về quê miễn phí.

- Đối với anh, sự tử tế có giới hạn không, tại sao?

Chỉ có các bậc đắc đạo, các bậc xuất hiện trong sách tôn giáo thì sự tử tế của họ mới không có giới hạn thôi. Chúng ta đang trò chuyện với nhau, thì cứ lấy ví dụ về nhau cho thuận tiện. Một người cầm bút đã có vị trí trong giới như anh, thì tôi và nhiều đồng nghiệp khác không chỉ công nhận về tài năng mà còn công nhận về sự tử tế.

Thế nhưng, giả dụ, người bạn của anh bỗng dưng kinh doanh phá sản mượn tiền anh gầy dựng lại sự nghiệp. Anh không có sẵn, người bạn của anh bèn nói anh đem căn nhà đang cư ngụ cùng vợ con đi cầm ngân hàng để cho họ mượn, anh có đồng ý không?

Thế nên, luôn luôn có biên độ cho lòng tốt, luôn luôn có biên độ cho sự tử tế. Quan trọng hơn, lòng tốt và sự tử tế tuyệt đối không thể nào là một chiều được. Sai lầm lớn nhất trong rất nhiều năm qua và hiện tại, đó chính là đám đông luôn nghĩ người tử tế phải làm việc tử tế, đó là áp đặt cho người khác một sứ mệnh không muốn và yêu cầu người ta phải tử tế theo chính bản thân mình.

- Ý kiến rất thẳng thắn của anh, khiến tôi nhớ đến một tác phẩm của văn học Ba Lan về người tử tế. Thông điệp cốt lõi của tác phẩm ấy dồn vào một câu khuyên nhủ “khi giúp đỡ người khác, đừng quên giữ lại phẩm giá cho họ”. Người tử tế khi giúp đỡ người khác thì quan trọng nhất là không khiến họ cảm thấy họ thật thảm hại, thật tội nghiệp, thật thất bại trên cuộc đời.  

Vâng, tôi thấy, con người biết sống không làm phiền người khác, không làm điều sai trái thì cũng chính là một dạng tử tế.

- Chúng ta từng chứng kiến nhiều người nghèo hiến đất - thứ tài sản duy nhất của họ, để xây trường hoặc để làm đường, mà không đòi hỏi bất cứ lợi ích gì. Anh thấy điều ấy nói lên ý nghĩa gì?

Tính sẻ chia của người Việt là một trong những điều mà chúng ta luôn luôn tự hào với các dân tộc còn lại trên thế giới. Tôi chỉ nghĩ hậu thế kế thừa những đức tính tốt đẹp của tiền nhân. Còn để nói điều lớn lao hơn, thì các đồng nghiệp của tôi nói hết rồi, tôi không nói nữa.

Chúng ta bây giờ xây dựng những đặc tính về chia sẻ cơ bản rất buồn cười, theo tôi: Ví dụ, nhặt được của rơi trả lại cũng lên báo khen, không nhận hối lộ cũng lên báo khen, trải qua ba đời chồng kết hơn đời chồng thứ tư cảm thấy hạnh phúc cũng lên báo khen... Bởi chúng ta xây dựng những giá trị văn hóa kỳ lạ ở thời điểm hiện tại nên những đức tính cơ bản của dân tộc phút chốc thành điều hiếm hoi trong cộng đồng.

- Hiện nay, đời sống vật chất của xã hội đã thay đổi rõ ràng, nhưng lòng tin giữa người với người có vẻ hao hụt dần. Anh thấy có đáng lo không, và cần làm sao?

10 năm trước hình như chúng ta đã nói điều này một cách xao xác. 10 năm sau, anh nhắc lại điều đó trong bối cảnh rối bời hơn giữa hiện thực ngổn ngang.

Tôi cho rằng, người Việt phải qua giai đoạn yêu thương vật chất hơn tính mạng, yêu thương tiền bạc hơn liêm sỉ, thì họ mới bàng hoàng nhận ra rằng điều cả đời họ hướng đến không phải là giá trị cốt yếu trong cuộc sống. Còn bây giờ, đồng tiền vẫn đang dẫn dắt và đang chế ngự nhiều mối quan hệ giữa con người với con người.  

- Ừ nhỉ, vì nói chuyện giữa những người cầm bút mê muội chữ nghĩa, nên tôi cũng quên mất xã hội chúng ta vẫn đang sôi sùng sục những thèm khát tiền tài. Tôi thì vẫn cứ bần thần, vì có rất nhiều thói quen tốt đẹp của lớp người xưa đang mất đi. Ví dụ, ngả nón chào một đoàn xe tang đi ngang. Nếu bây giờ, có một người bỗng dưng hành động như vậy, thì cảm giác anh thế nào?

Tôi cũng lập tức hành động như vậy, và tôi cũng cảm thấy vui khi chứng kiến nhiều người hành động như vậy. Thế nhưng bây giờ đội nón bảo hiểm rồi tôi nghĩ cũng hơi khó.

- Theo anh, sự tử tế có cần điều kiện kèm theo không? Nếu ai đó nói rằng, tôi không thể tử tế vì tôi đang túng thiếu, thì anh sẽ khuyên họ ra sao?

Đúng rồi. Điều đầu tiên phải khuyên họ cố gắng làm việc để có một cuộc sống đừng túng thiếu nữa. Khi họ không túng thiếu nữa, nghĩa là họ đã tử tế với những người có khả năng được họ nhờ vả gì đó, mà biết đâu người được họ nhờ vả cũng không khá gì. Chúng ta khắt khe với điều này quá.

Một nhãn hàng, một thương hiệu hoặc một cá nhân, thì họ thích được nhắc tới khi làm điều tử tế là quan điểm của họ. Có thể chúng ta thích hay không thích, nhưng chúng ta không phải là người thụ hưởng sự tử tế đó để áp đặt quá nhiều ý chí chủ quan của mình. Còn nếu chúng ta thấy khó chịu về cách họ làm, thì chúng ta có thể đứng lên làm theo một cách riêng.

- Có một thực tế oái oăm, người tử tế thường là người thua thiệt trong sự cạnh tranh danh lợi khốc liệt. Anh nghĩ, yếu tố xã hội có tác động đến những hành vi tử tế không?

Việc tử tế hoặc làm điều tử tế đầu tiên là cho chính cá nhân mình. Tôi nghĩ rằng, chúng ta giúp đỡ một ai đó là để chúng ta an lòng. Thà chúng ta không nghe tiếng kêu cứu, chứ nghe tiếng kêu cứu rồi thì chúng ta đã mang một món nợ mặc dù chúng ta không vay mượn.

Chúng ta tử tế với người khác, thì cũng là lúc chúng ta đang tử tế với chính mình. Nhưng khi chúng ta làm hành động tử tế thì chúng ta cũng nghiễm nhiên hiểu rằng sẽ có một số ít người không thích điều đó.

Một trong những đặc tính rất không muốn thừa nhận của người Việt đó chính là tìm ra lý do hợp lý để nâng cao mình và miệt thị người. Phán xét những người tử tế bằng những thắc mắc đại loại như “nguồn tài chính ở đâu ra” cũng giống vậy.

- Khi chúng ta quen dần với sự ích kỷ và sự lạnh lùng, thì sự tử tế dễ bị xem là… dở hơi. Anh có bao giờ bị rơi vào hoàn cảnh trớ trêu khi muốn làm người tử tế?

Đó là chuyện mà anh cũng từng chứng kiến. Khi chúng ta đang đi trên đường Võ Thị Sáu, đoạn qua công viên Lê Văn Tám thì thấy hai cô gái bị ngã xe. Tôi vội vàng chạy đến giúp hai cô gái dựng xe lên và dắt xe dùm họ vào lề đường để xem vết thương ra sao.

Và việc đầu tiên của hai cô gái ấy là nhanh tay rút chìa khóa xe, chứ không phải cảm ơn tôi. Tôi nhớ, lúc ấy anh ngơ ngác hỏi tôi: “Có phải mặt mũi chúng ta có nét của phường trộm cướp không?”. Lúc ấy, tôi cũng buồn.

Nhưng tôi nghĩ, suy cho cùng thì tôi đỡ xe hai cô gái vì chính tôi chứ không phải hai cô gái ấy. Nếu hôm ấy tôi không giúp đỡ hai cô gái, chắc chắn cho tới giờ tôi vẫn ân hận. Suy cho cùng trong cuộc đời này, mình cũng không ép người ta hiểu lòng mình được.

- Có chuyện tử tế nào mà anh từng chứng kiến, khiến anh khắc cốt ghi tâm?

Rất nhiều. Gần 30 năm về trước, má tôi có cho một người hàng xóm khó khăn mượn một ít tiền. Bà con ở quê cho nhau mượn thôi, không phải kiểu bốc bát họ bây giờ, phải giải thích rõ kẻo có gì tội nghiệp má tôi. Người hàng xóm làm ăn thất bại nửa đêm bỏ nhà trốn đi.

Cách đây khoảng 5 năm, gần Tết, nhà tôi đón một khách lạ là người đàn ông đến nhà trả tiền cho má tôi. Đó là số tiền người hàng xóm mượn mấy mươi năm trước, và người đàn ông kia gửi lời xin lỗi vì năm ấy phải nửa đêm bỏ đi trong hoàn cảnh bi đát mà không nói một câu nào.

Tất nhiên, tiền được trả lại đã được quy đổi theo giá vàng ở thời điểm hiện tại. Đấy, những người dân quê, không cần là người đọc sách cũng biết “cho đi nghĩa là để dành”.

Ông Đoàn Ngọc Hải tự ghi lại hình ảnh trên hành trình thiện nguyện để chia sẻ với cộng đồng.

Ông Đoàn Ngọc Hải tự ghi lại hình ảnh trên hành trình thiện nguyện để chia sẻ với cộng đồng.

- Đã hơn một thập niên, đảo quốc Singapore mỗi năm đều phát động “Tuần lễ tử tế”. Việt Nam chúng ta có nên có “ngày lễ tử tế” chăng?

Nước mình mở mắt ra là ngày lễ, nhắm mắt là ngày hội. Anh thấy còn chưa đủ sao? Tôi e thêm “ngày lễ tử tế” thì càng nảy sinh vướng mắc khó kiểm soát của tệ nạn “tham nhũng vặt”.

- Sự tử tế có cần đối tượng làm gương, hay phụ thuộc vào tư chất mỗi người? Cấp trên làm gương tử tế cho cấp dưới, cha mẹ làm gương tử tế cho con em, thầy cô làm gương tử tế cho học trò?

Sự tử tế có tính truyền đời, mà tính truyền đời cũng bắt đầu bằng tiền nhân của chúng ta. Nếu chúng ta không học sự tử tế từ tiền nhân, thì chúng ta lấy gì lưu truyền sự tử tế cho lớp hậu sinh. Tôi tin sự tử tế có khả năng tương tác và có khả năng hấp thụ lẫn nhau trong môi trường xã hội và trong nề nếp gia đình.

- Trở lại với trường hợp ông Đoàn Ngọc Hải. Sau khi khởi động tại các bệnh viện ở TP.HCM, thì những ngày đầu tháng 9 đã thấy ông Đoàn Ngọc Hải lái xe ra Hà Nội.

Ông Đoàn Ngọc Hải vừa chở một bệnh nhân từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về tận nhà của họ ở Hà Giang. Điều này, khiến đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rất cảm phục. Đích thân Giáo sư - Bác sĩ Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội đã tiếp đón ông Đoàn Ngọc Hải khá trọng thị.

Theo Giáo sư - Bác sĩ Tạ Thành Văn thì ông Đoàn Ngọc Hải nên thành lập nhóm vận chuyển với nhiều xe cứu thương (có nhà tài trợ) và nhiều tay lái (có nhiều người ủng hộ, hỗ trợ), ký hợp đồng với một vài bệnh viện, đảm bảo tính pháp lý (không mang tính cá nhân), duy trì việc làm tốt đẹp lâu dài và giúp được nhiều người hơn nữa. 

Đồng thời, Giáo sư - Bác sĩ Tạ Thành Văn cũng cam kết sẽ làm cầu nối liên hệ với các bệnh viện trên cả nước, để công việc thiện nguyện của ông Đoàn Ngọc Hải được thuận lợi nhất… Tôi thấy ông Đoàn Ngọc Hải không còn đơn độc với sự đơm đặt “làm màu” nữa. Nếu có cơ hội, anh có hành động như ông Đoàn Ngọc Hải không?

Không. Vì tới tuổi này tôi có thể khẳng định tôi không thể làm Phó Chủ tịch UBND Quận 1 TP.HCM như ông Đoàn Ngọc Hải từng làm, nên tôi sẽ không hành động như ông Đoàn Ngọc Hải được. Tôi sẽ làm thiện nguyện theo cách khác.

Xin cảm ơn cuộc trò chuyện cởi mở của anh!

Xem thêm
Tổng Bí thư Tô Lâm: Quân đội là điểm tựa vững chắc của nhân dân

Tổng Bí thư nhấn mạnh cần xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Những loại thuốc bảo vệ thực vật bị cấm sử dụng tại Việt Nam từ 1/2025

Bộ NN-PTNN vừa ban hành Thông tư về Danh mục thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng tại Việt Nam từ tháng 1/2025. Sẽ có những loại thuốc nào bị cấm?

Nguyên nhân vụ cháy nhà trọ làm 2 người chết

TP.HCM Ngôi nhà 4 tầng, rộng khoảng 60m2, được ngăn thành hơn chục phòng nhỏ cho thuê, tầng trệt để xe máy, thời điểm xảy ra cháy, khu trọ đang có 23 người ở các phòng.