| Hotline: 0983.970.780

Nhận tiền đền bù dự án Ecopark vì gia cảnh quá bi đát và sợ bị tấn công, trả thù!?

Thứ Ba 10/07/2018 , 09:36 (GMT+7)

Hơn 10 năm, số nông dân mất đất ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao cứ bị khuất phục dần. Từ chỗ hàng ngàn hộ dân phản đối dự án, bây giờ số hộ chưa chịu nhận tiền đền bù, tiếp tục đi khiếu kiện chỉ còn khoảng 300. Họ đang bần cùng, túng bấn và sợ hãi…/ Xót xa, đau đớn cảnh 'làm thuê trên mảnh đất của mình'!

Những cuộc truy sát “tội” đi kiện

Trong số 9 nông dân ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao được nông dân mất đất cử làm đại diện đứng đơn và tiếp xúc với các cơ quan chức năng trong những cuộc đối thoại, sau hơn 10 năm chỉ còn lại 6 người. Đó là các ông Lê Văn Dũng, Đàm Văn Đồng xã Xuân Quan; ông Phạm Hoành Sơn, Trương Văn Kỉnh xã Phụng Công; ông Lê Văn Nga và bà Vũ Thị Vụ xã Cửu Cao. Mỗi xã đã mất đi một người sau khi ông Lê Văn Ba bị bắt trong một cuộc gây rối, con gái bà Đỗ Thị Dơi không được chính quyền xác nhận khi đi lấy chồng, ông Đặng Văn Dật không đủ kiên định khi chứng kiến những người đi kiện bị đánh đập, bị đe dọa, bị khủng bố tinh thần bằng rất nhiều thủ đoạn…

Cũng trong thời gian ấy, bản danh sách nông dân mất đất cho dự án tiếp tục khiếu nại ngày một ngắn lại. Mới nhất, ông Trương Văn Kỉnh “chốt” còn xấp xỉ 300 hộ dân so với con số hơn 3.000 hộ ban đầu. “Họ chấp nhận nhận tiền đền bù không phải vì thỏa hiệp với dự án, không phải vì không còn bức xúc nữa mà vì hoàn cảnh gia đình bi đát quá và sợ bị tấn công, bị trả thù”, người đứng đơn xã Phụng Công thông tin.

Nhìn lại những “mất mát” trong danh sách khiếu nại dự án thì những đợt dân chấp nhận lấy tiền bồi thường đều gắn liền với những biến cố lớn ở các xã mất đất.

Năm 2009, hàng loạt người dân Cửu Cao chấp nhận đi nhận tiền đền bù sau khi 70 hộ dân bị triệu tập vì liên quan đến một vụ chết người mà họ không hề hay biết. Cộng thêm một đợt trưởng thôn và phó thôn Hạ bị bắt sau khi đứng ra phản đối dự án càng khiến người dân hoang mang và đi nhận tiền cho xong chuyện. Tại xã Xuân Quan, hàng loạt vụ tấn công nhằm vào những người đứng đơn đi khiếu nại khiến dân tình hoảng loạn. Còn ở Phụng Công, sau khi côn đồ vào tận nhà ông Kỉnh, ngay giữa bữa cơm trưa để truy sát ông và các thành viên trong gia đình vì tội dám đứng đơn kiện cáo thì niềm tin của nông dân mất đất vào công lý lại tiếp tục giảm sút.

Hơn 10 năm đi khiếu nại, bây giờ ngồi lần mò những tập hồ sơ và đếm những vết sẹo khắp người ông Đàm Văn Đồng thống kê, từ lúc dự án triển khai trên cánh đồng này, đã 5 lần ông bị côn đồ tấn công, truy sát mà nếu không may mắn thì chắc đã bỏ mạng.

18-10-26_vg21
Ông Đồng và vết tích của đòn thù từ những lần đi khiếu kiện

Ông Đồng vốn là người tiên phong chuyển đổi đất lúa sang vườn cây, ao cá. Dạo dự án mới manh nha, nhận thấy những bất cập của việc thu hồi đất, nhận thấy quyền dân chủ của người dân bị tước đoạt, ông Đồng là một trong những nông dân tiên phong đứng ra phản đối. Sau đó là những tháng ngày tập hợp hồ sơ, tài liệu, ngược xuôi đấu tranh, đồng thời cũng là những tháng ngày sống trong nỗi lo bị giết chết.

Nông dân sản xuất giỏi một thuở nói rằng, bản thân ông từng nhận được những lời đề nghị thỏa hiệp, mua chuộc từ phía nhà đầu tư nhưng không đồng ý. Có lẽ vì thế nên bi kịch với bản thân và gia đình mới liên tiếp xảy đến.

Tháng 9 năm 2006, trên đường lên Trâu Quỳ (Gia Lâm - Hà Nội) phô tô giấy tờ, tài liệu để chuẩn bị cho một cuộc đối thoại, ông Đồng bị 2 đối tượng đi xe máy áp sát đâm gục tại chỗ. 3 năm sau, trong một đêm trở về từ một cuộc tiếp dân, 3 kẻ lạ mặt phục sẵn trong nhà ông tại thôn 10 xã Xuân Quan dùng gậy phang tới tấp khiến ông Đồng gãy một bên bả vai và một xương sườn.

Hãi nhất là những ngày sau vụ cưỡng chế 24/4/2012. Mấy tháng trời liền, những người đi kiện sống cảnh không khác gì thời chiến. Điển hình như ngày 12/7/2012, những người dân mất đất đi khiếu kiện dự án vừa trở về từ Hà Nội, tranh thủ ra thăm cánh đồng đã bị một nhóm côn đồ phục sẵn dùng gậy gộc truy sát. Hậu quả khiến ông Lê Thạch Bàn nhập viện trong tình trạng lơ mơ, khó thở, tràn dịch màng phổi, bầm tím mắt, rạn sọ. Anh trai ông Đồng là ông Đàm Văn Nghiệp phải khâu 19 mũi. Bản thân ông Đồng cũng phải khâu 10 mũi.

Vụ việc sau đó được điều tra và đưa ra xét xử, tuy nhiên, khi luật sư và nông dân mất đất yêu cầu làm rõ vai trò của đối tượng tổ chức, sai khiến nhóm côn đồ này nhưng các cơ quan chức năng chỉ im lặng.

“Những đối tượng đánh dân đều là người của chủ đầu tư thuê san lấp mặt bằng. Trước giờ chúng tôi chỉ biết côi cút làm ăn, có gây thù chuốc oán gì với ai đâu. Từ ngày phản đối dự án, bản thân thì bị hành hung, con gái đang đi học ở Trường Cao đẳng Hưng Yên cũng bị bọn chúng tìm đến tận trường đe dọa: Mày về bảo thằng bố mày ngừng việc đi kiện ngay không bọn tao cho uống nước sông Hồng đấy”, ông Đồng nhớ lại.

Sau những cuộc truy sát, trong nhiều năm trời, từ Xuân Quan đến Phụng Công, Cửu Cao, côn đồ mặc sức lộng hành và thường xuyên nhắm vào những nông dân mất đất đang đi khiếu nại...

Hàng loạt “đứng đơn” vướng vòng lao lý

Ở vùng mất đất bây giờ cũng có dư luận cho rằng, những người đang khiếu kiện ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao là thành phần chống đối, cá biệt này nọ, nhưng khi tiếp xúc với họ mới biết, những lý do phản đối dự án hết sức thuyết phục.

Như ông Lưu Quốc Hùng, đại biểu HĐND xã Phụng Công thời kỳ 2004-2009, bà Trần Thị Thanh Kiêm, đại biểu HĐND kiêm phát thanh viên đài truyền thanh xã Xuân Quan, ông Lê Thanh Hậu, trưởng thôn Hạ xã Cửu Cao…

Khi cấp trên và chủ đầu tư tuyên truyền về dự án, họ là những người tích cực phản đối vì nhận thấy những bất cập, những hiểm họa đối với người dân. Trước 26 đại biểu HĐND xã Phụng Công, ông Hùng tuyên bố: Ai cũng biết nông dân chúng ta sống dựa vào đất, mất đất là mất tất cả. Còn bà Kiêm, khi được chỉ đạo đọc trên loa tuyên truyền dự án đã phản đối bằng cách thà bị cho nghỉ việc chứ nhất quyết không tuyên truyền cho dự án “đẩy người dân đến đường cùng”.

Ông Hùng bà Kiêm chỉ ở mức mất việc, có những người chấp nhận vướng vòng lao lý để sát cánh với người dân bảo vệ ruộng đồng.

Những ngày sau khi dự án đổ bộ xã Cửu Cao, ông Lê Thanh Hậu, Nguyễn Văn Thiệu, trưởng và phó thôn Hạ thời điểm đó là những người tiên phong phản đối. Sau khi có được sự xác nhận từ lãnh đạo xã Cửu Cao lúc bấy giờ là “chưa biết gì về quy hoạch dự án này”, ông Hậu, ông Thiệu cùng với nhân dân trong xã kiên quyết ngăn cản chủ đầu tư thực hiện việc triển khai dự án.

Ông Hậu và những người vướng vòng lao lý ở Cửu Cao

Cũng vì ngăn cản quyết liệt quá, nên khi chủ đầu tư cho người kéo máy móc xuống ruộng khi dân chưa được họp bàn, thỏa thuận, cả ông Hậu và ông Thiệu cùng với người dân đòi chủ đầu tư đền con đường của thôn mà họ đã phá hỏng. Sau đó, ông Hậu và ông Thiệu bị bắt. Cho đến bây giờ, khi đã “thụ án” xong, cả hai người vẫn không thể hình dung nổi mình bị tội gì. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh, bất kể người ta dùng thủ đoạn gì”, ông Hậu nói.

Cũng sau khi dự án lấy đất của dân, hàng loạt vụ án khác liên tiếp xảy ra ở xã Cửu Cao khiến “phong trào” giữ đất ở xã này đi xuống nhanh chóng...

Hàng loạt vụ tấn công người dân đi khiếu kiện ở các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao sau đó đều được trình báo cơ quan công an nhưng chỉ duy nhất một vụ được điều tra làm rõ. Những ông Kỉnh, ông Đồng vác đơn cầu cứu gửi khắp nơi nhưng đều chỉ nhận lại được những thông báo hết thời hạn điều tra.

 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ ký giao ước thi đua năm 2025

Ninh Thuận Khối thi đua Sở NN-PTNT 13 tỉnh, thành phố vùng Trung bộ đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.