| Hotline: 0983.970.780

'Sẽ xem xét đề xuất thu hẹp khu đô thị tại Văn Giang'

Thứ Sáu 15/06/2012 , 16:04 (GMT+7)

“Người dân Văn Giang không thắc mắc về chính sách bồi thường, chỉ nêu nguyện vọng thu hẹp quy mô dự án khu đô thị. Cần xem xét nguyện vọng này của dân, nhất và với một dự án quy mô khá lớn” - Bộ trưởng TN-MT Nguyễn Minh Quang trao đổi.

Tại phiên trả lời chất vấn sáng 13/6, Bộ trưởng có thông tin thêm vụ cưỡng chế đất tại Văn Giang (Hưng Yên) cho dự án khu đô thị mới Ecopark. Được biết, tới đây, Bộ TN-MT sẽ lập thêm đoàn thanh tra để rà soát lại việc thu hồi đất tại đây?

Dự án này đã có chỉ đạo của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ và Bộ TN-MT chỉ phối hợp để xem xét lại một số vấn đề như kiến nghị của người dân. Nguyện vọng của người dân đến lúc này là nên chăng cơ quan chức năng xem xét thu hẹp quy mô để giữ đất sản xuất…

Tôi cho rằng, khu đất ở Văn Giang này gắn với Hà Nội nên việc chuyển đổi để làm khu đô thị cũng là tất yếu. Dự án này, Chính phủ đã có quyết định rồi nhưng cũng cần có cân nhắc tính toán. Cần lưu ý, dự án này thực hiện đến 2020 chứ không phải nói là làm luôn được.

Dự án “dài hơi” như vậy, quan điểm vấn đề lấy đất thế nào, nên chăng chỉ lấy đất dần theo từng giai đoạn để người dân đỡ mất đất sản xuất?

Tất nhiên người dân vẫn tiếp tục sản xuất, toàn bộ diện tích không thu hồi ngay. Dự án này quy mô tới hơn 500ha, trong đó có 55ha làm đường, còn khoảng 500ha liên quan đến khu đô thị nhưng thực tế hiện nay mới chỉ thu hồi 129ha. Đất chưa thu hồi người dân vẫn đang sản xuất.

 “Hơi sớm để nói dự án đô thị mới ở Văn Giang lấy đất quá lớn”
Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: "Quyết định dự án kéo dài đến năm 2020 thuộc thẩm quyền của Thủ tướng".


Vậy trước đề nghị của người dân qua vụ cưỡng chế hơn 5ha vừa rồi về việc thu hẹp diện tích khu đô thị này, quan điểm của các cơ quan chức năng?

Thật ra vấn đề này chúng tôi cũng mới đang thu thập ý kiến. Còn chỉ đạo của Chính phủ về việc này thì đã có văn bản do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký. Theo đó, Chính phủ yêu cầu cần tăng cường công tác tuyên truyền, làm rõ những vấn đề về mặt chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với người dân bị thu hồi đất.

Ở đây, tôi cho rằng cũng không phải người dân thắc mắc về mặt chính sách. Phải nói về phía tỉnh và nhà đầu tư đã giải quyết tương đối thỏa đáng về chính sách nhưng nguyện vọng của người dân như vậy, chúng ta cũng cần phải xem xét, nhất và với một dự án quy mô khá lớn.

Quan điểm cá nhân, Bộ trưởng có ủng hộ việc thu hẹp quy mô, diện tích sử dụng đất của dự án làm khu đô thị mới này?

Việc đó, tôi nghĩ có lẽ cũng cần kiểm điểm thêm dự án này một chút. Tôi cũng chưa trực tiếp tiếp cận dự án này mà cử một đồng chí Thứ trưởng xuống tận nơi xem xét. Theo phản ánh của tổ công tác, nguyện vọng của tỉnh thì vẫn muốn tiếp tục thực hiện dự án theo kế hoạch đã định vì thực ra dự án này gắn chặt chẽ với Hà Nội.

Trong bối cảnh bất động sản, khu đô thị hiện nay cung đã phát triển vượt cầu và với yêu cầu tái cơ cấu lại thị trường, nhiều ý kiến cho rằng, việc xem xét thu hẹp lại dự án khu đô thị này là xác đáng?

Dự án này, tôi xin nhắc lại là kéo dài đến năm 2020 nên giờ chúng ta nói như vậy thì cũng hơi sớm. Việc này còn tùy thuộc khả năng chuyển biến của tình hình nữa. Nhưng tôi cho rằng nhu cầu phát triển đô thị là xác đáng, cần thiết. Tất nhiên các vấn đề đặt ra, chúng ta cũng phải hết sức chú ý, nhất là về nguyện vọng của người dân.

Như nội dung Bộ trưởng trao đổi tại phiên chất vấn hôm qua, việc phát triển đô thị thường tính khả năng giữ đất đến khoảng 5-10 năm. Nhiều dự án khu đô thị đang gây lãng phí lớn vì thậm chí đã chiếm dụng đất với khoảng thời gian “chờ” dài hơn thế, đến cả 20 năm. Dự án ở Văn Giang, kéo dài đến 2020, có phải là một trường hợp như vậy?

Quyết định thời hạn thực hiện dự án đến 2020 là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng. Nói vậy nghĩa là dự án này không thể làm ngay, làm nhanh hơn được gì quy mô lớn như thế, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai.

Không có chuyện dự án làm để giữ đất, bỏ đất hoang mà thực hiện đến đâu thu hồi đến đấy. Hiện nay có 129ha đã triển khai, 55 ha đã làm đường sá, cũng có khu dịch vụ để người dân tham gia. Còn diện tích chưa thu hồi người dân vẫn sản xuất bình thường, không ảnh hưởng gì.

UBND tỉnh Hưng Yên trước nay vẫn thông tin đây là dự án công cộng nhưng như ông nói, đây là dự án thương mại. Có độ “vênh” trong quan điểm về việc này?

Khu đô thị cũng có thể nói là công trình công cộng được chứ sao. Cần phải hiểu, dự án này cũng phục vụ cho mục tiêu chung là xây dựng đô thị.

Tôi xin nhắc lại 1 nguyên tắc chung nhất, chúng ta phải làm vì lợi ích của người dân. Trong vấn đề lợi ích của nhà nước, lợi ích của người dân phải được giải quyết hài hòa, yêu cầu có đất sản xuất là việc phải đặc biệt quan tâm. Tới đây sửa luật Đất đai cũng phải theo tinh thần như vậy, không có hướng nào khác.

Qua vấn đề ở dự án khu đô thị này, Bộ TN-MT xác định yêu cầu thế nào đối với việc sửa luật Đất đai?

Thực ra  vấn dề sửa luật Đất đai chúng tôi đang nghiên cứu, tuần sau sẽ thảo luận cụ thể nên giờ chưa nói được gì chi tiết, nhưng hướng là như vậy. Những vấn đề đặt ra hiện nay, những tồn tại, những vướng mắc, nhất là trong vấn đề thu hồi, giải phóng mặt bằng sẽ được nghiên cứu rất kỹ. Những quy định đã ổn trong các nghị định, văn bản hướng dẫn dưới luật thì sẽ được đưa vào luật để từng người dân cũng có thể hiểu rõ.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(dantri.com.vn)

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Người phụ nữ 'biến đổi' vùng đất nghèo thành vườn rau bội thu

SƠN LA Bà Luyến, một nông dân ngụ cư, đã nỗ lực thay đổi bản Tự Nhiên từ vùng đất nghèo khó thành điểm sáng nông nghiệp sạch, mang lại cuộc sống ấm no cho cộng đồng.