| Hotline: 0983.970.780

Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu

Thứ Tư 18/05/2022 , 14:36 (GMT+7)

Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nước ngoài.

Cơ hội lớn cho nông sản Việt

Đồng yên mất giá so với đồng đô la Mỹ từ lâu được các nhà kinh tế coi là sẽ mang lại lợi ích cho nền kinh tế Nhật Bản, vì điều này có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu.

Hàng hóa Nhật Bản có tính cạnh tranh cao hơn ở thị trường nước ngoài và các công ty xuất khẩu sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn khi hợp đồng thanh toán được lập bằng đồng USD.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại việc đồng yên yếu đi đã không còn có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu như trước đây do các công ty Nhật Bản đa phần đã chuyển quy trình sản xuất ra nước ngoài trong những năm qua.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam (bên phải) và ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại quảng bá nông sản Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam (bên phải) và ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại quảng bá nông sản Việt Nam tại Nhật Bản.

Theo Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), chỉ số giá nhập khẩu của Nhật Bản, dựa trên các giao dịch của doanh nghiệp, đã tăng khoảng 30% trong năm vừa qua vì giá nhiên, nguyên liệu đều tăng cao, trong khi chỉ số giá xuất khẩu chỉ tăng 10%.

Mọi thứ đã thay đổi và tác động của việc đồng yên mất giá đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với các hộ gia đình.

Đồng yên yếu, cùng với giá dầu tăng cao do ảnh hưởng cuộc chiến Nga-Ukraina, chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến chi phí sản xuất tăng (khi giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí vận chuyển cùng tăng), đẩy giá thành sản phẩm bán ra cao hơn, những mặt hàng thiết yếu cũng lên giá từng ngày.

Giá sản xuất tại Nhật Bản đã tăng 9,5% vào tháng 3/2022 so với cùng kỳ năm 2021. Đây là tháng thứ mười ba liên tiếp xảy ra lạm phát giá sản xuất. Chi phí tăng thêm đối với tất cả các mặt hàng: đồ uống và thực phẩm (3,8% so với 3,5% trong tháng 2), thiết bị giao thông (2% so với 1,9%), hóa chất (13,2% so với 13%), xăng dầu và than đá (27,5% so với 34,3%), kim loại màu (23,5% so với 25%), máy móc nói chung (2,7% so với 2,2%), sắt thép (27,9% so với 27,7%), máy móc sản xuất (1,5% so với 1,3%), sản phẩm kim loại (6,6% so với 6,1%), sản phẩm công nghiệp chế tạo khác (1,8% so với 1,8%), linh kiện điện tử (2,2% so với 2,4%), máy móc điện (1,7% so với 2%), và thông tin (1,9% so với 1,5%).

Bên cạnh đó, theo BOJ, các hộ gia đình Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào hàng nhập khẩu. Hàng hóa nhập khẩu hiện chiếm 34% trong các mặt hàng tiêu dùng lâu bền, ví dụ như đồ gia dụng và đồ nội thất đều tăng 1,7 lần so với một thập kỷ trước đó. Tỷ lệ này đối với thực phẩm, quần áo và các mặt hàng tiêu dùng khác cao hơn 1,4 lần.

Vào thời điểm kinh tế đang suy thoái với mức lương danh nghĩa không được cải thiện, việc giá của các nhu yếu phẩm leo thang khiến ngân sách của các hộ gia đình trở nên căng thẳng.

Về lâu dài, với sức mua bị suy giảm, người tiêu dùng Nhật Bản có thể sẽ hướng tới việc lựa chọn mua sản phẩm có giá rẻ hơn trong số những sản phẩm nhập khẩu từ các nước khác nhau nhưng có chất lượng và công dụng gần tương tự như nhau.hình

Với dân số hơn 126 triệu người, Nhật Bản là thị trường có nhu cầu nhập khẩu và tiêu thụ lớn đối với các sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nước ngoài, bao gồm: cá và sản phẩm chế biến từ cá, tôm, lươn, thịt và những sản phẩm từ thịt, đậu nành, sản phẩm từ ngũ cốc, rau quả tươi và chế biến, cà phê…

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có thế mạnh về những mặt hàng nói trên và có khả năng cung ứng tốt cho thị trường Nhật Bản. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản năm 2021 đạt 1,8 tỷ USD, giảm nhẹ ở mức 0,5% so với năm 2020. Mặc dù mặt hàng chủ lực trong nhóm hàng này là hàng thủy sản có mức giảm 7,4%, các mặt hàng còn lại ghi nhận mức tăng trưởng rất tốt như: cà phê tăng 25,5%; hàng rau quả tăng 20%; hạt điều tăng 39%; hạt tiêu tăng 56%... Một số mặt hàng hoa quả Việt Nam cũng chiếm thị phần lớn và ngày càng phổ biến trên thị trường như thanh long, xoài, sầu riêng, dừa, vải thiều...

Về lâu dài, với sức mua bị suy giảm, người tiêu dùng Nhật Bản có thể sẽ hướng tới việc lựa chọn mua sản phẩm có giá rẻ hơn.

Về lâu dài, với sức mua bị suy giảm, người tiêu dùng Nhật Bản có thể sẽ hướng tới việc lựa chọn mua sản phẩm có giá rẻ hơn.

Tuy nhiên, nhìn chung sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần không lớn hoặc chưa đứng ở vị trí dẫn đầu trong cơ cấu nhập khẩu của Nhật Bản năm 2021, bao gồm: các loại rau tươi và đông lạnh chiếm 1,3%, trong khi nước chiếm tỷ trọng lớn nhất là Trung Quốc với 49,5%; hoa quả 2,7% (Philippines 18,9%); cà phê 14,7% (Brazil 30,1%); hạt tiêu 25% (Malaysia 34,7%); hạt điều 42,3% (Ấn Độ 55,2%); cá và thủy sản chế biến 8,8% (Mauritania 33,2%); tôm 19,4% (Ấn Độ 22,3%); mực và bạch tuộc 9,4% (Trung Quốc 41,2%); gỗ và sản phẩm gỗ 6,9% (Canada 30,1%)...

Nhìn chung trong tình hình chi phí nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài vào Nhật Bản tăng lên sẽ gây ra những khó khăn chung cho các nước xuất khẩu sang Nhật Bản, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên đi kèm với thách thức là những cơ hội, khi mà hàng Việt Nam đảm bảo được chất lượng tương đương cùng với giá bán thấp hơn thì sẽ có khả năng thay thế cho hàng hóa của các nước khác hoặc thay thế cho sản phẩm nội địa. Ví dụ như trong những năm trước đây khi mà giá lươn ở Nhật tăng lên thì một bộ phận người tiêu dùng Nhật Bản chuyển sang tiêu dùng cá tra “giả lươn” nhập khẩu từ Việt Nam... hay mặt hàng hoa cắt cành do ảnh hưởng nguồn cung thì mặt hàng hoa cắt cành của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đã tăng trưởng khá nhanh trong thời gian gần đây.

Doanh nghiệp cần lưu ý gì?

Mặc dù hàng nông thủy sản - thực phẩm Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng được đón nhận tại Nhật Bản, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần lưu ý một số đặc thù của thị trường để việc xuất khẩu và bán hàng hiệu quả và bền vững.

Vấn đề đầu tiên doanh nghiệp cần quan tâm là đảm bảo chất lượng, thương hiệu của sản phẩm. Với một thị trường “khó tính” đòi hỏi tiêu chuẩn cao như Nhật Bản, sản phẩm Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường đã khó, nhưng việc giữ được thị trường và mở rộng thị phần lại càng khó hơn.

Doanh nghiệp cần phải thiết lập một liên kết chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu dùng, đảm bảo tính đồng bộ, thông suốt trong mọi khâu từ trồng trọt và chăn nuôi, sản xuất và chế biến, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để hàng Việt Nam giữ được chất lượng tốt khi đến tay người tiêu dùng Nhật Bản; đồng thời hàng nông thủy sản - thực phẩm Việt Nam cũng cần có sự đa dạng về khẩu vị, sự cải tiến trong thiết kế mẫu mã bao bì cho bắt mắt và thu hút khách hàng.

Người tiêu dùng Nhật Bản có sự nhạy cảm cao với sự thay đổi liên tục giá bán của một sản phẩm nào đó, do vậy các nhà nhập khẩu Nhật Bản luôn đề cao sự ổn định của giá cả và lượng cung ứng từ phía đối tác Việt Nam. Ngoài ra, công tác quảng bá, giới thiệu về thương hiệu, sản phẩm cũng cần được chú trọng nhiều hơn nữa, vì những sản phẩm ngon, có chất lượng chỉ thực sự được đón nhận khi được đông đảo người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ.

Tham tán Thương mại (Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản)

Xem thêm
Xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia, chè Việt Nam vẫn cần lưu ý điều gì?

Nhìn chung các thị trường đều yêu cầu ngày càng cao đối với an toàn thực phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc, theo Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường.

Xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y

Bộ NN-PTNT thông báo xét tuyển công chức làm việc tại Cục Bảo vệ thực vật và Cục Thú y thuộc Bộ, như sau:

Yến Sào Khánh Hòa lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia

Công ty Yến Sào Khánh Hòa vinh dự lần thứ 4 liên tiếp đạt Thương hiệu Quốc gia và là doanh nghiệp duy nhất của Khánh Hòa đạt được kết quả này trong năm 2024.

Dự án căn hộ duy nhất ở Tây Nam Linh Đàm đang được săn đón

Không ngạc nhiên khi dự án căn hộ duy nhất đang triển khai tại Tây Nam Linh Đàm, thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội là Hanoi Melody Residences đang được thị trường săn đón...