Điều thứ nhất cần nhắc đến, đó là cả Euro lẫn Copa America đều đang cố phình to hết mức có thể. Euro tăng lên 24 đội từ giải lần trước, nhưng tới năm nay, số trận đấu kiểu thủ tục, có chất lượng chuyên môn không cao ngày càng nhiều. Chi tiết điển hình tố sự đi xuống của Euro là số lần phản lưới. Rõ ràng, sau một mùa giải mệt mỏi ở cấp câu lạc bộ, cầu thủ hầu như cạn thể lực và khó lòng thi đấu với phong độ tốt với mật độ một tuần hai trận.
Copa America cũng chẳng khá hơn. Từ chỗ 2 đội khách mời rút lui sát giờ G, cho đến việc chuyển địa điểm đăng cai sang Brazil, khiến giải đấu số một Nam Mỹ kéo dài lê thê. 10 đội đá vòng bảng thì có 8 đội đi tiếp. Cả giải, duy nhất trận chung kết giữa Argentina và Brazil gây được chú ý.
Thứ hai, những mâu thuẫn về công tác tổ chức giữa các liên đoàn bóng đá, từ FIFA, UEFA tới CONMEBOL ngày càng tăng. Có nhiều lý do dẫn tới chuyện này, nhưng tựu trung nằm ở việc, tổ chức nào cũng muốn tối đa hóa lợi nhuận. Trong quyền hạn của mình, mỗi tổ chức đều "vắt kiệt" khả năng của các đội, mà không quan tâm đến hậu quả. Cầu thủ là người chịu thiệt nhất. Họ dễ chấn thương hơn, thậm chí đe dọa tới tính mạng như trường hợp của Eriksen (Đan Mạch) ngay trận ra quân Euro.
Cuối cùng, ngoại trừ World Cup, cả Euro lẫn Copa America đang giảm sức hút trong mắt khán giả. Tỷ lệ theo dõi trung bình qua các trận giảm so với thời Euro còn 16 đội, đặc biệt là tại những nền bóng đá mạnh như Anh, Tây Ban Nha, Italia, Đức, Pháp. Điều ấy dễ hiểu, bởi họ không sẵn lòng trả tiền để theo dõi một trận vô thưởng vô phạt kiểu như Phần Lan - Nga hay Bắc Macedonia - Áo. Còn Copa America? Quy mô giải đấu này chỉ từa tựa như SEA Games có thêm vòng tứ kết.
Nhiều bất cập nổi cộm khiến những người làm bóng đá nghĩ tới một giải pháp tổng thể. Arsene Wenger, cựu huấn luyện viên Arsenal, nay là Giám đốc phát triển bóng đá FIFA, nêu ý tưởng về việc World Cup tổ chức 2 năm một lần, thay vì 4 năm như hiện tại. Theo ông Wenger, các châu lục sẽ rút ngắn thời gian đá vòng loại bằng cách đá tập trung trong vòng một tháng. Những đội đứng đầu vòng loại sẽ dự World Cup, đồng thời lọt luôn vào vòng chung kết của giải châu lục.
Cách làm này từng được châu Á thực hiện từ hai kỳ World Cup gần nhất. Vòng loại thứ hai tính chung cho cả Asian Cup. Đội nào đi tiếp đá vòng loại thứ ba, còn đội bị loại đá thêm một vòng nữa để kiếm vé dự giải châu Á. Nếu chiểu theo ý kiến ông Wenger, vòng loại thứ ba sẽ trở thành Asian Cup, nơi 4 đội vào tứ kết sẽ dự World Cup.
Hướng suy nghĩ này táo bạo và nhận nhiều ý kiến trái chiều, chủ yếu bởi nó sẽ đe dọa miếng bánh béo bở từ tiền bản quyền truyền hình do Euro, Copa America bị rút ngắn. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, việc World Cup - một sân chơi mang tính toàn cầu - chỉ cách 2 năm một lần được tổ chức cũng là giải pháp không tồi. Ít nhất, nó tránh việc cầu thủ phải cày ải quá nhiều, và tăng mức độ cạnh tranh giữa các đội tuyển.