| Hotline: 0983.970.780

Nhìn lại 3 năm thực hiện Nghị quyết 'thuận thiên'

Thứ Năm 11/03/2021 , 13:54 (GMT+7)

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng.

Ngày 26/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát các tỉnh ĐBSCL bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP.

Ngày 26/9/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát các tỉnh ĐBSCL bằng máy bay trực thăng. Ảnh: VGP.

Ngày 13/3 tại Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu”. Yêu cầu đặt ra là cần nhận diện rõ đâu là “điểm sáng” và “mảng tối” qua kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Quyết sách sống còn

ĐBSCL đứng trước nhiều tầng thách thức. Tác động tiêu cực xuyên biên giới do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hội nhập, cạnh tranh quốc tế. Việc xây đập thủy điện, “trích máu dòng sông” bằng các dự án chuyển nước của các quốc gia đầu nguồn sông Mê Kông làm thay đổi dòng chảy, giảm lượng phù sa, nguồn lợi thuỷ sản, xâm nhập mặn, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Thách thức còn bị nhân lên từ hoạt động kinh tế với cường độ cao ở nội vùng gây nhiều hệ lụy như ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, trong khi quản lý nhà nước “thiếu phối hợp, thừa chồng chéo”. 

Các thách thức đó không riêng lẻ mà đang tác động tích lũy, liên hoàn, đòi hỏi sự nhận diện hệ thống, có chiến lược ứng phó dài hạn, sự tiếp cận đa ngành và phối hợp giải quyết liên ngành. Phải chăng ĐBSCL đã phát triển tới hạn? Cần chuyển đổi mô hình phát triển bền vững để tạo ra nhiều giá trị hơn là tăng sản lượng? Nhưng thực hiện bằng cách nào? Công cụ gì?

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển vùng, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bảo đảm cuộc sống khá giả của người dân ĐBSCL. Đó là tư duy đột phá: thích ứng thuận theo tự nhiên và quy hoạch không gian tích hợp.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ là tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên. Lấy con người làm trung tâm, tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra nhanh, ngày càng cực đoan. Tư duy quy hoạch tích hợp mang tính không gian vùng, tiểu vùng và liên kết đòi hỏi phải thực thi mệnh lệnh liên kết vùng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT  Nguyễn Xuân Cường thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ NN-PTNT  Nguyễn Xuân Cường thăm Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu, ngày 30/1/2018. Ảnh: VGP.

Cũng có ý kiến cho rằng, dường như ngoài ý nghĩa là “một quyết sách sống còn”, kết quả thực hiện nghị quyết 3 năm qua đạt được chưa nhiều. Tuy nhiên, Nghị quyết 120 là định hướng, xác định tầm nhìn chiến lược đến năm 2050. Vì vậy, cần phải có những quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư, hành động cụ thể thể để triển khai trên thực tế. Trong thực tế, Quy hoạch tích hợp phát triển kinh tế vùng, Chương trình tổng thể phát triển nông nghiệp bền vững ĐSBCL và nhiều chương trình dự án khác cũng đang được chuyển hướng theo tư duy mới này. 

Điều quan trọng là sự chuyển hướng này không còn nằm trong câu chữ của văn bản của Nghị quyết hay quanh quẩn trong khu vực công mà đã lan tỏa trong khu vực tư. Nhiều nông dân ĐBSCL đã chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp, ứng dụng công nghệ nhiều hơn, quản trị đồng vốn hiệu quả hơn, kết nối sản xuất với tiêu thụ ngày càng tốt hơn.

Thực tế đã chứng minh, trận hạn mặn lịch sử năm 2020 thành “liều thuốc thử” để củng cố tư duy thích ứng, dựa trên nền tảng khoa học và thực tiễn. Nhờ chủ động cảnh báo sớm, nhiều trà lúa đông xuân năm qua đã được dịch chuyển lịch thời vụ sớm, né được hạn mặn. Tương tự là sự chuyển dịch cơ cấu, cây trồng vật nuôi mang tính thích ứng, nên ít thiệt hại hơn so trận hạn mặn năm 2016.

Thích ứng thuận thiên còn được nhận thức không phải là bỏ qua tất cả các giải pháp công trình, mà quan trọng là lồng ghép với giải pháp phi công trình. Các dự án điều tiết nước kịp đưa vào sử dụng đã giúp các địa phương trong vùng phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn hiệu quả.

Cống âu thuyền Ninh Quới nằm trên kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp góp phần điều tiết mặn - ngọt cho 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng và Hậu Giang, ngăn tác hại tình trạng xâm nhập mặn vùng lúa, hoa màu trong tiểu vùng. Tiểu dự án Măng Thít ở tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, dự án Bắc Bến Tre, trạm bơm Xuân Hòa ở tỉnh Tiền Giang cũng đã kịp hoàn thành bước đầu ứng phó hạn mặn năm qua.

 3 năm qua và vấn đề đặt ra

Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP đang được các bộ, ngành, địa phương tập trung bổ sung, hoàn chỉnh, với các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, bảo đảm tính khả thi, được kỳ vọng tạo nên động lực mới cho vùng ĐBSCL. Theo đó, tập trung triển khai các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản bằng các giải pháp công trình, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn. 

Cùng với việc chuẩn bị chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã lồng ghép vào nhiệm vụ, quan tâm thực hiện yêu cầu công tác quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, tăng cường liên kết các tiểu vùng Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, ven biển phía Đông và bán đảo Cà Mau để vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt lẫn lâu dài. Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cũng đã được thành lập. 

Tuy nhiên, một số vấn đề mới, quan trọng, mang tính đột phá nêu trong Nghị quyết như thành lập đề xuất hình thành Quỹ phát triển bền vững vùng; thành lập Trung tâm thông tin tích hợp dữ liệu vùng là rất quan trọng, làm còn chậm.

Tuy Hội đồng điều phối vùng đã được thành lập, nhưng yêu cầu đặt ra là hiệu quả thực sự mà tổ chức này mang lại cho phát triển vùng là gì? Hội đồng cần có thực quyền, cần tập trung 2 lĩnh vực then chốt: điều phối việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước và quyết định các dự án đầu tư lớn, có tính liên kết vùng theo quy mô, tính chất dự án. Giúp việc cho Hội đồng điều phối vùng chỉ cần một có Bộ phận giúp việc hoặc Văn phòng gọn, nhẹ, cán bộ chuyên môn tinh thông. 

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời là quyết sách sống còn, đã xác định tầm nhìn dài hạn, yêu cầu thay đổi tư duy, kiến tạo phát triển bền vững ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Bên cạnh Hội đồng điều phối vùng, cần thành lập Nhóm tư vấn phát triển nghiên cứu, tư vấn, phản biện về chính sách và các vấn đề phát triển vùng ĐBSCL cho các cấp quyết định ở Trung ương và cấp vùng. Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách, các công trình có tính chất động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. 

Quyết định 593/QĐ-TTg ngày 06-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL xác lập “cơ chế tài chính sáng tạo đầu tư vùng”, cho phép bố trí “mức vốn tối thiểu 10% so với tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương trong vùng”. Nhưng đáng tiếc, vấn đề mới này đến nay chưa thực hiện được, còn nhiều lúng túng. 

Những “điểm sáng” đáng mừng từ các mô hình sản xuất thích ứng của nông dân vẫn còn đó nhiều thách thức. Đó là năng lực cạnh tranh còn nhiều yếu kém của ngành, sản phẩm nông nghiệp, yếu kém về hạ tầng giao thông, logistics, nguồn nhân lực, yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng nhiều hơn.

Tư duy “thuận thiên” cần được nâng tầm lên bằng việc rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch tổng thể vùng, từng tiểu vùng, ngành, nhất là quy hoạch sản xuất, hạ tầng thủy lợi, giao thông. Cần đầu tư nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai để chủ động ứng phó.

Tầm nhìn dài hạn, mục tiêu phát triển ĐBSCL trở thành vùng đất an toàn, trù phú, thịnh vượng trong tương lai đến nhanh hay chậm đang đòi hỏi những nỗ lực vượt qua các thách thức, tận dụng thời cơ. Nghị quyết 120/NQ-CP mang tính soi đường nhưng đi được đến đâu, khi nào đến, bằng phương tiện nào vẫn đang tiếp tục chờ đợt kết quả hiện thực bằng hành động thực tiễn.

    Tags:
Xem thêm
Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm