| Hotline: 0983.970.780

Nhường khí sản xuất đạm cho sản xuất điện là giải pháp cuối cùng của cuối cùng

Thứ Hai 22/05/2023 , 12:56 (GMT+7)

Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, biện pháp nhường khí sản xuất phân đạm cho sản xuất điện chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng của các biện pháp cuối cùng.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: NH.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: NH.

Trước thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có công văn gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đề nghị tạm nhường nguồn khí đốt của 2 nhà máy sản xuất ure là Phú Mỹ và Cà Mau cho sản xuất điện khí trong bối cảnh khó khăn của ngành điện, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam về nội dung đề xuất này.

Thưa ông, ông đánh giá thế nào về thông tin EVN có công văn gửi PVN đề xuất nhường khí phục vụ sản xuất phân đạm (ure) cho hoạt động sản xuất điện?

Theo thông tin của EVN, tháng 4 rồi tháng 5, tháng 6,… năm 2023 này, cả nước thiếu điện nghiêm trọng. Giải thích cho nguyên nhân trên, EVN cho biết, do thời tiết khô hạn nên các hồ thủy điện lớn đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết. Công tác cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện không đáp ứng được yêu cầu,… rồi giá nguyên liệu tăng nhiều dẫn đến ngành điện tiếp tục lỗ.

Điện là ngành rất quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội, không có ngành sản xuất nào hoạt động được khi không có điện. Ngành điện cũng góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư... và điện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sinh hoạt của con người.

Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế và đời sông của nhân dân, trước tình hình cấp bách trên, EVN phải vận dụng mọi giải pháp, trong đó có đề nghị tạm nhường nguồn khí thiên nhiên cho sản xuất phân đạm cho hoạt động sản xuất điện là có thể hiểu được.

Tuy nhiên, khó khăn này sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành, thí dụ có giai đoạn do thiếu nước cho trồng trọt, có địa phương đề nghị dừng thủy điện để tập trung nước cho nông nghiệp. Vấn đề là chúng ta phải tìm ra biện pháp đồng bộ, hợp lý, ít thiệt hại nhất xét về tổng thể và quan trọng hơn là cần có những biện pháp căn cơ lâu dài.

Nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ có tổng công suất 1,8 triệu tấn ure/năm. Ảnh: NH.

Nhà máy Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ có tổng công suất 1,8 triệu tấn ure/năm. Ảnh: NH.

Thưa ông, hiện đang là cao điểm mùa vụ tại cả phía Bắc và phía Nam, việc dừng chạy hai nhà máy sản xuất phân ure của PVN có ảnh hưởng tới nhu cầu cung ứng phân bón cũng như kế hoạch sản xuất của nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau hay không?

Hiện nay chúng ta có 4 nhà máy sản xuất phân đạm, 2 nhà máy sử dụng khí tự nhiên làm nguyên liệu là Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Nhà máy Đạm Cà Mau, mỗi nhà máy công suất 900.000 tấn/năm. 2 nhà máy sử dụng than làm nguyên liệu là Nhà máy Đạm Hà Bắc và Nhà máy Đạm Ninh Bình, 2 nhà máy này có công suất hơn 1 triệu tấn/năm.

Việc cung ứng phân bón nói chung và ure nói riêng cần quan tâm tới ngắn hạn và dài hạn. Trước hết, cần nhắc lại rằng, vào những năm 2000 nước ta mới chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu phân đạm. Nhưng với quyết sách đúng đắn của Đảng và Chính phủ, sử dụng khí thiên nhiên để sản xuất phân bón, nước ta đã tự chủ về sản xuất phân đạm cho sản xuất nông nghiệp. Cho đến nay, PVN đã sản xuất được 25 triệu tấn phân đạm và một số loại phân bón khác.

Xét về cung ứng: Trong ngắn hạn, lượng ure còn tồn kho, theo số liệu của Bộ NN-PTNT, PVFCCo và PVCFC thì đến cuối năm 2022, mỗi đơn vị còn tồn kho khoảng 200.000 tấn, có thể đủ cho nhu cầu ngắn hạn

Tuy nhiên, cho đến ngày 9/5/2023, Nhà máy Phú Mỹ và Cà Mau báo cáo về Hiệp hội Phân bón Việt Nam là không còn hàng tồn kho (Đạm Phú Mỹ còn khoảng 40.000 tấn, Đạm Cà Mau không còn hàng tồn kho), trong khi mùa vụ đến gần nên nếu dừng 2 nhà máy này, nước ta sẽ phải nhập khẩu ure về cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất phân NPK.

Xét về các ảnh hưởng khác: Vì ngành sản xuất phân bón từ khí là ngành sử dụng công nghệ cao và ảnh hưởng đến nền nông nghiệp nước nhà nên chúng ta phải tính toán, xem xét từ yếu tố công nghệ, kỹ thuật, đến ảnh hưởng lâu dài nguồn cung cho nông nghiệp.

Các công nghệ sử dụng đều là công nghệ tiên tiến, công nghệ sản xuất ammoniac của Haldor Topsoe (Đan Mạch), công nghệ sản xuất ure của Snam Proggeti (Italy) là những công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Xét về yếu tố công nghệ sẽ ảnh hưởng đến chi phí dừng, chi phí bảo dưỡng, chi phí chạy lại, tuổi thọ của máy móc, thiết bị… Hiệu suất tổng thể thiết bị (OEE, Overall Equipment Effectiveness) được tính theo 3 yếu tố, trong đó có hệ số A (availability) là tỷ lệ vận hành tính theo thời gian, tỷ lệ dừng máy càng lâu hệ số A càng nhỏ.

Đấy là chưa kể các ảnh hưởng khác liên quan đến các hợp đồng cung ứng nguyên, nhiên vật liệu, sản phẩm, vận chuyển, thuê kho bãi. Ngoài ra, còn phải xét tới yếu tố pháp lý khi Phú Mỹ và Cà Mau đều là công ty cổ phần đại chúng niêm yết trên sàn chứng khoán. Việc dừng sản xuất sẽ ảnh hưởng đến người lao động của 2 công ty nêu trên, nhiều nghìn người phải nghỉ việc sẽ kéo theo nhiều hệ lụy khác rồi ảnh hưởng tới quyền lợi của các cổ đông.

Hậu quả lâu dài của việc dừng nhà máy cần phải có đánh giá toàn diện về mọi khía cạnh, nhưng dù thế nào bên cạnh an ninh năng lượng chúng ta cũng không được quên an ninh lương thực.

Theo báo cáo của nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, lượng hàng tồn kho của hai doanh nghiệp đến thời điểm này gần như không còn. Ảnh: NH.

Theo báo cáo của nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, lượng hàng tồn kho của hai doanh nghiệp đến thời điểm này gần như không còn. Ảnh: NH.

Hoàn toàn chia sẻ với khó khăn của EVN ở thời điểm hiện tại, vậy theo ông làm thế nào để san sẻ bớt gánh nặng với EVN mà không ảnh hưởng quá lớn tới hoạt động sản xuất phân đạm của hai nhà máy thuộc PVN?

Như đã phân tích ở trên, thiếu điện sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế quốc dân, đến xã hội, hoàn toàn thông cảm với tình hình khó khăn hiện nay, chúng tôi rất mong EVN vượt qua giai đoạn khó khăn này bằng các biện pháp khác nhau, tất cả nguồn lực có thể, thí dụ huy động nguồn cung ứng khác, thay thế các nguyên liệu.

Mặt khác, theo số liệu đã được công bố, công suất huy động của các nhà máy điện khí chiếm khoảng 12% tổng công suất các nguồn điện được huy động, trong khi đó lượng khí cấp cho sản xuất đạm chỉ bằng khoảng 15 - 16% lượng khí cấp cho sản xuất điện, nghĩa là một tỷ lệ khá nhỏ.

Theo các phân tích ở trên, biện pháp tạm nhường khí từ sản xuất phân đạm cho sản xuất điện chỉ nên coi là biện pháp cuối cùng của các biện pháp cuối cùng.

Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Xem thêm
Đoàn Thanh niên là hình ảnh đẹp của tuổi trẻ ngành nông nghiệp

Đó là khẳng định đầy tự hào của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp về vai trò tiên phong của thanh niên ngành NN-PTNT trong các phong trào tình nguyện, xung kích, sáng tạo.

Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD

Chiều 3/1, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai kế hoạch công tác năm 2025.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Sơn La hỗ trợ hơn 1.500 hộ nghèo, cận nghèo có nơi ở mới

Công tác hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trong các năm vừa qua tại tỉnh Sơn La từng bước tháo gỡ khó khăn trong đời sống của nhân dân...