Đã có 176 đoàn thanh tra, kiểm tra ra quân kiểm tra 2.146 cơ sở, phát hiện và xử lý 137 cơ sở vi phạm.
Truy xuất nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn. |
Những lỗi vi phạm chủ yếu của các cơ sở là cơ sở vật chất, điều kiện SXKD thực phẩm chưa đảm bảo; nhiều cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Đáng chú ý, vẫn còn nhiều cơ sở SXKD thực phẩm không đảm bảo chất lượng.
Đảm bảo ATTP trong nông nghiệp
Để nông sản có thể “hấp dẫn” người tiêu dùng khó tính, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Bình Định đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất lượng trong lĩnh vực SXNN, góp phần bảo đảm ATTP.
Theo đó, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch hành động ATTP trong lĩnh vực nông nghiệp trong năm 2019. Chỉ đạo ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp các ngành liên quan tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong lĩnh vực nông nghiệp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho chủ cơ sở SXKD nông lâm thủy sản.
Riêng đối với lĩnh vực thủy sản, ngành chức năng đã tăng cường kiểm tra, lấy mẫu tôm phân tích dư lượng kháng sinh, chất tăng trưởng tại 4 vùng nuôi tôm thương phẩm ở các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Phù Mỹ và Hoài Nhơn; tập trung kiểm tra điều kiện an toàn tàu cá và đảm bảo ATTP tại các cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan.
Trong năm 2018, ngành nông nghiệp tỉnh đã tổ chức kiểm tra, thanh tra liên ngành, chuyên ngành ATTP tại 665 cơ sở SXKD vật tư nông nghiệp, nông lâm thủy sản, phát hiện và xử phạt 137 cơ sở vi phạm với số tiền trên 512 triệu đồng. Kiểm tra xếp loại, kiểm tra định kỳ điều kiện đảm bảo ATTP trên 1.000 lượt cơ sở, kết quả có 95,2% lượt cơ sở SXKD nông lâm thủy sản xếp loại A, B; giám sát 2.275 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, phát hiện 32 mẫu vi phạm.
Tàu ngư dân cập bờ bán cá tại Cảng cá Quy Nhơn. |
Theo ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản Bình Định, đơn vị này đã tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng quy chế phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm tăng cường công tác quản lý VSATTP trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Đơn vị chúng tôi luôn chú trọng đến công tác giám sát, kiểm tra lấy mẫu đột xuất; những cơ sở vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm, nhất là đối với các hành vi sử dụng chất cấm tại các cơ sở SXKD nông lâm thủy sản.
ATTP với dịch tả lợn châu Phi
Tính đến cuối tháng 6/2019, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra cục bộ tại 1 số địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định với 210 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Ngành chức năng đã tiêu hủy 3.140 con heo nhiễm bệnh, tổng trọng lượng hơn 152 tấn.
Trước thực trạng trên, trong tháng 7 và tháng 8/2019, ngành chức năng ở Bình Định đã tăng cường giám sát việc thực hiện cam kết không cung cấp thức ăn thừa cho các hộ chăn nuôi sử dụng làm thức ăn cho heo. Đặc biệt, ngành y tế và chính quyền các địa phương chú trọng giám sát các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể quy mô lớn trong sử dụng thịt và sản phẩm thịt heo.
Kiểm tra thịt heo bán ở chợ. |
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn cho hay: Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thành phố đã nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể trên địa bàn cho hoặc bán thức ăn thừa làm thức ăn chăn nuôi heo, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
“358 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và bếp ăn tập thể phục vụ trên 200 suất ăn/ngày trở lên do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh quản lý đã được thông tin đầy đủ về việc cam kết không sử dụng thức ăn thừa cho heo. Ngành y tế và các địa phương cũng đã tích cực vào cuộc kiểm tra ATTP đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể”, ông Lê Văn An, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Định. |