| Hotline: 0983.970.780

Nỗi lo của một trường mầm non vừa bị lũ quét khi bước vào năm học mới

Thứ Bảy 27/08/2016 , 09:45 (GMT+7)

Một điểm trường lẻ bị lũ cuốn trôi, một điểm khác bị sạt lở phải di dời, đoạn đường rẽ vào điểm trường chính bị cuốn trôi một nửa, đường điện bị kéo đứt, giếng nước sạch duy nhất bị đất đá vùi lấp,...

Một điểm trường lẻ bị lũ cuốn trôi, một điểm khác bị sạt lở phải di dời, đoạn đường rẽ vào điểm trường chính bị cuốn trôi một nửa, đường điện bị kéo đứt, giếng nước sạch duy nhất bị đất đá vùi lấp, suối Phìn Ngan đổi dòng ăn sâu vào phía sau của khu nhà ăn, nhà hiệu bộ... đó là những khó khăn mà Trường Mầm non Phìn Ngan (Bát Xát, Lào Cai) đang phải đối mặt, bởi trong vòng nửa tháng, hoàn lưu của hai cơn bão số 2 và số 3 “càn quét” nơi đây.

 

Gian nan con đường đến trường

Ngày 22/8, theo kế hoạch năm học, là ngày mà tất cả các cấp học của Lào Cai cùng chung một hồi trống tựu trường. Vậy nhưng, điểm trường chính của Trường Mầm non Phìn Ngan với trên 60 học sinh vẫn chưa thể hoạt động, bởi cây cầu sắt duy nhất nối đôi bờ dòng suối dữ để 80% số trẻ có thể đến trường vẫn đang trong quá trình thi công.

Chúng tôi đến với điểm trường chính của Trường Mầm non Phìn Ngan khi mà mây đen vẫn vần vũ, bầu trời như một bọng nước lớn trực vỡ toạc bất cứ lúc nào. “Sang trường giờ chỉ còn một cách duy nhất là đi qua cây cầu này”, cô Nguyễn Thị Thu Hương, hiệu trưởng nhà trường chỉ chiếc cầu đang thi công dở dang giới thiệu.

08-28-34_2
Đường vào Trường Mầm non Phìn Ngan bị sạt lở mất gần 100m

 

Đó là cầu treo Sủng Hoảng vốn rất chắc chắn bởi được kết cấu bằng sắt. Tuy nhiên, trong cơn bão số 2 nó bị cuốn bay, chỉ còn trơ lại mố cầu. Đơn vị thi công đã gấp rút khắc phục hơn chục ngày nay, nhưng do gặp mưa lớn kéo dài nên vẫn chưa hoàn thành. Để qua cầu, chúng tôi chọn đi trên một nan cầu là thanh sắt rộng vừa bằng bàn chân. Tay bám vào sợi dây lan can, thận trọng dịch chuyển từng bước...

Từ đầu cầu treo, cách duy nhất để đến với điểm trường chính lúc này là đi bộ. Chỉ 400 m không phải là quãng đường xa, nhưng điều đáng nói, một nửa số đó được thiết kế chạy dọc bờ suối đã bị nước lũ làm sụt lún, đứt gãy gần hết không thể lưu thông. Vì vậy, muốn đến với trường, thầy cô phải men theo bờ ruộng, bờ suối, có đoạn đi sát mép vực, vết sạt lở vẫn còn nham nhở.

 

Còn nhiều khó khăn, thiếu thốn

Chỉ trong vòng nửa tháng, do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3, huyện Bát Xát có 5 trường học bị ảnh hưởng. Trong số đó, Trường Mầm non Phìn Ngan chịu nhiều thiệt hại nặng nề, với một điểm trường lẻ ở thôn Sủng Hoảng 2 bị cuốn trôi hoàn toàn, điểm trường lẻ ở thôn Sùng Bang bị đất đá sạt vào, đường đến 9 điểm trường lẻ còn lại cũng bị đất đá tràn ra đường gây khó khăn cho việc đi lại.

08-28-34_3
Phía sau trường bên mép suối bị sạt lở nguy hiểm

 

Giải pháp của ngành giáo dục huyện cũng như chính quyền địa phương đó là đưa toàn bộ số học sinh của điểm trường thôn Sủng Hoảng 2 xuống học ở điểm trường chính; điểm trường thôn Sùng Bang sẽ chuyển đến học ở nhà văn hóa của thôn; các điểm sạt đường sẽ được khắc phục tại chỗ. 

Cùng cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, hiệu trưởng nhà trường đi thăm điểm trường chính, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn của nhà trường. Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 2, đường điện của nhà trường bị đứt. Cách đây ít hôm, nhờ sự hỗ trợ của các lực lượng, đường điện hơn 200m đã được kéo lại, đáp ứng điện cho nhà trường.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, bởi dây điện phải nối nhiều đoạn, và những cột điện làm bằng tre, gỗ, chôn ở những bãi bồi giữa suối, rất có thể bị nước cuốn trôi khi lũ lại về. Thêm vào đó, sự an toàn đường điện là rất thấp. Điểm trường thôn Sủng Hoảng bị lũ cuốn trôi, để khắc phục, 16 em học sinh từ 3 đến 5 tuổi được đưa về trường chính học. Trường thêm học sinh, nên những thiếu thốn về cơ sở vật chất, đồ dùng học tập, đồ chơi cho trẻ cũng là một nỗi lo.

08-28-34_4
Các cô giáo dọn dẹp vệ sinh trường lớp đón năm học mới

 

Khi được hỏi: Đâu là khó khăn lớn nhất của nhà trường lúc này? Câu trả lời là: Nguồn nước ăn uống cho học sinh và giáo viên. Trước mùa mưa, trường có hai nguồn nước, một từ giếng khoan phục vụ nhu cầu ăn uống của giáo viên và học sinh, một là nước từ trên khe dùng cho việc tưới cây, dọn rửa đồ dùng. Qua hai cơn bão, giờ giếng nước đã bị vùi lấp giữa lòng suối, còn nước trên khe cũng bị tắc do mưa đá vùi lấp.

Cô Hương chia sẻ: Năm học này, nhà trường có 64 học sinh và trên 10 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, tất cả đều ăn trưa và làm việc hai ca tại trường. Không có nước, việc duy trì nền nếp học tập, sinh hoạt cho các em là vấn đề nan giải. Hiện nay, nhà trường chỉ có 3 téc nước chứa nước mưa, máy lọc nước cũng chỉ có một cái cũ, và cũng không biết tìm đâu ra nguồn nước sạch để dùng.

08-28-34_5
Khó khăn lớn nhất của nhà trường là thiếu nước sạch cho học sinh

 

Đứng từ xa nhìn lại, điểm trường chính của Trường Mầm non Phìn Ngan nằm giữa một vòm nhô ra dòng suối, và con suối lớn giống như đang “ôm” siết lấy cả 3 mặt của trường. Nước lũ đổ về, dòng suối Phìn Ngan trở nên hung dữ, đổi dòng, ăn sâu vào phía sau và mạn trái của ngôi trường.

“Trước đây, trường nằm cách xa dòng suối đến 50m, nhưng giờ chỉ còn 10m. Điều đáng ngại nhất là mức độ lở đất, ăn sâu vào bờ rào của trường ngày càng gia tăng, nếu không có phương án xây dựng hệ thống bờ kè kịp thời, thì dãy nhà ăn, nhà công vụ giáo viên sẽ đổ sập xuống lòng suối là chuyện khó tránh khỏi. Thêm vào đó ta luy dương phía mạn phải của nhà trường cũng có nguy cơ sạt lở đất đá vùi lấp vườn rau và gây nguy hiểm cho trường”, cô Hương lo lắng.

Trong những ngày này, các cô giáo Trường Mầm non Phìn Ngan đang nỗ lực khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết sẵn sàng cho năm học mới. Tuy nhiên, với rất nhiều khó khăn trước mắt, nguyện vọng của các thầy, cô giáo nơi đây là được cấp ủy, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành quan tâm hơn nữa, để có con đường mới vào trường an toàn, đảm bảo điện, nước cho sinh hoạt của học sinh, giúp cô trò yên tâm bước vào năm học.

08-28-34_6
Trường Mầm non Phìn Ngan còn bộn bề khó khăn do ảnh hưởng của mưa lũ

Xem thêm
Ngành sắn đặt mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD vào năm 2030

Bộ NN-PTNT vừa phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050' với mục tiêu đến năm 2030 xuất khẩu 1,8 - 2 tỷ USD.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.