| Hotline: 0983.970.780

Nỗi thao thức của cựu Bộ trưởng về nông dân trong những đêm không ngủ

Thứ Hai 04/05/2020 , 11:21 (GMT+7)

Dù tôi kém hơn 40 tuổi nhưng ông vẫn gọi là lão như người cùng trang lứa. Ông bảo: “Lão ạ, chuyện về nông dân, người có lương tâm, trách nhiệm thì phải ngẫm nghĩ".

Ông Lê Huy Ngọ cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Lê Bền.

Ông Lê Huy Ngọ cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ảnh: Lê Bền.

Nông dân chỉ muốn được làm chủ mảnh ruộng của mình

Dạo này ông hay gọi cho tôi. Những cuộc điện thoại vào những khung giờ không cố định. Những cuộc điện thoại đến nóng máy, đến cạn pin rằng: “Tôi năm nay đã 84 tuổi, cứ 3 giờ sáng là nằm không ngủ được nên dậy đọc sách báo rồi loay hoay muốn chia sẻ những điều mình đang nghĩ. Cũng là dạng cái anh vớ vẩn mà thôi.

Tôi nói với lão chiều thứ bảy để giải phóng cho cái đầu của mình nhưng có khi lại làm hỏng buổi chiều thứ bảy của lão. Bạn bè nhiều người tránh tôi bởi bảo làm việc với ông này rườm rà lắm. Viết đi, viết lại. Nói đi, nói lại. Cân nhắc đi, cân nhắc lại. Sáng gọi, trưa gọi, đêm gọi, mệt quá...”.

Ông là Lê Huy Ngọ, cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Bác gọi thế có gì tâm tư, góp ý không ạ?

Càng đọc bài của lão về nông thôn tôi càng rõ ba thứ cảm xúc là khổ, là buồn, là bức xúc nhưng lão cũng chỉ “quát tháo” được từ xã, huyện trở xuống thôi còn cái cần tập trung thức tỉnh phải ở tầm trên cao hơn.

Phải làm sao cho người ta “mở mắt” ra được, có trách nhiệm hơn với nông dân để phải sửa đổi những chính sách cho phù hợp với họ.

Đối tượng tôi đang muốn nói ở đây không phải là cán bộ quèn đâu mà là những bậc tinh hoa như lời họ hay tự giới thiệu đấy. Nhưng tinh hoa cái gì? Hoa thì hái mà tinh thì bỏ. 

Ở ta, đã không còn cảnh người bóc lột người nữa nhưng vẫn còn chuyện người nông dân bị lợi dụng. Lợi dụng sự nhiệt tình, không tính toán của họ để dấy lên cái gọi là vì nghĩa lớn, nghĩa đồng bào, nghĩa hàng xóm.

Trong quá khứ, người ta động viên và khen thưởng, vận động và thúc giục nông dân tham gia vào hợp tác xã, tiến nhanh lên sản xuất lớn rồi đủ thứ nữa...

Nhiều người phát lên chức này, chức nọ từ làm khoán, hợp tác xã đến bây giờ là chuỗi giá trị nhưng chuỗi cuối cùng, nhận về tồi nhất là người nông dân còn đầu này là người giàu, người có của. Tôi thấy một số người đang dùng nông dân để “chém gió”, để hò hét mà lên hết chức này, chức nọ. Đó cũng là một dạng cơ hội chính trị chứ không phải chỉ là kiếm dăm ba đồng bạc lẻ đâu.

Chỗ này điển hình này, chỗ kia điển hình kia, toàn để làm hoa hòe hoa sói cho người ta, để cho họ có huân chương, chức vụ mà thăng tiến thôi chứ rốt cuộc thân phận người nông dân vẫn khổ, thậm chí vì thế mà khổ thêm...

Ai người nghèo nhất

Bác thử phân tích cụ thể hơn việc đó ra sao?

Tại hội nghị an ninh lương thực tôi nói, nông dân làm ra hạt gạo để lo an ninh lương cho Việt Nam là quá đủ rồi chứ có người còn hô làm an ninh lương thực cho thế giới thì rồ à?

Lo thân mình không xong còn lo cho cả thế giới, toàn chỉ là xui dại. Làm lúa phải thu nhập trên trung bình mới được chứ làm mà thu nhập khốn khổ thì làm làm gì?

Cứ bảo an ninh lương thực rồi khoanh vùng bao nhiêu triệu ha lúa là không đúng. Đừng dùng nông dân để “thí” vào những việc như thế.

Bây giờ ruộng đồng thì bỏ hoang, lúa thì bỏ ế, hai thứ đầy mâu thuẫn mà muốn xuất khẩu gạo thì cứ bảo phải giữ lại để làm an ninh lương thực. Đừng xưng tụng nông dân rồi gọi họ là trụ cột, là lực lượng cơ bản, là gì gì đi chăng nữa.

Họ không mơ được làm chủ những thứ to tát như thế mà chỉ cần làm chủ được đồng ruộng là được rồi. Không nên động viên suông để cuối cùng tất cả đều đi lên chỉ còn trơ lại mỗi người nông dân. Lão thử hỏi bây giờ nghèo nhất là ai?

Một người nông dân đang lo vì đàn vịt ế ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một người nông dân đang lo vì đàn vịt ế ẩm. Ảnh: Dương Đình Tường.

Đời sống của trí thức giờ cũng khá còn văn nghệ sĩ thì khá lắm, có nhiều tiền lắm đấy chứ không cần phải có chức, có quyền. Còn lại là những đối tượng nào? Một là lớp trẻ không có việc làm, hai là những người nông dân mất đất.

Lão phải phản ánh cái thực tiễn hết sức phong phú, khắc nghiệt của nông dân với cả máu và nước mắt ấy để chuyển tải đến nơi cần phải lắng nghe.

Với nông dân, miếng đất không chỉ là nơi cày bừa, cấy hái mà là nơi kiếm sống, nơi mồ hôi, nước mắt đổ xuống thế mà có cái gọi là giá thu hồi (rẻ mạt) trong khi đất bản chất là của họ. Phải nói thế nào về chuyện đó?

Trên tất cả sự ngồn ngộn của cuộc sống ấy tôi thấy đam mê đất cũng có những thằng “rồ” đấy nhưng ít thôi còn người phải sống, dám sống và muốn sống vì miếng đất này thì nhiều.

Vứt đi cả ba cái sổ đỏ để mà làm ruộng (nhân vật trong bài viết Người trồng lúa nhiều nhất miền Bắc mà báo Nông nghiệp Việt Nam vừa đăng tải) là rồ rồi. Lúc đó con người thành đam mê đất như nghệ sĩ mất rồi. Nghệ sĩ dù có húp cháo vẫn đàn hát được cơ mà.  

Vậy theo bác ở nông thôn giờ đang có những nút thắt nào cần phải tháo gỡ?

Nỗi đau và những nút thắt ở nông thôn vẫn còn nhiều. Nỗi đau về con người. Nỗi đau về đất đai. Nỗi đau về tiêu thụ sản phẩm…Lão cần phải sắp xếp lại theo trình tự nào đó, phản ánh để cho người khác xem mà biết, viết dưới tâm thế của một đứa con nông thôn ấy.

Mùa gặt: Ảnh: Dương Đình Tường.

Mùa gặt: Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui nho nhỏ

Chuyện buồn thì thế nhưng nông thôn vẫn có niềm vui chứ bác?

Đúng, niềm vui chính là chương trình nông thôn mới, nhìn tổng thể nó rất vui. Chưa bao giờ chúng ta có một cuộc cách mạng ở nông thôn như thế, nó làm thay đổi cả diện mạo, sức sống và con người.

Nông dân bây giờ cũng ham khoa học và kỹ thuật lắm chứ không ì ra như ngày xưa. Trí thức, chủ doanh nghiệp rồi những người có tài nhiều kẻ cũng quay về với nông thôn. Đó là một tín hiệu tốt.

Làm nông thôn mới theo tôi xã chỉ là cái khung thôi chứ thực chất tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống, mối quan hệ thì làng mới là quan trọng.

Niềm vui mùa quả trĩu cành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Niềm vui mùa quả trĩu cành. Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ xưa mỗi khi đau đớn người ta vẫn thường kêu: “Ối làng nước ơi” là vì thế. Còn mỗi khi một ai đó vui thì cả làng đều vui. Cũng từ làng mà biết bao nhiêu làng nghề đã ra đời.

Giờ người ta nói tiếng Tây là OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm-PV) để làm gì? Dùng tiếng Việt đi, làng nghề. Nó có ở Việt Nam từ hàng ngàn năm nay.

Nông thôn mới là cách bù đắp được phần nào sự thiệt thòi của người nông dân. Lúc về Bộ Nông nghiệp và PTNT tôi vẫn còn ôm nỗi đau từ Vĩnh Phú (ông từng làm rất nhiều vị trí quan trọng của tỉnh Vĩnh Phúc mà cuối cùng là chức Bí thư-PV) bởi lúc người ta làm ra bát cơm, manh áo từ khoán hộ thì mình lại hất đi. Lúc người ta hi sinh tất cả chồng con vào cuộc cách mạng thì mình chỉ coi như đó là trách nhiệm, nghĩa vụ.

Tại sao người khác không có trách nhiệm và nghĩa vụ mà chỉ có nông dân? Lúc khó khăn chúng ta động viên họ để bát gạo cuối cùng người nông dân cũng chia đôi, nửa cho đất nước, nửa để nuôi con.

Giờ, ta thương họ, chỉ cho họ cách có bát cơm đầy thôi, thương như thế cũng là chưa được. Đất nước được như thế này cũng nhờ phần lớn vào lực lượng nông dân chứ công nhân cũng chỉ là biểu tượng thôi. Rốt cuộc thì người nông dân được gì? Họ sống có hạnh phúc không? Vẫn còn lầm lũi lắm, nghèo khó lắm!  

Tôi cho làm thử nông thôn mới năm 2001-2005, đầu tiên là ở cấp làng trước nhưng về sau khi người ta duyệt lại bảo làm ở xã trước với 5 nội dung chính là điện, đường, trụ sở, trường học, trạm xá.

Có một nơi là làng Hoành Đồn ở xã Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) hồi ấy tôi đến rất nhiều lần để nghiền ngẫm về nông thôn mới, giờ thì cả Nam Định đã là tỉnh nông thôn mới rồi.

Một góc làng quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một góc làng quê ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Tôi ở Vĩnh Phú 28 năm mà thấy nhẹ nhàng, chả phải kể lể nhưng đâu vào đó, từ ngày về Hà Nội tới giờ sao nó lận đận, lật đật thế. Mình cứ thật nên cũng là ngu, bị trả giá.

Lúc bấy giờ tôi nghĩ thế, làm thế, nhiều người bảo ông này rồ mà đi làm nông thôn mới, làm 50 triệu/ha, làm liên kết bốn nhà nhưng tôi cứ kệ.

Bởi tôi thấy nông thôn mà cứ quần quật đi làm thế này thì không sống được. Bố mẹ mình, anh em mình làm quần quật mãi rồi, phải cho họ một chút sung sướng, thoải mái trong cuộc sống chứ?

Nhờ nông thôn mới mà nhiều làng quê bây giờ đẹp lắm, hay lắm. Lão cần đi tìm hiểu những cái mới ở nông thôn bây giờ là gì để tăng thêm niềm tin, niềm vui. Tôi với lão sẽ đi thực tế rồi về lại bàn tiếp để chúng ta có thể viết những bài mở ra vấn đề về nông thôn trước thềm đại hội Đảng.

Tầm vóc bài viết nó phải thế, phải thấy được cái chung, cái bao quát, phải có những nhận định giúp cho các tỉnh thành “mở mắt” ra mới được chứ không phải là “đánh” từng huyện, từng xã, từng thằng (cá nhân - PV) như lão vừa rồi vẫn hay làm.

Cách làm ấy cũng gây được tiếng vang nhưng là tiếng vang ở trong ao thôi, nếu làm theo cách này sẽ gây tiếng vang ở hồ lớn.

Giờ người ta đang hô hào nông thôn mới nâng cao với lại nông thôn mới kiểu mẫu theo tôi chỉ là phong trào mà thôi, phải đi theo hướng nông thôn mới bền vững. Học thuyết phát triển bền vững ấy được cả thế giới công nhận cơ mà?

Bắt đầu từ làng Hoành Đồn của xã Hải Đường nơi làm nông thôn mới đầu tiên, tôi với lão thực tế ở đó vài ngày rồi lên huyện Hải Hậu vài ngày, cuối cùng là lên tỉnh (Nam Định) vài ngày. Chúng ta sẽ đi tìm niềm vui, sự sung sướng ở nông thôn bây giờ, nho nhỏ thôi chứ chưa thực sự lớn đâu. Lại phải đi xe máy như lão mới được chứ ô tô thì không vào được lòng dân đâu.

Một khu vườn điển hình ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Một khu vườn điển hình ở huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vẫn phải lặn lội với dân, với cán bộ cơ sở để làm sao “mở khóa” được họ. Tôi nghĩ họ sẽ không ngại, không sợ đâu bởi biết lão viết vì dân chứ không phải vì cán bộ.

Giờ mắt tôi kém rồi nên tay đánh máy thường hay sai, quy luật của tuổi già mà nhưng tay vẫn thích cầm tờ báo giấy để đọc. Nó rất sướng, giàu cảm giác, cảm xúc hơn chứ báo mạng chỉ lướt qua mà thôi. Nhiều số báo tôi giữ để đọc đi, đọc lại. Thế mạnh của lão là đi vào con người, vào những việc cụ thể nhưng đến tuổi nào đó cần phải đi vào vấn đề bao quát hơn thì tầm vóc mới xứng. Những thứ kia chỉ là nền tảng, là kho dự trữ thôi, tôi sẽ làm cố vấn cho.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông đang dần thu hẹp

Cần Thơ Nếu mùa mưa đến trễ, hạn mặn kéo dài, sức chống chịu của các dòng sông và nguồn nước dự trữ trong dân sẽ bị ảnh hưởng.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã - 'Sóng ngầm' ở vùng biên: [Bài 1] Điểm tập kết thú rừng

Các loại thú rừng, từ thông thường đến quý hiếm, nằm trong sách đỏ, vẫn được các đầu nậu âm thầm tuồn từ biên kia biên giới về Việt Nam, phục vụ các 'thượng đế'.

Bình luận mới nhất