Cựu Bộ trưởng Lê Huy Ngọ nói rằng ông đọc rất kĩ loạt bài “Giàu nghèo ở quê” (đăng trên NNVN từ số báo ra ngày 9/5) và thực sự xúc động. Ông ghi ra sổ tay chi chít vấn đề để trao đổi nhưng vì trang báo có hạn nên chúng tôi chỉ xin nêu một vài ý kiến của ông. Và, chúng tôi cũng xin mượn những kiến giải của vị cựu bộ trưởng để kết thúc loạt bài tại đây.
>> Giàu chông chênh
>> Nghèo giữa vườn cây triệu phú
>> Giàu nhờ... bán đất
>> Dân nghèo nghẹt thở vì đóng góp
>> Cán bộ nhát, dân khổ
>> N +L +N = Nghèo kiết xác
>> Thế mạnh thoát nghèo là... rời làng
>> Giầu nghèo ở quê
"Quan đần dân khổ"
Khi chúng tôi gợi lại câu chuyện “Cán bộ nhát, dân khổ” trong loạt bài, vị cựu bộ trưởng trầm ngâm rồi nhớ lại câu chuyện cách đây đã lâu nhưng dường như thông điệp của nó thì còn mới mãi và ông không thể nào quên.
Hồi đó, ông Lê Huy Ngọ làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ). Có lần xuống thăm một ngôi làng ở huyện Lâm Thao. Đến nơi ông thấy người dân nghèo quá, đường sá đi lại khó khăn, làng xóm tăm tối, trong khi các làng lân cận thì đời sống khấm khá, khang trang. Ông gặp một số cán bộ, người dân và hỏi:
- Làng ta thua gì? Cũng đồng ruộng này, cũng làng quê này, con đường này sao lại thua họ được?
Thấy cán bộ trong xã không thưa, một người phụ nữ cao tuổi rụt rè:
- Thưa, tôi có được nói thật không? Và nói rồi ông Bí thư có phật lòng không?
- Mời bà nói thật. Tôi cũng muốn biết sự thật.
- Vâng, nói ông Bí thư bỏ quá cho. Quan đần dân khổ, ông Bí thư ạ.
Kể xong chuyện, ông ngồi lặng đi. Rồi ông nói, nếu cán bộ biết tự ái, biết nghe dân thì địa phương sẽ khó nghèo. Hạnh phúc cho những làng, những xã mà họ lựa chọn được những cán bộ tận tụy, tâm huyết, gắn bó máu thịt với dân, có trình độ và chịu suy nghĩ về quê hương. Biết tự ái của người làm cán bộ sẽ kéo theo sự tự ái của cả làng, cả xóm. Sự tự ái kiểu làng quê “con gà tức nhau tiếng gáy” đó đôi khi lại là động lực thúc đẩy sự phát triển.
Thưa ông, chúng tôi cũng tán đồng với ý kiến của người phụ nữ nọ. Nhưng có một thắc mắc xin nhờ ông kiến giải: Có nhiều vùng quê sinh ra rất nhiều nhân tài cho đất nước nhưng tại sao ở những vùng quê đó người dân vẫn còn nghèo? Ngay tại Thanh Hóa quê ông bây giờ có tới 240 ngàn người phải cứu đói?
Khi biết thông tin 240 ngàn người ở Thanh Hóa đang chịu đói, là người từng làm lãnh đạo ở đấy tôi cũng trăn trở lắm. Đúng là năm nay thời tiết khắc nghiệt, rét dài, hạn hán nghiêm trọng… Lại có đến 11 huyện miền núi và 38 xã bãi ngang ven biển, điều kiện còn khó khăn. Nhưng cũng không thể cứ cam chịu mãi thế được.
Tôi mong thời nay, có nhiều người lãnh đạo ở các làng quê vì sự no ấm, giàu có, phát triển của người dân mà chịu tìm tòi, suy nghĩ về cách triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng. Quán triệt trên cơ sở nhìn nhận lợi thế của quê hương, của dân mình để tạo ra cơ hội và tìm ra giải pháp, đồng thời tạo dựng một môi trường xã hội thúc đẩy xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Hãy cởi mở hơn, mạnh mẽ hơn nữa. Nếu cán bộ, đảng viên đi trước thì thúc đẩy nhanh lắm. Cái gì bó buộc chúng ta? Bác Kim Ngọc đã vượt qua khó khăn để “đẻ” ra khoán hộ; bác Nguyễn Ngọc Trìu làm 5 tấn, bác Ngô Duy Đông làm vụ đông cũng mạnh tay lắm. Chúng ta phải luôn khuyến khích sáng tạo, cởi mở hơn để làm, chứ chưa làm mà đã kèn kẹt thì làm thế nào được?
Cái gì đang bó buộc người có gan làm giàu?
Theo ông, vì sao những người làm giàu bằng nghề nông hiện nay còn ít ỏi?
Dân gian đã đúc kết rồi. Có chí làm quan có gan làm giàu. Muốn làm giàu thì phải có gan. Ở nhiều vùng quê hiện nay vẫn còn nhiều người có gan làm giàu lắm. Gặp những người như thế, tôi quý lắm. Tôi từng giới thiệu một anh học ở Nga về, lên Mộc Châu (Sơn La) để trồng hoa. Anh ấy hỏi tôi: Làm nông nghiệp có giàu được không? Tôi bảo, giàu hay không còn phụ thuộc vào con người. Làm nông nghiệp để giàu có phải gan đã đành nhưng phải có kiến thức và trách nhiệm xã hội nữa (sự gắn bó, yêu mến làng quê). Anh có cái đó không? Phải có những yếu tố đó mới thành công được.
Làm giàu bằng nghề nông phụ thuộc vào quy luật sinh học, năng suất lao động tính theo vụ, theo năm, lại thêm thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh…thì giàu làm sao được? Cho nên một số người nông dân ở quê không phải không có khả năng làm gì. Họ có ý chí, họ cũng hiểu biết nhưng có điều gì đó đang ràng buộc họ? Tôi luôn suy nghĩ về điều này và xác định đây là trách nhiệm của chúng ta. Ở tầm vĩ mô.
Giàu nghèo ở nông thôn còn mang yếu tố xã hội, truyền thống và đặc trưng từng vùng. Ngày xưa làng nghề gặp nhiều khó khăn nhưng giờ đây anh cứ về Đồng Kỵ, Thổ Tang, Mễ Sở, Ninh Hiệp…, họ giàu lắm. Một cây cảnh ở Nam Trực (Nam Định) có giá cả chục tỉ... Báo NNVN nói “Làm ruộng thì ngồi chiếu nghèo”, tôi đi nhiều tôi thấy đúng thế. Nếu chỉ loay hoay với vài sào ruộng thì bà con vẫn nghèo.
Ngoài ra, ở một số người vẫn còn tâm lý “giàu có thì ghét, đói rét thì khinh, trung bình dễ sống”. Tôi đã đi đến nhiều xã, khi đặt cặp xuống bàn, hỏi đến xóa đói giảm nghèo thì anh em rất thạo. Bao nhiêu hộ nghèo vì hoàn cảnh, vì thiếu vốn, thiếu kiến thức…đều nói được hết. Nhưng hỏi có bao nhiêu hộ giàu, họ giàu bằng cách nào lại ậm ừ không nói được.
Người ta cũng hay thắc mắc, tại sao người làm giàu trong lĩnh vực nông nghiệp ít được để ý và tôn vinh hơn so với những ngành khác? Trong nông nghiệp liệu có Sao Vàng đất Việt không? Đó cũng là điều khiến chúng ta đáng phải suy nghĩ.
Tôi vẫn bảo lưu quan điểm, muốn xóa nghèo nhanh nhất, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì phải đẩy giàu lên. Chính những người giàu đó sẽ trực tiếp tham chiến với đói nghèo.
Xóa đói kiểu cho tiền thì không ổn
Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về người nghèo ở nông thôn hiện nay?
Người nghèo ở nông thôn bây giờ thiếu đủ thứ. Thiếu vốn, kiến thức sản xuất, thông tin thị trường… Họ thường nói “giàu ở quê không bằng ngồi lê ở phố” là vì sao? Vì ở phố cả tháng làm có thể ăn cả năm còn ở quê một tháng cày sâu cuốc bẫm muốn ăn cũng phải chờ đến mùa thu hoạch.
Nghèo sinh ra mặc cảm. Có người bỏ quê đi làm thuê trên phố nhưng cũng việc ấy, chừng ấy tiền ở làng tôi đố anh thuê được. Ở Hà Nội, có những người ở quê, tôi gặp đi xe thồ, đội đất trắng đêm vẫn rất vui vẻ. Bảo người ta sĩ thì không đến mức nhưng có điều gì đó cản trở họ. Vác rá đi vay ở làng không dám làm nhưng ra phố thậm chí có những người gặp khó khăn quá phải đi xin nhưng vẫn cứ làm, bởi được “công tác tại thành phố”.
Phải coi sức lao động nông thôn là tài sản, vốn quý nhất của sản xuất. Nếu xem “Thế mạnh thoát nghèo là…rời làng” như báo NNVN nêu thì bị động quá, thúc thủ quá. Nguồn lực con người là quý giá nhất chứ. Chúng ta để người nông dân bươn chải, trôi nổi quá. Tôi về một số xã đã thấy có HIV, nghiện ngập... Đấy là hậu quả của việc sử dụng lao động nông thôn không có định hướng.
+ Có nhiều người nước ngoài đến nước ta thường hỏi tôi là nông dân Việt Nam ngủ vào lúc nào? 3-4 giờ sáng cũng thấy đi làm, 9-10 giờ tối cũng thấy người làm. Vất vả là thế vậy mà vẫn cứ nghèo. Làm ra lúa thứ 2 thế giới, cà phê, tiêu, điều, thủy sản đều nhất nhì, đảm bảo ổn định an ninh lương thực cho cả nước… Vậy thì chúng ta phải tôn vinh họ thế nào? Nhưng mở ti vi ra toàn thấy cờ hoa loa đài, áo quần rực rỡ còn nông dân thì chỉ thấy chống bão lụt, hạn, dịch bệnh... Trông mệt mỏi quá! ông Lê Huy Ngọ. + Câu chuyện giàu nghèo không chỉ của riêng nước ta mà đây là vấn đề của cả nhân loại. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Xóa đói giảm nghèo, tăng người giàu là sự đảm bảo cho chiến lược phát triển bền vững, là văn minh của chế độ. Anh giàu mà xung quanh là bể khổ thì anh cũng không bền vững được. ông Lê Huy Ngọ.
Liều mình ra thành phố, có việc gì thì làm. Cơm bụi, ngủ trọ, chui lủi làm mấy năm không được đăng ký hộ khẩu. Họ nói với tôi rằng, họ là “dân hạng hai”. Nếu chúng ta kéo dài thực trạng này thì xóa đói giảm nghèo khó lắm. Nguồn lực lớn lao từ thôn quê chưa được sử dụng đúng.
Thời tôi còn làm Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, khi thảo luận về xóa đói giảm nghèo, tôi đã từng báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải và Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng rằng xóa đói giảm nghèo kiểu cho tiền người nghèo sống tạm chỉ là nhất thời, không giải quyết được.
Vậy theo ông, muốn giảm nghèo thì chúng ta phải làm những gì?
Theo tôi thì phải mạnh mẽ chuyển kinh tế thuần nông truyền thống sang nền kinh tế nông nghiệp tiên tiến và tùy theo điều kiện ở mỗi địa phương phải hỗ trợ để nông thôn mở mang phát triển công nghiệp, thủ công nghiệp, làng nghề, dịch vụ. Trước đây, tôi làm Bí thư Vĩnh Phúc, về Thổ Tang ới cái là chỉ trong mấy ngày họ gom cho mấy chục tấn chè để xuất khẩu; còn nếu chờ quốc doanh thì chẳng biết đến bao giờ.
Nhắc lại chuyện đó để thấy dịch vụ ở nông thôn tạo ra sự cơ động, tháo vát và những con người năng động. Đó cũng là cơ sở để xóa đói giảm nghèo ở nông thôn…
Một nông thôn đa nghề mới tạo thêm được công ăn việc làm, thêm thu nhập cho nông dân. Đồng thời phải hỗ trợ việc dạy nghề để lớp trẻ nông thôn ra đô thị, ra KCN là người lao động chân chính có nghề nghiệp chứ không phải vật vã như bây giờ. Nhà nước phải tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, kinh tế nông thôn, lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp, lấy thành thị thúc đẩy nông thôn để cùng phát triển. Nông thôn ấy phải đầy sức sống, thu hẹp người nghèo thu hút người tài.