| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Việt Nam sang EU: Xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng

Thứ Tư 13/07/2022 , 06:47 (GMT+7)

Để xúc tiến xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt lợi thế từ EVFTA và khắc phục những hạn chế.

Tại Diễn đàn kinh doanh nông nghiệp Việt Nam- EU vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện các doanh nghiệp, cơ quan nông nghiệp Việt Nam và EU đã có những chia sẻ xoay quanh Hiệp định Thương mai tự do EU - Việt Nam (EVFTA). Nội dung diễn đàn chủ yếu thảo luận về các cơ hội, thách thức khi nông sản Việt Nam chạm ngõ thị trường châu Âu.

Gia tăng thị phần nông sản tại EU nhờ xóa bỏ hàng rào thuế quan

Là một Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực từ 1/8/2021, EVFTA mở ra một kỷ nguyên mới cho quan hệ giao thương giữa Việt Nam và EU thông qua việc giảm chênh lệch thuế quan và mở cửa thị trường song phương. Sau giai đoạn 10 năm thực thi, EVFTA sẽ giúp xóa bỏ gần 99% dòng thuế quan ở các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu.

Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU giữ 47 dòng thuế quan các sản phẩm rau củ tươi và chế biến xuống mức 0% - vốn là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Thêm vào đó, EVFTA cũng loại bỏ một số rào cản thương mại cho Việt Nam và hỗ trợ nước bạn đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế trong khuôn khổ pháp lý, quy định về môi trường và các yêu vầu về đầu tư.

Ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham), cho biết các nhà đầu tư EU có cái nhìn tích cực đối với EVFTA. Khảo sát giữa doanh nghiệp do EuroCham và VCCI được thực hiện trong quý II/2022 cho thấy số lượng doanh nghiệp EU thu được lợi ích khi kinh doanh tại Việt Nam đã gia tăng từ 5% trong quý IV/2021 lên 8% trong quý II/2022.

Ở chiều ngược lại, dữ liệu của Bộ Công thương chỉ ra rằng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng lên 40% trong năm 2021, đạt khoảng 45 tỷ USD. Với số liệu này, EU trở thành một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất cho nông sản Việt Nam ở thời điểm hiện tại, chiếm 30.7% tổng kim ngạch xuất khẩu các nông sản chủ chốt bao gồm cà phê, hạt điều, hạt tiêu, rau củ, gạo,…

Gạo, cà phê, thủy sản (cá da trơn), rau củ quả (tươi, đã qua chế biến) là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Ảnh minh họa. 

Gạo, cà phê, thủy sản (cá da trơn), rau củ quả (tươi, đã qua chế biến) là những mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Ảnh minh họa. 

Tại diễn đàn, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa phương (Bộ Công thương) thông tin, Việt Nam đang ở năm thứ 2 thực hiện EVFTA. Theo đó, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, thủy sản (cá da trơn), rau củ quả (tươi, đã qua chế biến) sẽ được đưa vào trị trường châu Âu với mức thuế giảm tới 0% trong tương lai gần, mở ra những cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến các mặt hàng này tại Việt Nam.

Thị phần của các sản phẩm cà phê, rau củ quả và thủy sản, và cà phê của Việt Nam tại thị trường châu Âu tương đối nhỏ, song với mức cam kết thuế từ EVFTA, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội để tăng cường thị phần, nâng cao nhận diện tại khu vực này.

Tại diễn đàn, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Hiện nay Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều,...

“Hiệp định EVFTA đã tạo cơ hội để cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, các doanh nghiệp hai bên cần cùng nỗ lực tăng cường đẩy mạnh quan hệ hợp tác”, ông Phạm Tấn Công nói.

Hạn chế tiếp cận thị trường EU vì chưa hiểu rõ về hiệp định EVFTA

EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU lại chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của thị trường này. Tỷ trọng này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

Theo ông Khanh, nếu không tranh thủ thời gian để tận dụng EVFTA thì Việt Nam có thể sẽ hối hận vì trong tương lai có thể đối mặt với ngày càng nhiều sự cạnh tranh từ các nước trong khu vực với khả năng xuất khẩu các mặt hàng tương đương sang thị trường EU.

EU là một thị trường với những yêu cầu cao, khắt khe về vấn đề kiểm dịch động thực vật. Để tăng cường vị thế và uy tín nông sản Việt Nam tại thị trường này, các doanh nghiệp cần cải thiện chất lượng, tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn, quy định của EU.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý và các yếu tố phát triển bền vững vì người tiêu dùng EU đang ngày càng quan tâm đến cách sản phẩm được tạo ra có đáp ứng được các yếu tố bảo vệ môi trường hay bảo vệ quyền lợi người lao động.

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 10% các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về EVFTA. Ảnh: Trần Trung. 

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 10% các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về EVFTA. Ảnh: Trần Trung. 

Theo khảo sát của VCCI, chỉ có 10% các doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ về EVFTA. Như vậy có đến 90% doanh nghiệp Việt Nam không hiểu hoặc chưa hiểu toàn diện về hiệp định thương mại song phương này. Điều này có thể là rào cản hạn chế doanh nghiệp Việt Nam tận dụng triệt để các cơ hội từ thị trường EU.

Đồng quan điểm với đại diện từ VCCI, ông Jean-Jacques Bouflet cho biết xuất khẩu nông sản Việt Nam sang EU phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có những yêu cầu từ phía EU. Các nhóm sản phẩm tiềm năng như rau củ, gạo và đồ ăn liền chưa đạt được mức độ sản lượng cần thiết của các chuỗi siêu thị lớn tại châu Âu.

Trong bối cảnh những yêu cầu từ phía EU ngày một gia tăng, nguồn nguyên liệu thô rau củ quả đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU còn hạn chế. Vì lẽ đó, các doanh nghiệp châu Âu chưa chuyển sang nhập khẩu rau củ quả tươi từ Việt Nam.

Trong khi đó phía EU liên tục cập nhật và thông tin về các chỉ số SPS dành cho các mặt hàng nông sản nhập khẩu, đồng thời tăng cường các tiêu chí các chứng nhận liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển xã hội bền vững.

“Quan trọng là các điều khoản của EU không có mục đích hạn chế xuất khẩu mà nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về sức khỏe và chất lượng nông sản xuyên suốt thị trường EU. Xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn trong việc đáp ứng những tiêu chuẩn này, gây ảnh hưởng đến vị thế của thị trường Việt Nam. Vì thế Việt Nam cần tìm ra giải pháp để đáp ứng những tiêu chí của EU và quốc tế để xâm nhập các thị trường hiệu quả hơn,” ông Jean-Jacques Bouflet chia sẻ.

Các quy tắc nghiêm ngặt về truy xuất nguồn gốc cũng là một thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Do sự hồi phục của EU cùng với nhiều ưu đãi về thuế, EVFTA sẽ gia tăng các mặt hàng nông sản có tính cạnh tranh trong thị trường EU, như vậy các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp cận thông tin thị trường về ưu đãi thuế, hàng rào kĩ thuật vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và cuối cùng là phát triển thương hiệu.

Xem thêm
Ông Nguyễn Tuấn Anh giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Ban Bí thư quyết định điều động ông Nguyễn Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái

Quảng Ninh: Đắm tàu chở khách ở Hòn Nét, hai người mất tích

Bộ Chỉ huy Quân sự Quảng Ninh cho biết, khoảng 5h sáng 7/12, một tàu chở khách bị đắm tại Hòn Nét, vịnh Bái Tử Long.

Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao

Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.