| Hotline: 0983.970.780

Núp bóng bảo vệ rừng, khai thác vàng trái phép

Thứ Năm 14/04/2016 , 06:35 (GMT+7)

Bằng cách nhập hộ khẩu vào địa phương, một số đối tượng đã hợp thức hóa việc mua gom đất rừng phòng hộ tại xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, sau đó tiến hành khai thác vàng trái phép...

Lách luật

Xã Thần Sa, huyện Võ Nhai là vùng đất có nhiều vàng. Mấy chục năm về trước, dân đào vàng ở các tỉnh phía Bắc đều đã biết tiếng vùng đất này và đổ về đây với hy vọng đổi đời. Giờ, hoạt động khai thác vàng thổ phỉ không còn dễ như trước nữa.

Nhà nước đã thắt chặt quản lý, ngăn chặn việc thất thoát tài nguyên quốc gia nên không có chuyện một nhóm người lạ mặt từ nơi khác đến tự chiếm lấy một vùng đất rừng để đào bới tìm vàng. Đất rừng được phân lô và giao cho những người dân địa phương chăm sóc, quản lý.

Tuy nhiên, sự cám dỗ của vàng đã khiến cho người ta tìm đủ mọi cách để đạt được mục đích. Đất rừng được giao cho ai thì dân đào vàng sẽ tìm mua lại “quyền chăm sóc, bảo vệ” khoảnh rừng đó với giá cao. Luật Bảo vệ rừng không cho phép chuyển nhượng rừng phòng hộ cho người ở nơi khác đến thì họ tìm cách xin nhập khẩu vào địa phương để tiện mua bán, chuyển nhượng.

Năm 2014, phát hiện khu rừng Bãi Mố, xóm Thượng Hạ Kim, xã Thần Sa có mỏ vàng gốc, ông Nguyễn Bá Mạnh là người ở địa phương khác đã tìm đến đặt vấn đề mua lại 3 lô rừng 79, 80, 81 khu Bãi Mố với diện tích xấp xỉ 30ha của chủ rừng Lý Kim Tài, trú tại xóm Thượng Hạ Kim. Sau khi thống nhất được việc mua bán chuyển nhượng quyền chăm sóc bảo vệ những khu rừng trên, tháng 2/2014 ông Mạnh đã làm đơn xin nhập khẩu luôn vào nhà ông Lý Kim Tài.

Tháng 4/2014, ông Tài kí hợp đồng chuyển nhượng gần 30ha đất rừng phòng hộ cho Nguyễn Bá Mạnh với giá 150 triệu đồng? Kể từ đó ông Mạnh trở thành chủ quản lý cả một khu rừng phòng hộ rộng lớn ở Thần Sa trong khi người dân địa phương không ai biết mặt ông Mạnh.

Khi ông Mạnh nhập khẩu và trở thành cư dân thường trú tại thôn Thượng Hạ Kim, ngay cả trưởng thôn Triệu Văn Kim cũng không biết mặt ông Mạnh, không được thông báo về nhân thân của ông là người ở đâu đến. Mãi cho đến khi có vài chục người lạ mặt mang máy móc đến khai thác vàng ở Bãi Mố thì trưởng thôn Kim mới nghe tên công dân mới trong thôn đồng thời cũng là “chủ rừng” mới Nguyễn Bá Mạnh.

Ai đã hỗ trợ cho vàng tặc?

Chẳng rõ mục đích mua lại đất rừng phòng hộ của ông Mạnh là để trực tiếp khai thác vàng hay để bán lại quyền quản lý mảnh rừng có vàng này cho các “bưởng” khai thác vàng trái phép khác.

Nhưng chắc chắn ông Mạnh không hề có ý định bảo vệ rừng, bởi sau khi các cấp chính quyền địa phương công nhận ông Mạnh là chủ khu rừng này thì cả xã Thần Sa, cả huyện Võ Nhai trở nên náo loạn với nạn “vàng tặc”.

15-00-46_img_4749
Lán trại của "vàng tặc"

Nơi đây cũng sớm trở thành địa điểm hội tụ của những tay giang hồ cộm cán, những cán bộ CA bị “thải hồi”. Trong suốt thời gian từ 2014 - 2015, UBND tỉnh Thái Nguyên đã phải nhiều lần ra văn bản yêu cầu chính quyền địa phương giải tỏa việc khai thác vàng trái phép nhưng không có kết quả. Thậm chí, CA tỉnh Thái Nguyên đã phải đau đầu với việc tên Phạm Anh Huy chủ mưu truy sát nhà báo để trả thù vì đã cố gắng điều tra phanh phui vụ việc.

Theo tìm hiểu của báo NNVN thì nhân vật Phạm Anh Huy chính là một đối tác với Nguyễn Bá Mạnh trong “thương vụ” chuyển nhượng rừng phòng hộ.

Cả Huy và Mạnh đều ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình và cùng có thời gian công tác trong ngành CA. Ngày 25/2/2014 cả Huy và Mạnh đồng loạt xin nhập khẩu vào nhà ông Lý Kim Tài nhưng Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng lúc ban đầu chỉ do một mình Nguyễn Bá Mạnh đứng tên.

Đến ngày 16/7/2015, tức khoảng hơn 1 năm sau, Mạnh mới có động thái “rút chân”, kí chuyển nhượng toàn bộ 30ha rừng sang tên Phạm Anh Huy.

Trở thành “bưởng” của mỏ vàng Bãi Mố, Huy tỏ ra quyết liệt, hung hãn hơn, sẵn sàng thuê người đâm, chém dằn mặt những người có ý định cản đường. Tất nhiên, sự ngông cuồng đã khiến Huy phải trả giá trước pháp luật nhưng nhìn lại cả quá trình diễn biến của sự việc, theo NNVN, những người như Huy thực chất chỉ là “con tốt” bị thí trên bàn cờ. Đằng sau việc mua gom đất rừng phòng hộ của Huy và Mạnh phải là những thế lực, có tiền và có quyền.

Việc ông Nguyễn Bá Mạnh đang có hộ khẩu tại xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, đang làm việc tại CA huyện Phú Bình bỗng dưng lại có thể nhập khẩu vào xóm Thượng Hạ Kim, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai với lời khai nghề nghiệp là “làm ruộng” chắc phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nơi giới thiệu đến là CA huyện Phú Bình và nơi tiếp nhận là CA huyện Võ Nhai?

Lạ hơn nữa là ông Mạnh vừa kí hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng với ông Lý Kim Tài vào ngày 8/4/2011 thì ngày 11/4/2014 công dân mới Nguyễn Bá Mạnh đã “mời” được ông Diệp Văn Cao - Trưởng Công an huyện Võ Nhai, ông Hoàng Văn Quyết - Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa, ông Lê Văn Tiến - Chủ tịch UBND xã Thần Sa và ông Trần Danh Tuyên - Phó CT HĐND xã Thần Sa cùng có mặt tại UBND xã Thần Sa để “Thông qua đơn chuyển quyền sử dụng đất của ông Mạnh”.

Có thể thấy, trong buổi lễ xem xét đơn chuyển quyền sử dụng đất này, sự xuất hiện của ông Diệp Văn Cao cũng là một biểu lộ quan tâm khá “đặc biệt”.

Câu chuyện Nguyễn Bá Mạnh, Phạm Anh Huy nhập khẩu vào huyện Võ Nhai, mua bán chuyển nhượng rừng để khai thác vàng trái phép còn rất nhiều uẩn khúc cần phải được đưa ra trước công luận.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.