Sáng 31/3, tại ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, Bình Phước, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Lộc Ninh tổ chức công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, lễ hội truyền thống tập quán và tín ngưỡng: Lễ hội Phá Bàu (Dua Tpeng) của người Khmer.
Theo già làng Lâm Bức, Phó Chủ tịch Hội đồng già làng xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, lễ hội Phá Bàu của người Khmer xã Lộc Khánh là lễ hội truyền thống lâu đời, là một loại hình văn hóa dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều giá trị độc đáo, có nội dung phong phú, đa dạng của người Khmer ở địa phương nói riêng, tỉnh Bình Phước nói chung.
Lễ hội Phá Bàu được tổ chức vào mùa khô, trước Tết Chôl Chnăm Thmây. Theo tục lệ, hội đồng già làng sẽ thực hiện các nghi lễ truyền thống và nghi thức cúng thần linh cầu mưa thuận, gió hòa, cho mùa màng bội thu, cầu cho buổi phá bàu được thuận lợi, bà con thu hoạch được nhiều cá, tôm…
Sau đó, đông đảo người dân với các dụng cụ truyền thống thô sơ thi nhau bắt cá. Các sản phẩm bắt được trong lễ hội được chế biến thành những món ăn truyền thống như: mắm chua được làm từ cá nhỏ và tép, cá hấp lá chuối, cá nướng, cua nướng…
“Theo quy định của dân làng, bàu nước tự nhiên là tài sản chung của cộng đồng, già làng là người đại diện quản lý. Trong thời gian một năm, khi chưa được phép của già làng, không ai có quyền đánh bắt cá ở bàu.
Nếu vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị phạt. Già và đồng bào Khmer rất vui mừng khi Lễ hội Phá Bàu trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia. Già mong muốn di sản này sẽ được gìn giữ cho muôn đời sau”, già làng Lâm Bức phấn khởi cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh Trần Quang Vinh cho biết, Với đặc thù là xã có hơn 50% dân số là đồng bào DTTS, lễ hội Phá Bàu không chỉ tạo điều kiện để bà con đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động sản xuất và trong cuộc sống mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua lao động, sản xuất phát triển kinh tế góp phần công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước Đỗ Minh Trung cho biết: Lễ hội Phá Bàu trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định sự đa dạng văn hóa ở Bình Phước.
Ngoài ra, việc công nhận khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của lễ hội, đồng thời là sự ghi nhận nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lộc Ninh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan, đơn vị liên quan đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của dân tộc.