Trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát sinh năm 1946 tại Phú Xuyên, Hà Nội. Nổi tiếng là một phi công MiG-21 xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát từng đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân và được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Năm 2020, trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát đã phát hành cuốn sách “Nhật ký phi công tiêm kích” được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Bởi lẽ, lần đầu tiên, cuộc sống của một phi công tiêm kích được kể lại một cách chân thực và xúc động. Qua mỗi trang nhật ký, câu chuyện rèn luyện và chiến đấu của phi công tiêm kích khiến người đọc thêm cảm phục và trân trọng.
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) trung tướng Nguyễn Đức Soát ra mắt hồi ký “Bầu trời - Trường đại học của tôi” dày hơn 300 trang.
Vì sao bầu trời lại được xem như trường đại học? Trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát chia sẻ: “Tôi có cảm tưởng đời bay của mình giống cuộc đời của một sinh viên trong một trường đại học đặc biệt. Mình học mãi không hết, vì kỹ thuật không ngừng phát triển, các loại máy bay tiên tiến hơn liên tục xuất hiện, thay thế các máy bay thuộc thế hệ trước”.
Hồi ký “Bầu trời – Trường Đại học của tôi” gồm hai phần. Phần thứ nhất “Đời bay” ghi lại những dấu ấn đáng nhớ, không chỉ gắn với cuộc đời của trung tướng Nguyễn Đức Soát, mà đó còn là những cột mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của không quân Việt Nam nói riêng và lịch sử Việt Nam nói chung. Tác giả hé lộ những chiến dịch tập kích đường không của Mỹ ra miền Bắc, từ không chiến đến hòa giải, quá trình xuất kích bắn hạ máy bay địch, những câu chuyện từ những người phi công chiến đấu, quá trình làm chủ những chiếc máy bay huyền thoại như SU-27, bay cùng các phi công Do Thái…
Còn phần thứ hai “Quê hương và gia đình” là những tâm sự của trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát về bạn bè, người thân, tuổi ấu thơ, và những kỷ niệm ấm áp đã đi cùng ông trong suốt cuộc đời.
Cuốn sách “Bầu trời – Trường Đại học của tôi” không chỉ có những trận không chiến ác liệt, chói ngời chiến công của chủ nghĩa anh hùng cách mạng mà còn nhiều câu chuyện về hòa hợp, hòa giải và những công việc tuyệt mật thời hậu chiến bây giờ mới được công bố. Đồng thời, cuốn sách cũng đề cập những gắn kết bền chặt của một trung tướng không quân với quê hương, cha mẹ và một tình yêu đẹp lạ lùng như có bàn tay sắp đặt của số phận để có một gia đình nhỏ với ba thế hệ sống bên nhau quây quần hạnh phúc.
Thông qua cuộc đời lao động và chiến đấu của phi công Nguyễn Đức Soát, độc giả không chỉ được đồng hành với ông trong những trận không chiến đã trở thành mốc son trong lịch sử quân sự Việt Nam, mà còn biết đến những câu chuyện đầy nhân văn thời kỳ hòa bình và phát triển đất nước.
Từ một anh lính bắt đầu học lái máy bay MiG-21 cho đến khi trở thành một trong những phi công có tài xạ kích bậc nhất của không quân Việt Nam, Nguyễn Đức Soát đã bắn hạ 6 máy bay Mỹ. Được nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân khi mới ở tuổi 27, Nguyễn Đức Soát luôn mong ước chinh phục bầu trời và các loại máy bay chiến đấu. Ông đã miệt mài học tập để làm chủ những kỹ thuật lái phức tạp, cộng với linh cảm tuyệt vời trong những khoảnh khắc cam go nhất. Ông đã sáng tạo ra những động tác bay ảo diệu kết hợp tài xạ kích hiếm có, bắn hạ máy bay đối phương trong những tình huống không tưởng.
Trong đời bay của mình, trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát đã chinh phục tất cả các biến thể của tiêm kích MiG-21, tiêm kích bom SU-22M4, tiêm kích đa năng thế hệ thứ tư SU-27. Ông từng bay trên chiếc LAVI của không quân Israel (một phiên bản mới của máy bay F-16 của Mỹ) cùng với phi công Do Thái… Có lẽ hiếm có phi công nào đã bay được và được bay nhiều loại máy bay như Nguyễn Đức Soát.
Đặc biệt hơn, trong thời bình, Nguyễn Đức Soát là vị tướng duy nhất khi đã ở cương vị Tư lệnh Quân chủng Phòng không Không quân, vẫn tham gia bay huấn luyện chiến đấu như những phi công bình thường.
Với hồi ký “Bầu trời – Trường Đại học của tôi”, trung tướng không quân Nguyễn Đức Soát gửi gắm: “Nhiều người cho rằng nghề nghiệp chỉ là một phần cuộc đời của chúng ta. Từ đáy lòng, tôi không quan niệm như vậy. Bởi, từ khi đã trở thành phi công, tôi không thể tách mình khỏi bầu trời, tưởng như bầu trời đã là môi trường sống thứ hai của mình vậy”.