| Hotline: 0983.970.780

‘Bữa cơm ngon của người Mông Cổ không thể thiếu gạo Việt’

Thứ Tư 20/11/2024 , 17:42 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ - ông Jadamba Enkhbayar tại buổi làm việc với Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan sáng 20/11.

Bộ NN-PTNT Việt Nam làm việc với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Bộ NN-PTNT Việt Nam làm việc với Bộ Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Hai nước đều có lợi thế vượt trội về nông nghiệp

Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

Quan hệ Việt Nam - Mông Cổ đã có những bước phát triển mạnh mẽ suốt 70 năm qua. Hai nước đã thiết lập được cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Mông Cổ và tổ chức được 18 kỳ họp từ năm 1979 đến nay (kỳ họp thứ 19 sẽ diễn ra từ ngày 18 đến ngày 23/11/2024 tại Hài Nội), đề ra nhiều phương hướng và biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, ông đã mời một số doanh nghiệp hai nước, trong đó có các doanh nghiệp logistics Mông Cổ sang Việt Nam tham dự Diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ, triển lãm nông sản Mông Cổ và Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024. Từ đó tạo cơ sở cho doanh nghiệp hai nước làm quen, trao đổi kinh nghiệm và tìm kiếm những cơ hội hợp tác mới, đặc biệt trong việc thúc đẩy thương mại nông sản và tăng cường kết nối nông nghiệp giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Về phía Mông Cổ, Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Jadamba Enkhbayar cho rằng, Việt Nam và Mông Cổ cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc kí kết hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa 2 nước. Bên cạnh đó, cần khai thông các điểm nghẽn để tăng cường và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác kinh tế tiềm năng như giao thông vận tải (hàng không, đường sắt, đường biển), du lịch, nông nghiệp.

“Trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi mong muốn trao đổi nhiều thông tin hơn về chính sách phát triển, nâng cao môi trường pháp lí cho xuất khẩu nông sản.

Bên cạnh đó, Tuyên bố chung về việc thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam - Mông Cổ đã xác định định hướng và tương lai hai nước. Đây là cơ sở triển khai các sáng kiến, góp phần thúc đẩy hợp tác thực chất, hiệu quả trong các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của mỗi nước”, ông Jadamba Enkhbayar bày tỏ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì buổi làm việc với Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Việt Nam và Mông Cổ đều có những lợi thế vượt trội trong lĩnh vực nông nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu hàng đầu các sản phẩm như gạo, cà phê, thủy sản, trái cây nhiệt đới…

Trong khi đó, Mông Cổ nổi tiếng với các sản phẩm thịt bò, thịt cừu và các sản phẩm từ sữa có chất lượng cao. Đây là những lĩnh vực mà doanh nghiệp hai nước không chỉ có thể bổ trợ lẫn nhau mà còn khai thác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường toàn cầu.

Nông sản Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Mông Cổ

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu thịt cừu và thịt dê đông lạnh từ Mông Cổ sang Việt Nam, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, Cục đã chủ động phối hợp và trao đổi với các cơ quan thú y của Mông Cổ, đồng thời trình bày rõ các yêu cầu cụ thể nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp Mông Cổ nắm rõ và đăng ký theo đúng các quy định của Việt Nam.

“Theo văn bản Đại sứ quán Mông Cổ đã gửi, có 11 doanh nghiệp Mông Cổ mong muốn xuất khẩu sang Việt Nam, tuy nhiên chỉ 2/11 doanh nghiệp gửi hồ sơ. Bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan Việt Nam, chúng tôi đề nghị Tổng cục Thú y Mông Cổ quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn các doanh nghiệp để sớm được cấp phép và xuất khẩu sang Việt Nam”, Cục trưởng Cục Thú y cho biết.

Về lô hàng 20 tấn thịt dê đông lạnh của Công ty “Technic House LLC” của Mông Cổ đang vướng thủ tục nhập khẩu tại cảng Hải phòng, cần phải đăng kí xong doanh nghiệp theo quy định pháp luật Việt Nam. Cục Thú y cho biết sẽ tạo điều kiện xem xét và cấp phép sớm nhất trong tháng 11. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Long cũng đề nghị Mông Cổ hướng dẫn doanh nghiệp chưa đưa hàng về cảng Việt Nam khi chưa có văn bản của Cục Thú y để tránh lưu công hàng tại cảng, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp.

Đối với giấy phép nhập khẩu bột chiết xuất xương ngựa từ Mông Cổ (từ Nhà máy Monopole) vào Việt Nam, phía Việt Nam đã đồng ý cho phép các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu sản phẩm này ngay trong tháng 11. Cục Thú y cũng cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn chuẩn bị hồ sơ theo quy định cho xuất khẩu mặt hàng bột đạm động vật, protein từ Mông Cổ sang Việt Nam.

Bộ trưởng Jadamba Enkhbayar khẳng định, Mông Cổ cam kết sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình để nông sản Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại thị trường Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Bộ trưởng Jadamba Enkhbayar khẳng định, Mông Cổ cam kết sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình để nông sản Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại thị trường Mông Cổ. Ảnh: Phương Linh.

Theo Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long, cơ quan thú ý hai nước đã đàm phán và đồng ý cho phép xuất khẩu thịt gà chế biết, thịt gà tươi, trứng gà, thuốc thú y và vacxin phòng bệnh động vật của Việt Nam sang Mông Cổ. Vì vậy, phía Việt Nam bày tỏ mong muốn cơ quan thú y Mông Cổ tạo điều kiện và hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ quan thú y hai nước cam kết thúc đẩy xử lí và xuất khẩu các sản phẩm của 2 quốc gia và thuốc thú y của Việt Nam sang Mông Cổ ngay trong năm 2024.

Phản hồi về ý kiến từ phía Việt Nam, ông Jadamba Enkhbayar khẳng định, các mặt hàng nông sản Việt Nam đang rất phát triển và được ưa chuộng tại thị trường Mông Cổ. Mông Cổ cam kết sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ hết mình để nông sản Việt Nam được phổ biến rộng rãi tại thị trường Mông Cổ.

“Mông Cổ sẵn sàng cho phép nhập khẩu thịt gà Việt Nam, hiện nay, 2.000 tấn thịt gà Việt Nam đã được nhập khẩu và thông quan sang thị trường Mông Cổ.

Thịt dê Mông Cổ và gạo Việt Nam là hai sản phẩm nông sản được ưa chuộng và có tiềm năng kết hợp tuyệt vời. Trong bữa ăn ngon trên bàn ăn của người Mông Cổ không thể thiếu gạo Việt Nam. Vì vậy, tôi cho rằng đây sẽ là cơ hội để người dân hai nước trải nghiệm sự kết hợp tuyệt vời này”, Bộ trưởng Jadamba Enkhbayar cho hay.

Diễn đàn Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 sáng 20/11 tại Hà Nội. Ảnh: Linh Linh.

Diễn đàn Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ diễn ra trong khuôn khổ Hội chợ triển lãm Nông nghiệp Quốc tế lần thứ 24 - AgroViet 2024 sáng 20/11 tại Hà Nội. Ảnh: Linh Linh.

Sáng cùng ngày, Bộ NN-PTNT tổ chức Diễn đàn Xúc tiến nông sản Việt Nam - Mông Cổ. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Mông Cổ.

Theo ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Diễn đàn là cầu nối quan trọng để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác. Ngoài ra, thông qua sự kiện này, Chính phủ hai nước sẽ chia sẻ các chính sách ưu đãi, cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tiếp cận thị trường của nhau một cách hiệu quả hơn.

Nhân dịp này, Công ty Bulgan Makh Market (Mông Cổ) và Công ty Thực phẩm Minh Bạch TRF (Việt Nam) đã ký bản ghi nhớ hợp tác và phân phối thịt dê, cừu Mông Cổ tại thị trường Việt Nam.

Thịt dê, cừu của Mông Cổ có nguồn cung ổn định và chất lượng tốt nhờ chăn nuôi tự nhiên. Bên cạnh việc nhập khẩu thịt từ Mông Cổ, đại diện Công ty Thực phẩm Minh Bạch TRF cho rằng, việc hai bên xúc tiến thương mại cũng tạo điều kiện để Việt Nam học hỏi, ứng dụng kỹ thuật chăn nuôi đối với đàn dê, cừu của Mông Cổ, từ đó giúp tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm.

Đại diện Công ty Thực phẩm Minh Bạch TRF cho biết, sản lượng thịt dê và thịt cừu ở Việt Nam đạt khoảng 55.000 tấn năm 2023, chỉ chiếm khoảng 0,7% sản lượng tiêu thụ thịt của người Việt Nam. Với sự hội nhập về văn hóa kéo theo xu hướng tiêu thụ thực phẩm thay đổi, lượng thịt dê và cừu trên không đủ để đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng Việt Nam. 

Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Cần Thơ mong muốn WB ủng hộ đầu tư hạ tầng vùng lúa chất lượng cao

Cần Thơ Ngày 19/11, bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch khu vực Đông Á và Thái Bình Dương - Ngân hàng Thế giới (WB) thăm thực địa tại HTX New Green Farm (quận Thốt Nốt).

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hậu Giang: Thi công cao tốc gây gián đoạn nguồn nước sản xuất nông nghiệp

UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ liên quan đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh người dân khiếu kiện tập trung, ảnh hưởng dự án.