| Hotline: 0983.970.780

Phát triển sinh kế tại vùng đệm khu bảo tồn, vườn quốc gia

Thứ Bảy 25/12/2021 , 12:14 (GMT+7)

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp và một số đơn vị khác tổ chức diễn đàn, với mục tiêu giúp bà con nông dân đảm bảo cuộc sống.

Diễn đàn tổ chức tại điểm cầu chính Ba Vì ngày 24/12. Ảnh: Bảo Thắng.

Diễn đàn tổ chức tại điểm cầu chính Ba Vì ngày 24/12. Ảnh: Bảo Thắng.

Ngày 24/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Tổng cục Lâm nghiệp, Ban Quản lý các dự án lâm nghiệp, hệ thống các vườn quốc gia, Trung tâm Khuyến nông một số tỉnh, thành phố và Đại học Lâm nghiệp tổ chức diễn đàn "Giải pháp phát triển sinh kế bền vững tại vùng đệm một số khu bảo tồn, vườn quốc gia".

Theo Vụ Quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ (Tổng cục Lâm nghiệp), hệ thống rừng đặc dụng toàn quốc có tổng diện tích gần 2,2 triệu ha, chiếm khoảng 15% tổng diện tích rừng cả nước; đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, hạn chế lũ lụt, điều tiết nguồn nước.

Hiện cả nước có 167 khu rừng đặc dụng thuộc 54/63 tỉnh, thành phố. Rừng là nơi sinh sống, gắn bó, tạo việc làm trực tiếp và gián tiếp của khoảng 20 triệu người dân, trong đó chủ yếu là người dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi.

Trong quá trình hình thành và phát triển của hệ thống rừng đặc dụng, cộng đồng người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng đệm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Thực tế, nơi nào người dân, cộng đồng địa phương có cuộc sống ổn định thì ở đó rừng được bảo vệ, phát triển, đa dạng sinh học được phục hồi.

"Việc cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng sinh sống tại vùng đệm được xác định là giải pháp hiệu quả để bảo vệ và phát triển rừng", ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nói.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Bảo Thắng.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Ảnh: Bảo Thắng.

Hàng năm, các Ban quản lý rừng đặc dụng tổ chức khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cộng đồng vùng đệm từ ngân sách Trung ương với diện tích bình quân khoảng 500.000 ha, mức khoán cho hộ gia đình, cộng đồng căn cứ đối tượng, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc.

Tổng số 74 ban quản lý rừng đặc dụng được chi trả dịch vụ môi trường rừng, chiếm 45% tổng số ban quản lý rừng, với tổng diện tích rừng năm trong lưu vực là 1,148 triệu ha, chiếm khoảng 48% về diện tích rừng đặc dụng, kinh phí chi trả khoảng 320 tỷ đồng, bình quân 292 ngàn đồng/ha (thấp nhất là 628 đồng/ha và cao nhất là 1 triệu đồng/ha).

Những năm qua, Bộ NN-PTNT đã hỗ trợ người dân từ nhiều chương trình, dự án trong và ngoài nước, từng bước giải quyết được khó khăn cho người dân sinh sống tại khu vực có rừng; phát triển nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, trồng dược liệu và lâm sản ngoài gỗ... từ đó cải thiện thu nhập, đời sống cho người dân, giảm áp lực vào rừng.

Giai đoạn 2016 - 2020, hàng năm có khoảng 1.100 lượt thôn/bản vùng đệm các Khu bảo tồn đã được hỗ trợ thông qua Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển vùng đệm với tổng kinh phí khoảng 43,8 tỷ đồng.

Cụ thể, Vườn Quốc gia Ba Vì đã cấp 82 con bò giống và hơn 20.000 cây giống ăn quả cho các thôn, bản từ năm 2018. Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng) cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về bảo vệ rừng, động vật hoang dã, kết hợp hỗ trợ sinh kế cho người dân sống ở vùng đệm.

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. 

Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp. 

Tham dự diễn đàn, ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, tài nguyên rừng Việt Nam rất phong phú và đa dạng, trong đó lâm sản ngoài gỗ có ý nghĩa quan trọng về mặt.

"Chúng ta cần phát huy những tiềm năng và giá trị sẵn có ở vùng đệm những khu bảo tồn, vườn quốc gia. Qua diễn đàn, hy vọng những cách làm hay sẽ được nhân rộng trên cả nước", ông Bảo bày tỏ.

Trên cơ sở những tham luận của các vườn quốc gia, các tổ chức quốc tế như Cifor, các đơn vị Bộ NN-PTNT thống nhất 3 công việc sau trong thời gian tới.

Thứ nhất, phân tích cơ chế, chính sách và kết quả thực hiện hỗ trợ, phát triển sinh kế tại vùng đệm các khu rừng đặc dụng, nhất là trong bối cảnh 2 năm gần do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong bối cảnh kinh tế khó khăn; người lao động từ thành phố trở về quê, thiếu việc làm, không có thu nhập; đã gây sức ép rất lớn đến công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học của các khu rừng đặc dụng.

Thứ hai, chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai, thực hiện các chương trình hỗ trợ vùng đệm; nâng cao thu nhập cho người dân; đặc biệt là các chương trình, dự án, mô hình hợp tác phát triển kinh tế giữa Ban quản lý rừng đặc dụng và cộng đồng; cộng đồng và doanh nghiệp.

Thứ ba, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm phát triển, nhân rộng các mô hình cải thiện sinh kế vùng đệm có hiệu quả, phù hợp với các vùng sinh thái và đặc thù văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc; Hỗ trợ, phát triển vùng đệm mang tính bền vững; góp phần thực hiện tốt công tác bảo tồn, đa dạng sinh học và quản lý bảo vệ rừng đảm bảo mục tiêu phát triển môi trường - kinh tế - xã hội bền vững .

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.