Tính đến ngày 9/7, chiến dịch phản đối phim trên trang Change.org đã nhận được hơn 70.000 chữ ký tán thành.
Mikayla Zazon - một người truyền cảm hứng trên mạng xã hội - khởi xướng cuộc vận động từ đầu tháng.
Cô cho biết: "Netflix rõ ràng đứng về phía kẻ bạo hành và dung túng cho tội phạm tình dục khi để phim nằm trong top thịnh hành. Là một nạn nhân của tấn công tình dục, tôi tức giận và đau khổ khi thấy phim được giới thiệu cho thanh thiếu niên".
365 days là phim kể chuyện một trùm tội phạm giàu có vùng Sicily (Italy) bắt cóc phụ nữ trẻ người Ba Lan và nói sẽ khiến cô yêu hắn ta trong vòng một năm bị giam giữ.
Phim "365 days" xây dựng diễn biến tâm lý nhân vật theo "hội chứng Stockholm", để con tin nảy sinh đồng cảm với kẻ bắt giữ mình.
"365 days" được khởi chiếu tại Ba Lan từ đầu năm, thu về 9 triệu USD tại phòng vé nước này. 365 Days lên nền tảng phim trực tuyến Netflix từ tháng trước, đứng đầu về lượt xem toàn thế giới suốt tháng 6, trong đó có Việt Nam. Nhà sản xuất dự kiến làm tiếp phần ngoại truyện nhưng bị trì hoãn vì dịch.
Sau khi lên nền tảng Netflix phát hành phim trực tuyến, "365 days" nhận nhiều chỉ trích từ khán giả và giới phê bình. Theo IndieWire, nhiều người cho rằng cảnh sex trong phim quá trần trụi, phản cảm. Cách đặt máy và phơi bày cơ thể tạo cảm giác như hai diễn viên đang làm tình thật.
Trên Rotten Tomatoes, "365 days" không nhận đánh giá tích cực nào, bị nhiều nhà phê bình chỉ trích. Phim chỉ được chấm 3,4 điểm trên thang 10 theo đánh giá của người dùng IMDB.
Hội chứng Stockholm (quan hệ bắt cóc) là thuật ngữ mô tả một loạt những trạng thái tâm lý, trong đó con tin lâu ngày chuyển từ cảm giác sợ hãi, căm ghét sang quý mến, đồng cảm, có thể tới mức bảo vệ và phát triển phẩm chất xấu của kẻ bắt cóc.
Tuy nhiên, những cảm xúc nói trên của "nạn nhân" hoàn toàn vô lý vì họ đang nhầm lẫn hành vi hành hạ với lòng tốt của kẻ bắt cóc, mặc cho những nguy hiểm mà họ đã phải trải qua.